CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK
Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang lưu giữ, bảo quản hơn 10.000 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ. Chính vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được đơn vị quan tâm, chú trọng đầu tư trang thiết bị và nguồn nhân lực.
Hàng năm, Bảo tàng Đắk Lắk đều xây dựng phương án chữa cháy tại trụ sở cơ quan và các điểm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, Di tích lịch sử quốc gia Biệt điện Bảo Đại, Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao theo Thông tư số 149/2020/TT-BCA, ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Đồng thời, cử cán bộ, viên chức, người lao động tham gia các khóa tập huấn về phòng cháy, chữa cháy nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, viên chức, người lao động trong việc thực hiện các quy định pháp luật về việc phòng cháy, chữa cháy, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cũng như xử lý các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra.
Tập huấn về phòng cháy chữa cháy
Bên cạnh đó, Bảo tàng Đắk Lắk cũng tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, viên chức, người lao động quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thông qua các cuộc họp, hội nghị cán bộ, viên chức của đơn vị; đặc biệt, trong những thời kỳ cao điểm, như: mùa hanh khô, các ngày lễ, tết, các sự kiện lớn, tập trung đông người, … thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, viên chức, người lao động đơn vị và khách tham quan chấp hành nghiêm túc các quy định, nội quy về phòng cháy, chữa cháy.
Bình chữa cháy được đặt bên dưới bảng tiêu lệnh và nội quy phòng cháy, chữa cháy theo đúng quy định
Bình chữa cháy được đặt ở cạnh lối đi, thuận tiện cho thao tác khi sự cố cháy nổ xảy ra
(Khu vực trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Đắk Lắk)
Để đảm bảo được hỗ trợ tốt nhất về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bảo tàng Đắk Lắk thường xuyên giữ mối liên hệ với chính quyền địa phương, công an phường, phòng An ninh Chính trị nội bộ, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, Phòng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cũng như các phòng chức năng khác của Công an tỉnh Đắk Lắk.
Bình chữa cháy được đặt ở cạnh lối đi, thuận tiện cho thao tác lấy bình khi sự cố cháy nổ xảy ra
(Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột)
Việc phòng chống nguy cơ cháy nổ tại Bảo tàng Đắk Lắk không chỉ là trách nhiệm của cơ quan, lực lượng chức năng mà cần có sự chung tay của mỗi người. Do vậy, mỗi người cần chấp hành tốt các quy định; nâng cao ý thức tự phòng ngừa sự cố cháy, nổ tại bảo tàng và các điểm di tích để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, du khách.
Đức Lập, Thúy Hằng