BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC TRẢI NGHIỆM

Cùng với xu thế đổi mới của các bảo tàng trong nước và quốc tế, năm 2024 Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục phát triển chức năng giáo dục với nhiều hoạt động thiết thực, hấp dẫn gắn với di sản văn hóa và đạt được những kết quả nổi bật.

Trong quá trình thực hiện, Bảo tàng Đắk Lắk luôn bám sát Kế hoạch phối hợp số 1778/KHPH-SVHTTDL-SGDĐT, ngày 26/9/2018 giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc “Tuyên truyền, giáo dục các giá trị di sản văn hóa cho học sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”; Kế hoạch số 06/KH-UBND, ngày 10/01/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, từ đó nghiên cứu, đề xuất những giải pháp mới, kế thừa và hoàn thiện các mô hình đã được xây dựng từ năm 2023 trong khuôn khổ đề tài cấp cơ sở “Giáo dục di sản văn hóa cho học sinh hướng tới sự phát triển bền vững tại Bảo tàng Đắk Lắk”, ban hành các kế hoạch và thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục di sản văn hóa cho học sinh định kỳ từng tháng, quý trong năm.


Năm 2024 Bảo tàng Đắk Lắk đã triển khai thực hiện 05 kế hoạch với 10 chương trình giáo dục trải nghiệm, thu hút sự tham gia của 3.043 học sinh đến từ các cấp học. Nhiều chương trình nhận sự đánh giá cao của học sinh, phụ huynh và nhà trường như: tìm hiểu di sản văn hóa thông qua các cuộc thi theo phiên bản “Rung Chuông Vàng”, với các chủ đề “Âm nhạc cồng chiêng”, “Em yêu lịch sử”,…. hay các chương trình giáo dục trải nghiệm “Em làm chiến sĩ”, gồm các hoạt động bổ ích, thiết thực “học đi đôi với hành”, giúp học sinh chiếm lĩnh kiến thức, khám phá nội dung, chủ đề của trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk một cách gần gũi, sinh động, dễ tiếp cận. Việc tham gia, phối hợp của các chiến sĩ của Lữ đoàn Đặc công Bộ 198, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, các nghệ nhân ở địa phương đã tạo nên sự kết nối, sức lan tỏa của các chương trình giáo dục trải nghiệm tại Bảo tàng Đắk Lắk.



Chương trình giáo dục di sản “Em yêu lịch sử”



Chương trình giáo dục di sản “Một ngày làm chiến sĩ”



Chương trình giáo dục di sản “Những năm tháng lịch sử hào hùng”


Đối với các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc tổ chức các buổi học tập ngoại khóa, tham quan bảo tàng cũng như các điểm di tích văn hóa, lịch sử là vấn đề khó thực hiện. Nắm bắt được điều này, Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục thực hiện chương trình “Nâng bước yêu thương” - giáo dục di sản kết hợp với hoạt động công tác xã hội, hướng đến đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2024 Bảo tàng Đắk Lắk đã thực hiện 02 chương trình, với chủ đề “Tự hào nghề gốm quê em” tại huyện Lắk, thu hút sự tham gia của gần 600 học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở.

Việc đưa di sản văn hóa đến với trường học thông qua các chương trình giáo dục trải nghiệm chất lượng cao với sự tham gia của các chủ thể văn hóa, đã góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của địa phương, chung tay thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án bảo tồn của tỉnh và Trung ương như: Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2023; Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” (Chương trình MTQG 1719).


Sự kết nối giữa Bảo tàng Đắk Lắk, chủ thể văn hóa với học sinh đã tạo nên không gian giao lưu văn hóa sinh động, thiết thực, giúp học sinh chiếm lĩnh kiến thức một cách tự nhiên, thực tế, sinh động; tìm hiểu và nhìn nhận được các giá trị văn hóa của dân tộc một cách sâu sắc, rõ nét nhất.



Chương trình giáo dục di sản “Tự hào nghề gốm quê em”


Bên cạnh các chương trình giáo dục di sản có sự đầu tư về nội dung và hình thức được thực hiện theo kế hoạch hàng tháng, quý tại Bảo tàng Đắk Lắk và trường học, việc thực hiện công tác giáo dục thường xuyên đối với học sinh đến từ các trường học trong và ngoài tỉnh đến tham quan bảo tàng thông qua các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm ngoài lớp học, cũng được đội ngũ viên chức làm công tác giáo dục chú trọng đổi mới.  

Nắm bắt nhu cầu của nhà trường, với nội dung của khung chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là hai môn học “Giáo dục địa phương” và “Trải nghiệm hướng nghiệp”, các buổi tham quan trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk lồng ghép nhiều hoạt động “đố vui để học” mang tính tương tác cao, sinh động, hấp dẫn tạo sự hứng khởi cho học sinh tham gia. Việc xây dựng nội dung được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu các chủ đề phù hợp với từng đối tượng học sinh, với trình độ nhận thức, tâm lý lứa tuổi, sở thích cũng như thời gian tham quan của nhà trường, giúp nhà trường lựa chọn phương án tối ưu nhất, tránh sự nhàm chán, thuyết minh một chiều. Kết quả, năm 2024, Bảo tàng Đắk Lắk đã đón tiếp gần 26.000 lượt khách là học sinh thuộc các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông tham quan và trải nghiệm.


Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục di sản văn hóa, Bảo tàng Đắk Lắk còn chú trọng tăng cường ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trong đó có các tính năng nổi bật của các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để thiết kế các video clip theo chủ đề song ngữ Việt – Anh, gắn với hiện vật và trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk, mang đến những sản phẩm giáo dục trực quan và sinh động, góp phần đa dạng hóa các hình thức và nâng cao chất lượng của hoạt động giáo dục để phục vụ công chúng một cách tốt nhất.



Học sinh tham quan, tìm hiểu di sản tại Bảo tàng Đắk Lắk


Với những cách làm hay và sáng tạo, các chương trình giáo dục trải nghiệm của Bảo tàng Đắk Lắk mang tính tương tác cao, sinh động, hấp dẫn đã đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, trải nghiệm, thực tế của học sinh, tạo điểm nhấn, thu hút sự tham gia của các đơn vị trường học trong và ngoài tỉnh, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.



GDTT