CÂU CHUYỆN VỀ HAI NỮ TÙ CHÍNH TRỊ TẠI NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT

Nhà đày Buôn Ma Thuột được thực dân Pháp thiết lập năm 1930 - 1931, là một trong những nơi giam cầm, đày ải khốc liệt, được ví như chốn địa ngục trần gian, “cô đảo” trên đất liền. Trong vòng 15 năm thời Pháp đã có 3.855 tù nhân bị giam giữ tại đây.

Đa số tù chính trị ở Nhà đày Buôn Ma Thuột là nam, tuy nhiên đến những năm 1941 lại có thêm hai nữ tù, đó là đồng chí Trương Thị Lan và Trần Thị Huệ.


Các em học sinh tham quan và nghe câu chuyện về các nữ tù


Lúc bấy giờ, tù chính trị ăn uống rất kham khổ với cơm nhạt, uống nước lã, riêng đối với hai đồng chí nữ thì bữa cơm có cho thêm một ít muối. Thương các anh em đói khổ, lúc ăn cơm hai đồng chí chỉ sử dụng một phần nhỏ trong số muối của mình, còn để dành lại khi nào được ra sân thì trao cho các đồng chí nam. Hành động này của hai đồng chí diễn ra được một thời gian thì bị bại lộ, quản ngục bắt hai đồng chí cạo trọc đầu và dội nước từ trên đầu xuống trong cái lạnh thấu xương của vùng núi rừng cao nguyên.



Khu bàn giấy- nơi giam giữ hai nữ tù chính trị

 

Chế độ nhà tù hà khắc, cộng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên hai đồng chí Lan và Huệ bị ốm nặng, tóc rụng hết. Thương hai chị, dưới sự lãnh đạo của Hội đồng tù nhân, các đồng chí Trần Văn Quang, Lê Nam Thắng và Trần Hữu Dực đã tổ chức đấu tranh với bọn quản ngục buộc chúng phải chuyển hai đồng chí nữ đi nơi khác với khí hậu dễ chịu hơn. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi, hai chị được chuyển về giam tại Nha Trang.



Các chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân sự Đắk Lắk tham quan Khu bàn giấy


Nhà đày Buôn Ma Thuột không chỉ lưu giữ những trang sử bi thương nhưng rất đỗi hào hùng về người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mà bên cạnh đó còn ánh lên những câu chuyện về tình người, tình yêu đôi lứa trong chốn “địa ngục trần gian”.


Trong chế độ nhà tù khắc nghiệt, sự quan tâm chăm sóc, đoàn kết yêu thương lẫn nhau của những người chiến sĩ cộng sản càng sưởi ấm, tiếp sức cho nhau. Và từ đó, tình yêu đã nảy nở ngay giữa chốn lao tù, đó là mối tình của đồng chí Hồ Cường và đồng chí Trần Thị Huệ, trải qua vô vàn cơ cực dưới những năm tháng cùng bị giam cầm, sau khi được ra tù ông bà đã thực hiện được lời hẹn ước và kết hôn với nhau.



Những người con của bà Trần Thị Huệ về thăm Nhà đày


Năm tháng trôi qua, được sống trong thời kỳ hòa bình, độc lập, khi về thăm “Địa chỉ đỏ” Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, những thân nhân cựu tù cũng như các đoàn khách đều không khỏi ngậm ngùi, cảm động, trân trọng và khâm phục trước sự dũng cảm kiên trung của những chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, đó là những người yêu lý tưởng cách mạng, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân, máu xương của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do cho Tổ quốc.



Hạnh Trinh