BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỀ DỆT TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI ÊĐÊ TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Là dân tộc tại chỗ có dân số đông nhất tỉnh Đắk Lắk, người Êđê được biết đến với một nền văn hóa phong phú và đa dạng. Mỗi đặc trưng văn hóa truyền thống đều gắn liền với quá trình sinh hoạt đời thường của người Êđê, nó nảy sinh và tồn tại ngay trong cuộc sống hàng ngày của họ, trở thành nét văn hóa đặc sắc và thú vị, được thể hiện qua các trang sử thi, không gian văn hóa cồng chiêng hay cả trong các nghề thủ công truyền thống của người Êđê như: Dệt vải, đan lát, làm gốm...


Sự độc đáo của nghề dệt truyền thống


Trong xã hội Êđê truyền thống, nghề thủ công được phân biệt theo giới tính, nếu như công việc của đàn ông là đan gùi và làm rèn thì dệt vải và làm gốm là công việc của người phụ nữ. Trong đó dệt vải là công việc rất được xem trọng và lấy làm tiêu chí để đánh giá người phụ nữ. Trước đây, đã thành truyền thống, bất cứ cô gái Êđê nào khi lớn lên đều được mẹ bày cho cách dệt thổ cẩm, để dệt cho mình những bộ váy và cho cả gia đình của mình sau này. Vì thế, nghề dệt thổ cẩm truyền thống được giữ gìn, lưu truyền qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình và góp phần tạo nên nét văn hóa truyền thống của người Êđê.


Để tạo ra được một sản phẩm (Áo, váy, khố, mền đắp...) phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau và mất khá nhiều thời gian, công sức. Quá trình tạo ra sản phẩm dệt được tiến hành theo từng bước, để bắt tay vào công việc người phụ nữ phải chuẩn bị đủ sợi bông đã nhuộm màu và phơi khô, màu nền và các màu để tạo ra hoa văn và 2 bộ công cụ chính là khung giăng sợi và khung dệt. Với nghề dệt vải truyền thống, người phụ nữ Êđê thường sử dụng nguyên liệu chỉ dệt bằng sợi bông, sợi lanh trên rừng. Họ lấy vỏ hoặc lá của những loại cây rừng khác nhau, mang về đâm nhuyễn, sau đó cho sợi bông đã quay vào khuấy đều để sợi lên màu, mang phơi khô rồi dệt. Về nền vải, người Ê Đê thường chọn màu đen, tượng trưng cho đất; màu đỏ tượng trưng cho sự dũng cảm, sức mạnh siêu nhiên, khát vọng tình yêu; màu xanh tượng trưng cho màu của trời, sông, núi; màu vàng tượng trưng cho sự hài hòa, mơ ước, khát vọng trong cuộc sống của người Êđê. Hoa văn trang trí đường viền ở chân váy, cổ áo, tay áo có dạng hình thoi, tam giác được kết lồng vào nhau bằng nhiều hình ảnh chiêng, ché, hoa, chim, thú… thể hiện mối quan hệ cộng đồng giữa con người với con người và con người với thiên nhiên.


Điều đặc biệt ở nghề dệt truyền thống của người Êđê chính là khung dệt, đó chỉ là những bộ phận chuyên dùng đơn giản, tách rời nhau, được sử dụng trong quá trình tạo ra sản phẩm. Đầu tiên, họ phải giăng sợi dọc tạo thành thảm dài theo đường khép kín, khi giăng sợi xong, toàn bộ số sợi trên thảm dọc được xếp theo thứ tự hàng và nằm sát vào nhau, ở đầu trên cao của thảm sợi là cây păđ buộc chặt vào sàn nhà hoặc song cửa sổ. Còn cây msa ở đầu dưới thấp tạo thành mặt phẳng nghiêng có độ chênh 45º, được buộc dây (klei), vòng ra sau lưng của người thợ dệt, dựa vào một tấm gỗ có bề mặt cong (kđŭk). Trong khi dệt, người dệt ngồi ngay trên nền nhà hay ghế thấp hai chân duỗi thẳng về trước, đạp vào một thanh gỗ cố định nằm ngang, việc làm này giúp người dệt tự điều chỉnh độ căng của thảm sợi.


Hoa văn trên nền vải của các sản phẩm dệt được bố cục chặt chẽ theo chiều dọc tấm vải, với những mô típ hoa văn truyền thống về động vật, thực vật (kđêˇč mnga wăt – dải cánh hoa, boh rui – quả rui, čim ruôi – chim dang cánh,...), về sinh hoạt nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng (kwak čing – dây treo chiêng, knuak – móc xích treo nhạc cụ, gơng kút – cột nhà mồ,... ), về sinh hoạt kinh tế (mnga ktơr - hình hoa ngô, boh dêh – co chỉ, kưi hna – bẫy nỏ... Hoa văn không chỉ có tác dụng trang trí, mà còn giúp chúng ta nhận biết được vị thế của người mặc trang phục đó trong xã hội người Êđê như trang phục của tù trưởng, thầy cúng.... Người phụ nữ Êđê dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ cho nhu cầu may mặc trong gia đình mà còn làm tặng phẩm cho người thân; những sản phẩm đẹp, độc đáo có thể trao đổi với giá trị bằng một con heo, thậm chí là trâu, bò. Ngày nay, nghề dệt vải đang dần bị mai một, số lượng các nghệ nhân, phụ nữ người Êđê biết dệt ngày càng ít dần bởi sự tác động của sự giao thoa văn hóa, hòa nhập với xu thế hiện đại nên giới trẻ Êđê không còn mặn mà với văn hóa truyền thống của dân tộc mình.


Thực trạng việc bảo tồn và phát huy nghề dệt tại Bảo tàng Đắk Lắk


Trong thời gian qua, Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nghề dệt truyền thống bằng nhiều chương trình, dự án khác nhau và bước đầu có những tín hiệu đáng mừng, đó là việc hình thành nhiều hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống tại các buôn trong thành phố như: Buôn Kmrơng Prong A (xã Ea Tu); buôn Alê A (phường Ea Tam), Đăm Ye (phường Tân An), Akô Dhông (phường Tân Lợi), Tơng Bông (xã Ea Kao) và buôn Ea Bông (xã Cư Êbur)… Các hợp tác xã này đã dần bắt kịp xu thế của nền kinh tế thị trường bằng cách tạo ra các sản phẩm từ vải thổ cẩm như: túi, balô, áo, khăn, móc gắn chìa khóa... đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của xã hội, đặc biệt là khách du lịch.


Là đơn vị có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu đến công chúng các giá trị di sản hóa của dân tộc, trong những năm qua, Bảo tàng Đắk Lắk đã nỗ lực hết mình trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk, trong đó có nghề dệt truyền thống của người Êđê.


Để góp phần bảo tồn nghề thủ công truyền thống này, Bảo tàng Đắk Lắk đã thực hiện nhiều hoạt động khác nhau nhằm “vực dậy” sức sống cho nghề dệt, như: Triển khai việc sưu tầm các hiện vật, sản phẩm dệt truyền thống của người Êđê; tăng cường sử dụng các sản phẩm dệt thổ cẩm, hoa văn Êđê trong các hoạt động của đơn vị như: trang phục, khăn trải bàn, trang bìa các ấn phẩm; thiết kế giấy mời, panô, áp phích trưng bày...Nổi bật hơn cả, logo biểu trưng của Bảo tàng Đắk Lắk cũng chính là một hoa văn cổ trong nghề dệt truyền thống của người Êđê. Đặc biệt, khi đến với Bảo tàng Đắk Lắk, du khách được tham quan không gian giới thiệu về các nghề thủ công truyền thống của người Êđê, trong đó có nghề dệt truyền thống. Qua lời dẫn của các thuyết minh viên, du khách sẽ hiểu rõ hơn về sự đặc sắc của nghề thủ công truyền thống này. Bên cạnh đó, để giúp du khách cảm nhận và trải nghiệm về những điều thú vị của nghề dệt, Bảo tàng Đắk Lắk còn tổ chức các hoạt động trình diễn nghề với sự tham gia của các nghệ nhân dệt vải đến từ buôn Akŏ Dhông, buôn Ju... Thông qua các hoạt động này, du khách có thể trải nghiệm quá trình tạo ra sản phẩm dệt cũng như cảm nhận nét độc đáo của nghề dệt. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bảo tàng Đắk Lắk không thể tổ chức được các hoạt động trải nghiệm nghề dệt, nên việc thu hút du khách đến với nghề dệt truyền thống có phần bị suy giảm.


Trong năm 2021, nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị văn hóa đặc sắc của nghề dệt truyền thống, đặc biệt là việc ứng dụng các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Êđê trong xã hội hiện đại, Bảo tàng Đắk Lắk đang tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê trong xu thế phát triển tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk”. Đề tài được thực hiện bởi các viên chức của đơn vị, trong đó có sự tham gia của bà H’Djuh Êban - nghệ nhân trẻ của buôn Ju, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột. Với đề tài này, Bảo tàng Đắk Lắk mong muốn bảo tồn được nét văn hóa truyền thống vốn có của nghề dệt, đồng thời tìm ra hướng đi, đầu ra của các sản phẩm dệt thổ cẩm cho các nghệ nhân, hợp tác xã, làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, trong đó hướng đến việc liên kết, gắn chặt với sự phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách tham quan.


Giải pháp bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống


Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa tốt đẹp của nghề dệt truyền thống của người Êđê, thiết nghĩ cần tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp sau:


Một là, xây dựng kế hoạch cụ thể cho vấn đề bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống của người Êđê, đặc biệt là việc sử dụng kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tiễn.


Hai là, đẩy mạnh việc nghiên cứu, sưu tầm các hiện vật liên quan đến nghề dệt truyền thống như: khung dệt cổ, các hoa văn cổ, các sản phẩm từ nghề dệt cổ... tạo nguồn tư liệu phong phú, đa dạng cho việc trưng bày, giới thiệu về nghề dệt.


Ba là, liên kết, hợp tác với các hợp tác xã, làng nghề truyền thống của địa phương trong việc tổ chức các đợt trình diễn nghề dệt tại khu vực trải nghiệm của Bảo tàng Đắk Lắk nhân các dịp lễ, Tết trong năm. Trong đó, chú trọng việc thực hành trải nghiệm cho du khách và giúp du khách tạo ra được các sản phẩm dệt của chính họ, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách khi đến với Bảo tàng Đắk Lắk.


Bốn là, nghiên cứu và thực hiện trưng bày chuyên đề và trưng bày lưu động về nghề dệt và các sản phẩm từ nghề dệt để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.


Năm là, xuất bản các ấn phẩm, xây dựng các đoạn phim quảng bá, giới thiệu về nghề dệt và đẩy mạnh công tác truyền thông trên Trang thông tin điện tử của Bảo tàng Đắk Lắk nhằm tăng tính tương tác với công chúng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về nghề dệt truyền thống.


Sáu là, tăng cường việc ứng dụng các sản phẩm từ thổ cẩm trong hoạt động của đơn vị như: thiết kế trang phục cho đội ngũ thuyết minh dựa trên trang phục truyền thống của người Êđê; thiết kế các sản phẩm hàng lưu niệm, đồ dùng tiện ích từ vải thổ cẩm phục vụ nhu cầu khách tham quan; trải nghiệm sử dụng trang phục Êđê đối với khách tham quan trong các dịp lễ, Tết...


Để phát huy hơn nữa nghề dệt truyền thống của người Êđê, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng xã hội, đặc biệt là người dân tộc Êđê – chủ thể văn hóa của nghề dệt cần hoạch định hướng đi mới phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, đồng thời bảo tồn được nghề dệt truyền thống, mà trước hết là việc giáo dục niềm tự hào, sự yêu thích văn hóa truyền thống của chính thế hệ trẻ người dân tộc Êđê, từ đó khơi dậy ý thức bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần bảo vệ và phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.


Một số hình ảnh:




Nghệ nhân Êđê dệt vải



Trưng bày giới thiệu về nghề dệt vải tại Bảo tàng Đắk Lắk




Trải nghiệm nghề dệt tại Bảo tàng Đắk Lắk


Kim Nhị