CHUYỆN VỀ 2 CÂY KƠ NIA ĐỐI XỨNG Ở BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

“Em hỏi cây Kơ Nia, gió mày thổi về đâu? Về phương mặt trời mọc. Mẹ hỏi cây Kơ Nia, rễ mày uống nước đâu? Uống nước nguồn miền Bắc”

Đây là những câu từ trong bài hát khá nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, thơ Ngọc Anh. Từ đó câu đố vui "Cây gì có rễ dài nhất?" được lan truyền, rất nhiều người biết đến tên gọi cây Kơ Nia nhưng ít ai biết cây Kơ Nia là cây gì, hình hài, thân lá nó ra làm sao.

Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên quan niệm Kơ Nia là cây thần, cây thiêng, cây tâm linh, cây biểu tượng cho tinh thần bất khuất. Họ cho rằng cây luôn có thần linh trú ngụ nên không bao giờ chặt đốn. Trên nương rẫy của họ thường có các cây Kơ Nia cổ thụ được sử dụng như cây che mát mỗi lúc nghỉ trưa.

Và đây cũng là câu hỏi thường ngày của du khách khi đến tham quan Bảo tàng Đắk Lắk. 



Cây Kơ Nia phía trước tòa nhà Bảo tàng (góc bên phải)


Cây Kơ Nia hay còn gọi là cây Cầy. Loài cây này mang nhiều ý nghĩa tâm linh đối với người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Kơ Nia là loài thực vật thân gỗ lớn, cao 15 - 30m, đường kính 40 - 60cm. Lá đơn hình trái xoan mọc chụm ở đầu cành. Hoa màu trắng, có từ 4 đến 5 cánh, mọc thành chùm ở kẽ lá, trổ vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 6. Quả hình trái xoan dài 3 - 4 cm, có màu vàng nhạt khi chín và thường xuất hiện vào khoảng tháng 10 - 11. Hạt chứa tinh dầu mùi thơm có thể dùng làm thực phẩm. Tán cây thường có hình trứng, sậm rất đặc trưng, xanh quanh năm và có sức sống mãnh liệt, chịu hạn tốt, rễ cọc ăn sâu, nhiều rễ tỏa ngang nên ít bị đổ do mưa, bão.


Có ý kiến cho rằng: các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng nên trồng nhiều cây Kơ Nia trên đường phố làm cây bóng mát. Tuy nhiên, loại cây này rất khó ươm, trong tự nhiên cũng hiếm cây con, khi trồng khó sống, bên cạnh đó trái rất sai, mùa trái rụng kín gốc, có dáng thon, hình e líp tròn trịa nên dễ làm trượt ngã khi dẫm phải. Quả của cây Kơ nia chín rụng xuống, có vị ngọt, ăn ngon và nhân hạt cũng ăn được.


Có thể nói chính nhờ ca khúc của hai tác giả quê Đà Nẵng, Quảng Nam mà cây Kơ Nia đã trở nên nổi tiếng trong cả nước, trở thành loài cây biểu tượng của Tây Nguyên. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, dân di cư tự do diễn ra ồ ạt, tình trạng chặt phá rừng lấy đất ở, làm đất sản xuất diễn ra rất phức tạp nên rất nhiều cây rừng bị chặt phá, trong đó có cây Kơ Nia.


Từ nhiệm vụ của mình, những người làm công tác bảo tàng chúng tôi luôn muốn tìm kiếm, sưu tầm nhiều hiện vật, tư liệu liên quan để cung cấp một cách đầy đủ, khoa học nhất đến du khách, trong đó có thông tin về cây Kơ Nia.



Cây Kơ Nia mới được di dời, trồng lại


Chúng tôi đi khắp các huyện, thị xã, buôn, làng trong nhiều đợt công tác, đặc biệt để tâm đến việc tìm kiếm cây Kơ Nia con để sưu tầm về trồng tại Bảo tàng Đắk Lắk. Trong đợt công tác khảo sát, điều tra, thống kê tượng nhà mồ trên toàn tỉnh vào năm 2006, chúng tôi đến những làng buôn xa, hẻo lánh, những khu mộ địa, đồi cao. Ngoài việc chính là khảo sát, điều tra, thống kê tượng nhà mồ, anh em sưu tầm thăm hỏi, dò tìm cây Kơ Nia và câu trả lời là rất khó có cây con. Và tuyệt nhiên dưới những gốc cây Kơ Nia cổ thụ có rất nhiều hạt, quả già có, non có, cũ có mới có... nhưng không hề có cây con mọc. Bước đầu, câu chuyện tìm kiếm cây Kơ Nia con đành tạm dừng lại với nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.


Một buổi trưa ngồi nghỉ mát dưới bóng cây Kơ Nia trên đồi, lấy 2 hòn đá ghè những hạt Kơ Nia dưới gốc cây để bóc lớp vỏ dày mới lộ ra phần nhân ăn được, bỗng chợt lóe lên một ý nghĩ, tại sao không nhặt hạt khô, tươi, trái mới rụng đem về ươm? Chúng tôi nhặt rất nhiều hạt khô, tươi và trái đem về nhờ các anh trong đội chăm sóc cây cảnh, hoa cỏ tại Bảo tàng Đắk Lắk ươm giúp vì tin rằng họ có chuyên môn chắc sẽ ươm được cây con. 



Cây Kơ Nia con


Sau nhiều tháng chờ đợi, câu trả lời là con số không tròn trĩnh. Hạt tươi lẫn khô không nẩy mầm và tất nhiên không có cây con để trồng. Lại một lần nữa rơi vào bế tắc kèm chút nỗi buồn man mác. Nhưng chúng tôi vẫn tin vào cái “duyên” và sự cố gắng của người làm công tác bảo tàng sẽ được bù đắp trong một ngày không xa. Đúng như mong đợi, cái “duyên” ấy cũng đã đến với chúng tôi.  


Vào một buổi chiều cuối tuần, mấy anh em bạn gặp nhau làm vài lon bia hàn huyên chuyện gia đình, xã hội... đến chuyện nghề nghiệp, chuyện công việc thì được biết trong nhóm có một anh bạn là lãnh đạo Lâm trường Ia Mơ, huyện Ea Súp. Máu nghề nghiệp nỗi lên, tôi chộp ngay chủ đề và đặt ra tất cả các câu hỏi thắc mắc về cây Kơ Nia với anh. Anh trả lời: đúng là khó ươm và khó có cây con, nhưng rất mừng là câu cuối anh nói thêm khó không có nghĩa là không có. Được lời như mở tấm lòng, tôi bám theo câu chuyện với anh đến cuối cùng và anh hứa sẽ nhờ công nhân Lâm trường hay đi rừng tìm, đào cây con tránh làm đứt rễ và “bỏ vô bầu” theo ngôn ngữ chuyên môn của dân lâm nghiệp để tăng tỷ lệ sống và hứa sẽ tặng tôi 10 cây. Tôi cám ơn anh và mời anh một lon riêng như “bản ghi nhớ” giữa đôi bên.  


Sau ba tuần, nhận được điện thoại của anh báo đến nhà nhận cây. Không thể diễn tả nỗi vui mừng vào lúc ấy. Ngay lập tức, tôi phóng xe máy đến nhà anh. Chỉ có được 6 cây con (không được 10, chứng tỏ cây con hiếm, quý) được gieo trong từng bầu đất cẩn thận như anh từng nói. Tôi đem về đơn vị mà lòng dào dạt niềm vui sướng. Sau vài ngày bàn bạc với Ban giám đốc Bảo tàng về vị trí để trồng và cách trồng, chúng tôi quyết định nhờ các anh trong tổ chăm sóc hoa, cây, cỏ thuộc Công ty cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk trồng và chăm sóc (ngày 16/7/2013). Nơi trồng là phía trước Bảo tàng Đắk Lắk hướng nhìn ra đường Phan Đình Giót. Lúc đem ra trồng chỉ còn lại 3 cây tươi, sống, 3 cây khác héo lá và chết. Chúng tôi quyết định trồng 2 cây đối xứng phía trước và 1 cây đầu hồi tòa nhà. Sau thời gian ngắn, được chăm sóc và che chắn rất cẩn thận nhưng 1 cây đối xứng bên trái bị chết, chỉ còn cây bên phải và cây đầu hồi. Rất lo lắng nhưng may mắn, sau 8 năm 2 cây còn lại phát triển xanh tốt như hôm nay. Đến tháng 8 năm 2021 Ban giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk quyết định di dời cây đầu hồi tòa nhà về vị trí đối xứng với cây Ko nia còn sống để đảm bảo tính thẩm mỹ và giá trị hơn. Đến nay, khách tham quan khi đến Bảo tàng Đắk Lắk nếu muốn tìm hiểu về cây Kơ Nia thì câu trả lời cũng không còn làm khó các nhân viên nữa.



Trồng cây Kơ Nia


Cách đây hơn một tháng, tình cờ gặp lại anh lãnh đạo Lâm trường Ia Mơ năm xưa trong buồn chiều cuối tuần. Ngồi kể lại chuyện xưa và cũng để khoe với anh về những cây Kơ Nia anh tặng. Cho anh xem hình ảnh cây Kơ Nia đang tươi tốt tại sân Bảo tàng Đắk Lắk hôm nay. Anh rất bất ngờ và thích thú không ngờ có được niềm vui lớn như vậy vì có chút đóng góp cho Bảo tàng Đắk Lắk. Anh muốn khi có dịp sẽ tranh thủ ghé thăm Bảo tàng Đắk Lắk và thăm cây Kơ Nia. Tôi trân trọng mời anh ghé Bảo tàng Đắk Lắk, thưởng thức cà phê trong một không gian xanh lý tưởng và chiêm ngưỡng cây Kơ Nia ngày nào anh tặng mới chỉ có 3, 4 lá để thấy được thành quả. Bỗng một suy nghĩ lóe lên trong đầu. Tôi sẽ đề nghị với lãnh đạo đơn vị được mời anh đến, cùng chụp chung tấm ảnh lưu niệm và chính thức ghi nhận việc anh tặng cây Kơ Nia cho Bảo tàng Đắk Lắk để tiếp tục chăm sóc và phát huy giá trị. Một câu chuyện thường ngày của người làm công tác bảo tàng rất thú vị cần được ghi lại, trao truyền để các thế hệ tiếp theo biết, có những câu chuyện kể thú vị, nhân văn hấp dẫn, thu hút nhiều khách tham quan hơn.


Hy vọng trong thời gian tới, được ngồi hóng mát dưới bóng Kơ Nia cổ thụ, dùng đá ghè các vỏ hạt, tách nhân ra ăn, nghe kể về loài cây huyền thoại, cây biểu tượng tâm linh và cả nghe kể về hành trình tìm cây con để Bảo tàng Đắk Lắk có bóng mát cây cổ thụ hôm nay, chắc chắn sẽ rất thú vị và bổ ích.












Ama Nô