CHƯƠNG TRÌNH TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC DI SẢN VĂN HOÁ CHO HỌC SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, CHỦ ĐỀ “ÂM NHẠC CỒNG CHIÊNG”
Ngày 26/3/2021, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức Chương trình tuyên truyền, giáo dục di sản văn hóa cho học sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với chủ đề “Âm nhạc cồng chiêng”.
Trong không khí sôi nổi, hào hứng, hơn 200 em học sinh đến từ Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, thành phố Buôn Ma Thuột đã được khám phá các không gian trưng bày của Bảo tàng Đắk Lắk, tìm hiểu cồng chiêng của các cư dân tại chỗ Ê đê, Gia rai, Mnông và tham gia tranh tài trí tuệ qua phần thi “Rung chuông vàng” đầy hấp dẫn và bổ ích.
Toàn cảnh chương trình
Khởi động với “Vũ điệu cồng chiêng”
Trả lời các câu hỏi của phần thi Rung chuông vàng
Đến với chương trình, các em học sinh có cơ hội tương tác, trao đổi, thảo luận, học tập và rèn luyện các kỹ năng qua các hoạt động “Học mà chơi, chơi mà học” theo hướng giáo dục tích cực, tạo ra không gian trải nghiệm ngoài lớp học với nhiều niềm vui và sáng tạo.
Trên cơ sở sưu tập hiện vật cồng chiêng của Bảo tàng Đắk Lắk, kết hợp với các nội dung trưng bày về Văn hoá dân tộc, Đa dạng sinh học, Lịch sử, chương trình đã góp phần không nhỏ vào việc giới thiệu, tuyên truyền và phát huy di sản văn hoá của dân tộc, tạo sân chơi, cơ hội tìm hiểu và thể hiện những hiểu biết về văn hoá. Kết nối bảo tàng và các đơn vị trường học, hướng đến các mục tiêu là tuyên truyền, giáo dục di sản văn hoá một cách sâu rộng, thiết thực và đạt hiệu quả cao.
Tìm hiểu âm nhạc cồng chiêng
Kết thúc chương trình, Ban tổ chức đã trao quà lưu niệm cho trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám cùng các thí sinh xuất sắc vượt qua các câu hỏi của phần thi “Rung chuông vàng”.
Tặng quà cho quán quân của chương trình cùng các thí sinh xuất sắc
Đưa học sinh đến với bảo tàng thông qua trưng bày kết hợp với các hoạt động giáo dục, trải nghiệm là một trong những mục tiêu của Bảo tàng Đắk Lắk. Trong thời gian tới, Bảo tàng Đắk Lắk sẽ không ngừng đổi mới, đa dạng hoá các hoạt động giáo dục để phục vụ tốt hơn nữa các đối tượng khách tham quan, đặc biệt là các em học sinh – thế hệ tương lai của đất nước, từ đó gieo mầm cho sự yêu thích, chủ động khám phá và ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc.
Các em học sinh viết cảm tưởng sau khi tham gia chương trình
GD&TT