BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT “MÚA SẠP” CỦA NGƯỜI THÁI

Cách đây gần 30 năm, người Thái di cư từ tỉnh Nghệ An vào lập nghiệp tại Buôn Thái, xã Ea Kuêh, (huyện Cư M’gar) chiếm 95% dân số. Trong những năm qua, nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc (trong đó có múa sạp) vẫn được người dân nơi đây giữ gìn và phát huy, một phần để vơi đi nỗi nhớ quê hương, một phần để nét văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một.

Khi đến buôn Thái vào những ngày lễ hội, chúng ta sẽ được thưởng thức điệu múa sạp đặc sắc của dân tộc Thái. Múa sạp được thực hiện trên bãi đất trống, ngoài trang phục thì đạo cụ chỉ là hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái, cách nhau một khoảng rộng đủ để gác 02 đầu các cây sạp con, từng cặp sạp con được đặt song song tạo thành dàn sạp. Người múa được chia ra một tốp đập sạp và một tốp múa, lần lượt từng cặp nhảy vào dàn sạp, khi nhảy mỗi người cầm một chiếc khăn dài với nhiều màu sắc, khi thì tung lên, khi uốn lượn quanh người, tạo sự sinh động, hấp dẫn cuốn hút người xem.



Múa sạp trong ngày diễn ra lễ hội của buôn


Một trong những người có đóng góp không nhỏ trong việc khôi phục giữ gìn và phát huy múa sạp ở buôn Thái là bà Khá Thị An, (72 tuổi). Bà An sinh ra và lớn lên ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An nên từ thuở nhỏ bà đã sớm được tiếp xúc với điệu múa sạp. Cuộc sống khó khăn nơi vùng đất mới đã không làm bà quên đi điệu múa của dân tộc mình. Từ tình yêu, niềm đam mê ấy bà đã “truyền lửa” đến các chị em, vì thế chỉ sau một thời gian ngắn khi buôn được thành lập thì đội Múa sạp cũng được ra mắt. Mọi người tự bỏ tiền ra mua trang phục và đạo cụ. Bà An – chia sẻ: “Múa sạp là bản sắc văn hóa độc đáo của người Thái được truyền từ đời này qua đời khác. Ở quê nhàn rỗi, nên việc tập luyện được duy trì thường xuyên, vào đây làm kinh tế, công việc nhiều, đời sống của người dân còn khó khăn, thời gian hoạt động cũng hơi eo hẹp. Do vậy, có những anh không đồng ý cho vợ đi tập, chúng tôi phải đến từng nhà động viên, khi đã thấu hiểu, thông suốt thì các ông chồng mới để vợ đi. Mỗi tháng duy trì tập 02 lần, chị em nào thông thạo thì hướng dẫn cho chị em chưa thạo, chị em rất chịu khó tập luyện… Đến nay, khi đã biểu diễn thuần thục rồi thì lúc nào gần đến lễ, hội chúng tôi mới triệu tập để tập luyện. Dù có đi đâu, chân trời góc biển nào chúng tôi vẫn sẽ cố lưu giữ lại bản sắc văn hóa của dân tộc mình…”.


Khi đã vực lại và duy trì được điệu múa sạp, bà An và các thành viên trong đội đã đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng, truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đến nay, đội đã đào tạo được một đội kế cận, các thành viên đều có thể biểu diễn múa sạp…


Chị Lương Thanh Thủy là một trong 16 thành viên của đội múa sạp kế cận của buôn. Năm nay 28 tuổi nhưng chị đã có 08 năm tham gia múa sạp. Khi nói về múa sạp chị rất đam mê và luôn xác định cho mình trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị này. Chị Thủy chia sẻ “Ngày nay, xã hội đã phát triển nhưng tôi vẫn thích múa sạp của dân tộc mình, vì thế khi được chọn để bồi dưỡng, truyền dạy tôi tham gia ngay. Thứ nhất là để văn hóa của dân tộc không bị mai một, thứ hai khi mình biết và biểu diễn thì mọi người biết sẽ đến nhiều hơn...”.


Với sự độc đáo của loại hình văn hóa này, những năm qua đội múa sạp của người Thái ở xã Ea Kuêh thường xuyên được mời biểu diễn tại các sự kiện lớn, nhỏ do huyện và xã tổ chức, để lại ấn tượng tốt đẹp cho người xem. Không những vậy, đội cũng nhiều lần đại diện cho địa phương tham dự các hội thi, hội diễn do huyện, tỉnh tổ chức và đã đạt được nhiều giải thưởng cao.



Đội múa sạp biểu diễn trong Chương trình ngày chủ nhật đỏ của huyện Cư M'gar


Múa sạp là điệu múa dân gian có từ rất lâu đời của dân tộc Thái. Việc giữ gìn và phát huy được giá trị văn hóa đặc sắc này đã góp phần tạo nên bức tranh sinh động của các dân tộc trên địa bàn huyện Cư M’gar nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Hoài My