CỒNG CHIÊNG – NHẠC CỤ TRUYỀN THỐNG MANG ÂM HƯỞNG NÚI RỪNG
Chào mừng Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2021, Bảo tàng Đắk Lắk giới thiệu một số bộ chiêng quý của người Ê đê, Gia rai và Mnông, loại nhạc cụ truyền thống mang âm hưởng núi rừng.
Không cầu kỳ, phức tạp, cồng chiêng có cấu tạo khá đơn giản, mặt chiêng phẳng và không trang trí hoa văn. Mỗi dàn chiêng bao gồm nhiều chiếc, khi diễn tấu mỗi chiếc chiêng giữ nhiệm vụ là một nốt nhạc trong dàn nhạc, tạo ra những âm thanh đặc trưng, ngân vang giữa cao nguyên đại ngàn.
Cồng chiêng được sử dụng trong các nghi lễ và lễ hội, được coi là vật linh thiêng bởi theo quan niệm của các cư dân nơi đây, thông qua cồng chiêng con người có thể thông tin được với thần linh (Yang). Trước đây, người Ê đê, Gia rai, Mnông không tự tay làm ra được cồng chiêng mà phải qua trao đổi, buôn bán, do đó chiêng là một phương tiện để họ thể hiện sự giàu có và phô trương thanh thế.
Bộ chiêng Bor của bà H’Nga, dân tộc Mnông được lưu giữ qua ba thế hệ. Bà H’Nga cho biết để có bộ chiêng này, người cụ của bà đã trao đổi bằng nhiều trâu, bò với người Chăm từ nơi khác đến. Bộ chiêng gồm sáu chiếc, có kích thước khác nhau và được đặt tên theo thứ tự từ bé tới lớn là tê, xô, tu, nđat, nrâm, me, được sử dụng trong các lễ lớn: cúng cầu mưa, cúng nhà mới, cúng bỏ mả, cúng đặt tên cho trẻ sơ sinh và cúng trong lễ cưới hỏi. Theo người già kể lại, dàn chiêng của người Mnông được sử dụng trong các nghi lễ nông nghiệp (cúng phát rẫy, cúng lúa,…), lễ cúng vòng đời người (mừng sức khỏe, lễ cưới, tang lễ…), lễ cúng voi. Đặc biệt khi săn được 100 con thú, người ta tổ chức đánh chiêng thâu đêm suốt sáng, có khi tới 2-3 ngày.
Bộ chiêng của gia đình Điểu Byơi, dân tộc Mnông Nông cũng là một tài sản quý giá, trước kia khi mua một bộ chiêng thì phải đổi bằng 10 con trâu, 5 con bò.
Bộ chiêng Knah của ông Y Ngăm Adrơng, dân tộc Ê đê Adham gồm mười chiếc trong đó có ba chiêng núm (cồng) và bảy chiêng bằng (chiêng). Theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, bảy chiêng bằng được gọi là Khah, Hliang, Mdu khơk, Hluê khơk, Hluê hliang, Hluê hliang, Hluê khơk điêt và ba chiêng núm là Ana ching, Mŏng ching, M’dŭ. Dàn chiêng do nam giới đánh, khi diễn tấu các chiêng được treo hoặc đặt trên đùi nghệ nhân, người đánh mặt quay về hướng Đông, hướng mặt trời mọc với ý nghĩa nghênh đón thần linh.
Bộ chiêng Jhô của bà H’ăng Ê mŏl, dân tộc Ê đê Bih, được lưu truyền qua nhiều thế hệ gồm 6 chiếc chiêng núm, có kích thước từ lớn đến nhỏ.
Khi diễn tấu, đội hình của chiêng Jhô được chia thành 3 cặp, xếp theo kiểu hai chiêng cùng tên đứng cạnh nhau theo thứ tự Ama, Amí, Dei, đánh kèm với trống. Các bài chiêng của người Bih không nhiều, thông dụng nhất là bài chiêng đón khách (pâc mâc), cúng cầu mưa (hơk hơk ), dệt vải (wăk wei), chủ yếu được đánh có tính chất vui chơi, mô phỏng những âm thanh hoạt động sản xuất. Đặc biệt, bộ chiêng Jhô chỉ do phụ nữ đánh, khi diễn tấu các nghệ nhân di chuyển theo vòng tròn từ phải qua trái với ý nghĩa hướng về cội nguồn.
Bộ chiêng Aráp của ông Ama Piênh, dân tộc Gia rai, là tài sản kế thừa (cha truyền con nối) của gia đình. Bộ chiêng gồm 13 chiếc, 04 chiêng núm, 08 chiêng bằng có kích thước từ lớn đến nhỏ và 01 cặp (ring reo) gồm 02 chiếc khi sử dụng xoa vào nhau để phụ hoạ, hoà âm với cả dàn chiêng.
Khi diễn tấu, dàn chiêng được treo trên một thanh tre dài, hai người khiêng, những người còn lại đi tới, lùi và dùng dùi đánh chiêng, mỗi người có thể đảm nhiệm một hoặc nhiều chiếc chiêng. Khi đánh kết hợp với chũm chọe hoặc trống để tạo nên âm thanh rộn rã.
Cồng chiêng từ bao đời nay đã gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng, với các nghi lễ, lễ hội là tiếng nói tâm linh, bản sắc văn hóa, diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hằng ngày của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và người Ê đê, Gia rai và Mnông nói riêng. Vì lẽ đó, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc cồng chiêng là việc làm thường xuyên và liên tục của Bảo tàng Đắk Lắk, được thể hiện qua tất cả các khâu từ sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu với du khách tham quan.
GD&TT