BẢO TÀNG VỚI CÁC NHÀ SƯU TẦM

Một khuôn viên chỉnh trang, cùng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chuyên nghiệp, có tâm, có tầm và những bộ sưu tập hiện vật phong phú đa dạng - Bảo tàng là điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách mà cả những nhà sưu tầm, nghiên cứu cổ vật.

Với hầu hết các nhà sưu tầm, bảo tàng như lớp học vỡ lòng về niềm say mê nghiên cứu và sưu tầm hiện vật. Đầu tiên là vẻ đẹp, vẻ cổ kính của hiện vật tạo niềm vui, sự thích thú cho du khách, sau đó là những giá trị lịch sử, văn hoá đã cuốn hút các nhà sưu tầm. Đa số các nhà sưu tầm đều bỏ rất nhiều thời gian để thăm thú, học hỏi ở các bảo tàng. Họ học được ở đây cách bài trí sắp xếp, học được tình yêu, ý thức trân trọng hiện vật, cổ vật của mỗi nhân viên bảo tàng. Bảo tàng còn lưu giữ một khối lượng khổng lồ tư liệu, tài liệu và sách vở chuyên khảo, chuyên ngành. Rất nhiều học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm coi đây là nơi bổ sung, làm giàu kiến thức cho mình.


“Cái này là hàng hiếm đấy, chỉ thấy một cái như vậy ở bảo tàng X thôi”, câu nói này nghiễm nhiên trở thành sự so sánh, đối chứng các hiện vật của bảo tàng với hiện vật của các nhà sưu tầm. Các hiện vật trong bảo tàng thường được chăm sóc rất cẩn thận, chuyên nghiệp, có nguồn gốc rõ ràng, được đội ngũ chuyên gia giám định, xác định niên đại tương đối chính xác nên các nhà sưu tầm phần nào yên tâm khi sử dụng làm vật chuẩn để so sánh với hiện vật tương tự. Trong bộ sưu tập của mình, các nhà sưu tầm thường tìm hiểu để nhận biết chân giá trị của nó, ngoài việc so sánh với bạn bè, thị trường thì bảo tàng là nơi đối chiếu đáng tin nhất.


Các bảo tàng công lập hiện đang lưu giữ một số lượng hiện vật là các dị vật, cổ vật, bảo vật quốc gia rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, số lượng dị vật, cổ vật thậm chí cả cổ vật quốc gia nằm trong dân, trong các nhà sưu tầm tư nhân cũng phong phú và đa dạng không kém. Có những bộ sưu tập tư nhân, xét về số lượng có thể không nhiều như bảo tàng, song về chất lượng thì không hề thua kém. Một số nhà sưu tầm còn sở hữu những bộ sưu tập chuyên sâu rất khủng mà e rằng những bảo tàng cấp tỉnh khó bề so sánh.      


Hiện nay, ở một số thành phố lớn và các địa phương đã có những Hội,  nhóm, CLB Cổ vật được hình thành và phát triển như Hội Cổ vật Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Cổ vật Thiên Trường…Các Hội, nhóm, CLB Cổ vật đã có các hoạt động kết nối hội viên, các nhà sưu tầm phối hợp với bảo tàng thực hiện trưng bày hiện vật trong những dịp lễ, Tết.. Đây là dịp để công chúng, du khách được tiếp xúc, chiêm ngưỡng và thưởng ngoạn những hiện vật là dị vật, cổ vật quý hiếm, ít xuất hiện. Đồng thời, cũng là cơ hội rất hữu ích cho các nhà sưu tầm và bảo tàng được giao lưu, học hỏi từ lý thuyết đến thực hành, được trực tiếp “mắt thấy, tai nghe, tay cầm, mũi ngửi” với hiện vật.



Các nhà sưu tầm với Bảo tàng Đắk Lắk


Vì nhiều lý do, từ cơ chế đến những mối quan hệ để tìm nguồn hiện vật bổ sung mà các bảo tàng công lập thường “chậm chân” hơn các nhà sưu tầm tư nhân. Việc liên kết, phối hợp trưng bày hiện vật giữa bảo tàng với các nhà sưu tầm là một hướng đi mà một số bảo tàng đã thực hiện rất thành công, được công chúng nhiệt liệt ủng hộ. Thông qua việc phối hợp trưng bày, các nhà sưu tầm đã chia sẻ niềm đam mê cổ vật đến với mọi người, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá, lịch sử. Chính việc liên kết trưng bày đã giúp mọi người mở mang tầm nhìn, có cách đánh giá đúng đắn, thực chất hơn về các bộ sưu tầm, nhờ đó quan hệ giữa bảo tàng với các nhà sưu tầm gắn kết hơn và có thể đây chính là nguồn bổ sung hiện vật cho bảo tàng.


Từ xa xưa, ông cha ta đã coi sưu tầm cổ vật là một thú chơi tao nhã, đòi hỏi rất nhiều yếu tố và tương đối kén người chơi. Giá trị của một hiện vật đôi khi không nằm ở hiện vật, nó thuộc về người chơi, về trình độ hiểu biết và khả năng đánh giá được giá trị hiện vật của người chơi. Một hiện vật là cổ vật được trao truyền qua nhiều đời, mang trong mình những câu chuyện về lịch sử, văn hoá của một gia đình, một dòng họ, một vùng miền hay một triều đại của một quốc gia được coi là vô giá. Người chơi cổ vật đều tin rằng mỗi hiện vật về với mình đều do “ duyên” và “ không phải cứ có tiền là mua được”. 


Mỗi nhà sưu tầm đều chọn cho mình một hướng đi riêng, chọn một dòng đồ để chơi, để thể hiện bản thân, để truyền đi một thông điệp nào đó. Với họ, các món đồ có nguồn gốc Việt luôn có một vị trí đặc biệt trong bộ sưu tập của mình. Trong cuộc chơi ma mị và tốn kém này, các nhà sưu tầm luôn tâm nguyện được góp sức mình vào công cuộc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hoá của dân tộc, họ thể hiện bằng cách gửi gắm những đứa con tinh thần cho bảo tàng. Mỗi hiện vật đều mang tâm tư của nhà sưu tầm, đối với họ hiện vật không phải là vật vô tri vô giác, nó có ngôn ngữ, có thông điệp về lịch sử, văn hoá và các câu chuyện vùng miền. Các nhà sưu tầm tin rằng với tình yêu và nghiệp vụ của mình, bảo tàng sẽ khai thác được những ngôn ngữ, thông điệp đó để truyền tải rộng rãi đến công chúng nói chung và du khách tham quan bảo tàng nói riêng.


Hãy hình dung, bảo tàng như một tấm gương để công chúng nhất là cư dân bản địa tự soi mình vào đó và nhận ra hình ảnh của tổ tiên mình, nhận ra chính mình, để tự hào về vùng đất đã sinh ra và nuôi dưỡng mình, để trân quý nền văn hoá đậm đà bản sắc mà tổ tiên đã tạo dựng và trao truyền qua bao thế hệ. Chúng tôi, những nhà sưu tầm rất vui khi đã và đang chung tay cùng với bảo tàng gìn giữ, xây dựng để “tấm gương” đó càng ngày càng sống động và hấp dẫn hơn nhằm lôi cuốn đông đảo công chúng đến soi mình và cảm nhận.



Mẫn Phong Sơn