BẾN NGẦM, BẾN PHÀ SÊRÊPÔK TRONG DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

Cách đây 65 năm, vào ngày 19/5/1959, một tuyến đường đặc biệt được mở trên dãy Trường Sơn để vận chuyển vật chất, súng đạn, chi viện cho chiến trường miền Nam tiến hành kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc.

Trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức về địa lý, khí hậu và sự chống phá của địch nhưng bằng sự quyết tâm không ngại khó, ngại khổ và đổi bằng máu và nước mắt của những chiến sĩ cách mạng nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung, Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh đã được hình thành, đi qua 11 tỉnh thành trong cả nước, trong đó có tỉnh Đắk Lắk.



Bến phà Sêrêpôk năm 1974



Đoàn xe của tiểu đoàn 58, Sư đoàn 470 vận chuyển đạn dược vào chiến trường B3

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đắk Lắk được coi là một trong những mắt xích quan trọng trong hệ thống tuyến chi viện chiến lược huyết mạch, nối liền chiến trường Tây Nguyên với chiến trường Đông Nam Bộ, tạo thế vững chắc cho cách mạng và là một chiến trường chiến đấu hết sức quyết liệt giữa ta và địch, là căn cứ địa chiến lược trực tiếp của chiến trường B2, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ và chính quyền tay sai Ngụy quyền Sài Gòn.

Bộ Tư lệnh Trường Sơn xác định mở thông đường dã chiến phía Đông Trường Sơn đến sông Sêrêpôk, tạo điều kiện để “đại quân” và các đơn vị tăng thiết giáp, pháo binh, tên lửa cơ động vào chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ nhanh nhất khi thời cơ đến, đồng thời đảm bảo tốt cho công tác vận chuyển mùa khô năm 1973-1974 của Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

 

Thực hiện quyết tâm của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Đảng ủy – Bộ tư lệnh Sư đoàn 470 xác định công tác xây dựng cầu, đường đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển chi viện, cần phải làm nhiều đường song song bám sát biên giới và có nhiều phương tiện vượt sông mà trong giai đoạn này, đặc biệt chú trọng phát triển tuyến đường Đông Trường Sơn đoạn đi qua khu vực huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk. Bộ Tư lệnh - Sư đoàn 470 đã điều Trung đoàn 4 và Trung đoàn 574 phụ trách bảo đảm giao thông trên sông Sêrêpôk.

  

Bộ Tư lệnh Sư đoàn 470 đã chỉ đạo lực lượng công binh và lực lượng cán bộ kỹ thuật đảm bảo giao thông trên hai con đường này phải có ít nhất ba loại phương tiện để vượt sông gồm phà, cầu nổi và ngầm.  

Sông Sêrêpôk là một con sông lớn nhất trong hệ thống sông ngòi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nổi tiếng là “hung dữ” với hàng loạt thác ghềnh, dòng nước chảy xiết và hiểm trở. Nhận nhiệm vụ trong điều kiện phương tiện kỹ thuật làm cầu, phà hạn chế, chỉ có xưởng cơ khí sửa chữa tàu thuyền của Sư đoàn và một số vật chất được tăng cường từ hậu phương, nhưng với tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, sau bốn tháng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ các Trung đoàn Công binh 4 và Trung đoàn 574 cùng cán bộ kỹ thuật của Sư đoàn 470 đã hoàn thành việc đóng phà và làm ngầm vượt sông Sêrêpôk.

   

Nhờ có hệ thống Bến ngầm, Bến phà Sêrêpôk nên chỉ trong sáu tháng đầu mùa khô năm 1973-1974, Sư đoàn 470 đã vận chuyển chi viện cho chiến trường Nam Bộ tăng gấp 193 lần; cho chiến trường Tây Nguyên tăng 236,5 lần. Cũng từ đây, tuyến đường chi viện chiến lược Đông Trường Sơn tiếp tục được mở sâu vào các địa bàn Nam Tây Nguyên.

 

Bến ngầm, Bến phà Sêrêpôk là một trong những địa điểm tiêu biểu của tuyến đường Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bến ngầm, Bến phà Sêrêpôk là nơi tiếp nhận vận chuyển vũ khí, cơ sở vật chất vào tuyến chi viện cho chiến lược Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Đặc biệt là bảo đảm cầu phà, bảo đảm hậu cần kỹ thuật, cơ động lực lượng Binh đoàn chủ lực hành quân thần tốc thực hiện chiến dịch tiến công, hiệp đồng binh chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc - chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bến ngầm, Bến phà Sêrêpôk cũng là một trong những trọng điểm địch đánh phá ác liệt của đường Hồ Chí Minh trong những năm 1974 - 1975.

Bến ngầm, Bến phà Sêrêpôk là nơi ghi dấu sự kiện, tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 4 và Trung đoàn 574 – Bộ Tư lệnh Sư đoàn 470 – Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, dân quân tự vệ địa phương tỉnh Đắk Lắk bảo đảm giao thông trên sông Sêrêpôk trong những năm chống Mỹ cứu nước đã vượt qua mọi khó khăn trước mưa bom, bão đạn của quân thù, đã chiến đấu và chiến thắng sức mạnh bom đạn Mỹ trong cuộc chiến giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo cho đoàn xe được nối tiếp đôi bờ, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đó là sự kết tinh những giá trị tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành được độc lập”.

Năm 1975, để đối phó với ta, địch ra sức đánh phá, chỉ trong 3 tháng đầu năm 1975, địch đã sử dụng 421 lần máy bay trinh sát, 241 lần máy bay bắn phá tuyến đường với tổng cộng 25 loại bom phá, 836 quả bom phát quang, hàng nghìn loạt rốc két và đạn pháo các loại. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 470 đã kịp thời bố trí lực lượng Trung đoàn 546 pháo cao xạ bảo vệ cầu phà trên sông Sêrêpôk. Lực lượng phòng không của Sư đoàn 470 đã chiến đấu, bắn rơi 5 máy bay địch, bảo vệ an toàn cho trọng điểm giao thông hết sức quan trọng này, nhờ vậy đã hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại do địch gây ra, bảo đảm cho các đội hình xe với quy mô lớn lăn bánh suốt ngày đêm, đưa bộ đội, binh khí, kỹ thuật vào các hướng chiến trường tham gia cuộc tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975.


Năm 1975, sau khi thất thủ tại Buôn Ma Thuột, Đại tá Vũ Thế Quang - Tư lệnh Nam Cao Nguyên của địch bỏ trốn và bị ta bắt, áp giải về trại giam, cho đến lúc này Quang vẫn còn đinh ninh bộ đội ta không thể khắc phục được dòng sông Sêrêpôk, đến khi chiếc xe chở y từ từ trèo lên phà, Quang như chết lặng người, y đau đáu nhìn từng cuộn sóng tung bọt trắng xóa, nhìn chiếc phà chở cùng lúc ba, bốn chiếc ô tô băng băng vượt trên dòng sông Sêrêpôk, Vũ Thế Quang lắc đầu và nói như lời sám hối “Chúng tôi thua là đúng”.



Xe tăng vượt bến phà Sêrêpôk 10/3/1975

 

Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn đó, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg, ngày 09/12/2013, trong đó có Bến ngầm, Bến phà Sêrêpôk thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk.



Khảo sát cắm mốc giới Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 65 năm ngày mở Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mãi khắc ghi công lao to lớn của Bộ đội Trường Sơn, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, đồng bào các dân tộc đã từng tham gia, phục vụ và chiến đấu làm nên con đường huyền thoại Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chi Minh.





Thu Hương