CÔNG TÁC KIỂM KÊ, BẢO QUẢN TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tại Bảo tàng Đắk Lắk, bên cạnh sự đổi mới các hình thức hoạt động, công tác kiểm kê, bảo quản đã có nhiều hoạt động tích cực để đáp ứng những yêu cầu chuyên môn.
Thành lập từ năm 1977, Bảo tàng Đắk Lắk (tiền thân là Nhà truyền thống tỉnh) gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, trình độ,… chính vì lẽ đó, cán bộ Bảo tàng Đắk Lắk một lúc kiêm nhiều công việc: vừa nghiên cứu, sưu tầm, vừa tổ chức trưng bày, lưu trữ và bảo quản hiện vật. Với tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, các cán bộ ở đây đã từng bước khắc phục khó khăn, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tuy chưa có phòng bảo quản riêng nhưng công tác kho, bảo quản và xử lý các vấn đề mối mọt, nấm mốc,… luôn được chú trọng và thực hiện tốt.
Năm 1995, theo quyết định của Bộ Văn hóa Thông tin (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Bảo tàng Đắk Lắk đã có kho bảo quản cố định ở hai địa điểm (số 01 Lê Duẩn và số 04 Nguyễn Du) với diện tích chung là 1.000m2, được chia thành nhiều phòng, mỗi phòng có diện tích 24m2. Đến năm 2009, kho cơ sở của Bảo tàng gộp về địa điểm số 04 Nguyễn Du, nhờ đó công tác kiểm kê, bảo quản được tiến hành một cách thường xuyên và có hệ thống đối với hình ảnh, hiện vật tại kho bảo quản, tại trưng bày thường xuyên, các trưng bày chuyên đề và trưng bày lưu động. Tuy nhiên, trong giai đoạn này Bảo tàng Đắk Lắk vẫn chưa có một phòng chuyên biệt phục vụ công tác kiểm kê, bảo quản. Các cán bộ phòng nghiệp vụ (tiền thân của phòng Kiểm kê và Bảo quản hiện nay) phải kiêm nhiệm nhiều vị trí: vừa hướng dẫn khách tham quan, tổ chức thực hiện các trưng bày chuyên đề và lưu động,… do đó chỉ có 2 – 3 đồng chí được phân công công tác chuyên sâu về bảo quản.
Tháng 11/2011 là mốc son quan trọng đối với công tác kiểm kê và bảo quản tại Bảo tàng Đắk Lắk, tất cả hiện vật đã được di chuyển an toàn đến vị trí kho mới khánh thành. Với diện tích gần 2.000m2, các tư liệu, hiện vật, hình ảnh được bảo quản trong môi trường có nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng phù hợp, được sắp xếp và bố trí khoa học trên các bục, giá, kệ. Nhiều máy móc, thiết bị được trang bị để phục vụ công tác kiểm kê, bảo quản theo quy chuẩn của bảo tàng học hiện đại.
Trước nhu cầu phải có một phòng riêng biệt thực hiện công tác chuyên sâu, năm 2010, phòng Kiểm kê - Bảo quản và Thư viện được thành lập (tách từ phòng Nghiệp vụ Bảo tàng), đến cuối 2015 đổi tên thành phòng Bảo quản, với các chức năng: Tiếp nhận, đăng ký, theo dõi tình hình xuất nhập hiện vật; Lập và quản lý hồ sơ liên quan đến hiện vật; Tổ chức thẩm định hiện vật; Viết sổ kiểm kê, đánh số và nhập dữ kiệu vào phần mềm quản lý hiện vật; Vệ sinh, bảo quản phòng ngừa và bảo quản trị liệu cho hiện vật; Tu sửa, phục chế hiện vật hư hỏng; Lập sưu tập hiện vật; Đảm bảo hoạt động thường xuyên của thư viện chuyên ngành; Phối hợp với các phòng chức năng thực hiện các trưng bày chuyên đề và lưu động.
Đến nay kho cơ sở của Bảo tàng Đắk Lắk đang lưu giữ trên 9.600 tư liệu, hiện vật được bố trí khoa học thành những khu vực riêng như: đồ mộc; đồ dệt; giấy - ảnh; kim loại; đá, gốm, sứ,…; Xây dựng được nhiều sưu tập hiện vật: cồng chiêng, trống đồng, ché,…; Hiện đại hóa quy trình kiểm kê thông qua phần mềm quản lý hiện vật.
Kho cơ sở Bảo tàng Đắk Lắk đã và đang trở thành địa chỉ của sinh viên, các nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu và học tập.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, các điểm tham quan du lịch, khu di tích lịch sử cũng như bảo tàng phải hạn chế tập trung đông người hoặc tạm ngưng phục vụ. Công tác kiểm kê, bảo quản đã có những thay đổi để đáp ứng với tình hình mới với những hoạt động thiết thực:
Triển khai các biện pháp bảo quản phòng ngừa và bảo quản trị liệu theo hướng chuyên sâu đối với hiện vật thuộc các nhóm chất liệu tại trưng bày thường xuyên cũng như kho cơ sở;
Số hóa hồ sơ, tư liệu, hiện vật một cách hệ thống, khoa học, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu thông tin hiện vật một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất;
Chuẩn bị hiện vật, cung cấp thông tin hồ sơ khoa học để hoàn thiện nội dung, phục vụ cho việc ghi hình về câu chuyện hiện vật để giới thiệu rộng rãi đến công chúng qua các kênh truyền thông của Bảo tàng Đắk Lắk,…
Bảo quản trị liệu hiện vật chất liệu giấy
Tham dự Hội nghị trực tuyến về Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia
kho bảo quản hiện vật bảo tàng - yêu cầu kỹ thuật
Chuẩn bị hiện vật phục vụ quay video về Câu chuyện hiện vật
Trong thời gian tới, việc tích cực học hỏi, cập nhật các phương pháp bảo quản phòng ngừa, bảo quản trị liệu tiên tiến để áp dụng vào kho cơ sở cũng như hiện vật trưng bày, xây dựng và hoàn thiện sơ đồ kho mở để công chúng có thể tiếp cận bảo tàng từ nhiều hướng là những mục tiêu trọng tâm của công tác kiểm kê, bảo quản tại Bảo tàng Đắk Lắk.
GD&TT