BỘ CHIÊNG JHÔ CỦA NGƯỜI ÊĐÊ BIH

Trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, người Êđê là cư dân có mặt lâu đời ở miền Trung và Tây Nguyên với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Người Êđê Bih là một trong số hàng chục nhóm địa phương của dân tộc Êđê, sinh sống quanh những vùng đầm lầy dọc theo sông Krông Ana, Krông Nô và ven hồ Lắk. Người Êđê Bih có truyền thống làm gốm, dệt chiếu, trồng lúa nước, đặc biệt bộ Chiêng Jhô do phụ nữ đảm nhiệm.

Đối với người Êđê Bih, cồng chiêng không chỉ là tài sản quý giá mà còn góp phần chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, là một phần quan trọng, không thể thiếu trong các nghi lễ, lễ hội. Chiêng Jhô (Čing Jhô) không đơn thuần chỉ là âm nhạc mà mang giá trị văn hóa rất riêng của nhóm người Êđê Bih, bởi trong các nhánh của dân tộc Êđê chỉ có nhóm Êđê Bih cho phép phụ nữ đánh chiêng. 



Đội chiêng của huyện Krông Ana trong Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ V,

ngày 23-25/10/2006


Người Êđê Bih gọi dàn chiêng truyền thống của mình là Čing Jhô (Chiêng Jhô) gồm 6 chiêng núm nhỏ, thường không quá chênh nhau về độ lớn bé, chiêng lớn nhất có đường kính khoảng 36 đến 38cm, chiêng nhỏ nhất khoảng 28 đến 30cm. Trong dàn chiêng Jhô: Cứ 2 chiêng theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, sẽ có chung một tên gọi như sau: chiêng 1 và chiêng 4 được gọi là Ama (cha); chiêng 2 và chiêng 5 được gọi là Amí (mẹ); chiêng 3 và chiêng 6 được gọi là Đai hoặc Anăk (con). Khi diễn tấu, đội hình của Chiêng Jhô được sắp xếp theo kiểu cặp hai: hai chiêng cùng tên đứng cạnh nhau theo thứ tự Ama – Amí – Đai. 


Đội chiêng nữ Êđê Bih, huyện Krông Ana (Ảnh Tấn Vịnh)


Nhóm nghệ nhân Êđê Bih huyện Krông Ana biểu diễn chiêng Jhô tại nhà hát Gio-Bet-Ti,

Thành phố Tu Rin, Italy 19/9/2006


Chiêng Jhô do 6 người phụ nữ đảm nhiệm và 1 người phụ nữ lớn tuổi sử dụng trống - chiếc trống cái trong dàn Chiêng Jhô có nhiệm vụ giữ nhịp cho toàn bộ dàn chiêng. Chiêng Jhô thường là chiêng gò, thân chiêng không dày lắm và nhẹ, chính vì vậy, điểm độc đáo ở dàn chiêng là lối đánh. Người đánh Chiêng Jhô trong tư thế đứng hoặc vừa đi vừa đánh nhưng thẳng lưng; tuy nhiên, trong các đám tang, có thể ngồi. Khi tấu chiêng, chiêng Đai – Anak đặt nằm trên cẳng tay nên tiếng câm, đục và ngắt. Chiêng Amí được đeo trên bàn tay, các ngón tay nằm hờ vào mép của thành chiêng, nên tiếng ngân của chiêng đã bị chặn lại một phần. Chiêng Ama được treo bằng tay trái nắm vào dây đeo chiêng, tiếng chiêng hoàn toàn được ngân vang, dài. Các bài chiêng của người Êđê Bih không nhiều, chủ yếu mang tính chất vui chơi, mô tả những âm thanh của hoạt động sản xuất, thông dụng nhất là các bài chiêng đón khách, cúng cầu mưa, dệt vải. Tiếng chiêng của người Êđê Bih sâu lắng, êm ả, lăn tăn như sóng gợn mặt nước, những âm thanh xao động lòng người. (Trích từ góp phần bảo tồn văn hóa người Bih Tây Nguyên-NXB Thời Đại – 2011 trang 142; 143). 





Bộ chiêng Jhô của người Êđê Bih tại Bảo tàng Đắk Lắk


Qua bao thăng trầm của lịch sử và những thay đổi trong cuộc sống của buôn làng, ngày nay phụ nữ Êđê Bih vẫn giữ được những bài chiêng cổ. Việc nữ giới Êđê biết diễn tấu cồng chiêng không chỉ tiếp nối nhịp chiêng ở các buôn làng, làm phong phú, tạo nên nét độc đáo cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, mà còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Tây Nguyên trước những tác động từ nhiều phía của cuộc sống đương đại.






Hồ Nhàn