BẢO TÀNG ĐẮK LẮK - MỘT NĂM NHÌN LẠI
Trong năm 2024, được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự đoàn kết, thống nhất cao của Đảng bộ bộ phận, Ban Giám đốc, các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực của cán bộ viên chức, người lao động, Bảo tàng Đắk Lắk đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Công tác Sưu tầm và Trưng bày
Nhằm bổ sung nguồn tài liệu hiện vật cho bảo tàng, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa truyền thống, đơn vị đã đẩy mạnh công tác sưu tầm hiện vật và tổ chức khai quật khảo cổ học: Sưu tầm 264 hình ảnh, hiện vật, tiếp nhận 15 hiện vật của các cá nhân hiến tặng; khảo sát, điền dã tại các nhà sưu tập tư nhân để lập danh mục hiện vật dự kiến sưu tầm cho Nhà dài; khai quật, chỉnh lý hiện vật sau khi khai quật Di chỉ Thác Hai (đợt 3/2024); thực hiện khảo sát khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di chỉ khảo cổ học lần thứ 3, năm 2024
tại Thác Hai, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk
Đặc biệt Bảo tàng Đắk Lắk đã tham mưu lập hồ sơ đề nghị và được Thủ tướng công nhận Bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai”; tổ chức và phối hợp tổ chức 06 trưng bày chuyên đề tại chỗ, gồm: "Tranh dân gian Việt Nam" (với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), "Dấu ấn thời gian", "Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Biên phòng Đắk Lắk - Dấu ấn 65 năm trưởng thành và phát triển" (với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk), "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" (với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), "Thác Hai - Di sản bên dòng sông Ea H’Leo và Di sản phi vật thể Mo Mường", và trưng bày nhân dịp kỷ niệm các sự kiện quan trọng của tỉnh và quốc gia như: “Một số thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk qua 120 năm hình thành và phát triển triển (22/11/1904 - 22/11/2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)”. Đồng thời, đơn vị tổ chức 08 trưng bày lưu động trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk, với các chủ đề như: “Trang phục truyền thống các dân tộc”, “Ký ức trận đánh Buôn Ma Thuột 10/3/1975”, “Cồng chiêng Tây Nguyên - Kết nối vùng di sản”, “Thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng”, “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, và "Các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh".
Trưng bày lưu động “Trang phục truyền thống các dân tộc” tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thị xã Buôn Hồ
Nội dung các cuộc trưng bày phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu văn hóa của đông đảo nhân dân và giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử địa phương, từ đó nâng ý thức bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Đồng thời, các hoạt động này còn góp phần xây dựng ý chí tự lực, tự cường, khuyến khích thế hệ trẻ vượt qua khó khăn, vươn lên và đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác Giáo dục và Truyền thông
Trong năm đã phục vụ 9.191 đoàn với 113.177 khách tham quan tại Bảo tàng Đắk Lắk và các điểm di tích trực thuộc đơn vị.
Điểm nổi bật trong công tác giáo dục năm 2024 là các chương trình giáo dục di sản văn hóa phong phú, gần gũi, thu hút gần 3.000 học sinh tham gia. Các chương trình như “Giờ học lịch sử”, “Giờ học di sản văn hóa” tại Bảo tàng, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột và các trường học, cùng 03 cuộc thi (Rung chuông vàng) với các chủ đề: “Âm nhạc cồng chiêng”, “Em yêu lịch sử”, “Những tháng năm lịch sử” đã đạt được những kết quả nhất định, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các em học sinh và giáo viên. Ngoài ra, còn có các buổi giảng dạy di sản trực tuyến phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia với các chủ đề văn hóa và lịch sử, cùng 03 video clip song ngữ (Việt - Anh) giới thiệu về các loài động vật, kiến trúc người Êđê, và âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, thu hút hàng nghìn lượt xem trên mạng xã hội.
Video clip song ngữ (Việt - Anh) chủ đề “Nhà dài - Kiến trúc độc đáo của người Êđê tại tỉnh Đắk Lắk”
đăng tải trên trang Facebook của đơn vị
Đơn vị đã tổ chức nhiều chương trình trải nghiệm ý nghĩa, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khách tham quan nhân các dịp Lễ, Tết như: Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế Lao động (01/5), Ngày Quốc tế Thiếu nhi (01/6), Ngày Môi trường thế giới (05/6), Ngày Quốc khánh (02/9) và Tết Trung thu. Tổng cộng, đã tổ chức 06 chương trình thu hút gần 5.000 học sinh và du khách tham gia, với các chủ đề như: “Xuân Giáp Thìn 2024”, “Hát Then - điệu hát thần tiên”, “Hãy tái chế cùng tớ”, “Thanh âm đại ngàn”, “Tự hào nghề gốm quê em” và “Vui Tết Trung thu 2024”.
Công tác truyền thông về các hoạt động, sự kiện tại Bảo tàng Đắk Lắk đã được triển khai hiệu quả, với nội dung phong phú và hình thức truyền thông đa dạng trên các nền tảng như: Website, Spotify, Youtube, Instagram, Facebook và Fanpage, thu hút đông đảo công chúng. Kết quả đạt được 140 bài viết, hơn 2.000.000 lượt truy cập trên trang thông tin điện tử và các kênh truyền thông khác của đơn vị; 06 video với các chủ đề văn hóa đặc sắc “Vẻ đẹp trang sức của các dân tộc tại chỗ tỉnh Đắk Lắk”; “In tranh dân gian bằng mộc bản”; “Nghề làm gốm truyền thống của người M’nông R’lăm ở huyện Lắk”, “Lễ cúng cầu mưa của người Êđê”, “Bảo tồn và phát huy Nghề dệt truyền thống của người Êđê” và “Câu chuyện về cây Knia”; 01 file MP3 về “Di tích lịch sử điểm cao 519” và 02 video clip về các di tích lịch sử tại Đắk Lắk.
Công tác Quản lý và Phát huy Di tích
Năm 2024, đơn vị đã xây dựng hồ sơ khoa học và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia đối với Di tích lịch sử Chiến thắng tại Đèo M’Drắk - Phượng Hoàng năm 1975 (xã Cư Mta, huyện M’Drắk); UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Di tích danh lam thắng cảnh Hồ Ea Súp Thượng (huyện Ea Súp) và Drai Măk (Thác 12 tầng), huyện Cư M’gar.
“Di tích lịch sử quốc gia Chiến thắng tại Đèo M’Drắk - Phượng Hoàng năm 1975”, xã Cư Mta, huyện M’Drắk
“Di tích lịch sử quốc gia Chiến thắng tại Đèo M’Drắk - Phượng Hoàng năm 1975”, xã Cư Mta, huyện M’Drắk
Công tác Kiểm kê và Bảo quản
Thực hiện hiệu quả việc bảo quản phòng ngừa đối với hiện vật, chụp và chỉnh sửa hình ảnh 970 hiện vật, duyệt 510 phiếu, scan 820 hồ sơ và 365 hình ảnh hiện vật, nhập dữ liệu 1.175 phiếu vào phần mềm quản lý; tiếp nhận 338 hiện vật sưu tầm trong 03 đợt (454 đơn vị hiện vật), xử lý mối mọt cho 1.174 hiện vật đồ mộc và tiêu bản thú, bảo quản trị liệu 23 hiện vật giấy, 04 hiện vật gốm, 11 hiện vật đá và 10 hiện vật đồ mộc. Các công việc khác gồm: phục dựng 02 trống đồng, tu sửa, phục chế 42 nhạc cụ dân gian, xử lý oxi hóa đối với 16 hiện vật kim loại, làm sạch 60 tấm phủ hiện vật bằng phương pháp giặt ủi, xông cồn cho 50 hiện vật đồ dệt, và bảo quản phòng ngừa 24 tiêu bản thực vật, 12 hiện vật đồ mộc, 24 hiện vật kim loại. Đơn vị cũng thiết kế form bảo quản phù hợp với các loại hiện vật: 60 form (chất liệu nhựa), 55 form (chất liệu mộc, gốm, sứ), 25 form (chất liệu kim loại); 02 form (chất liệu khác).
Vệ sinh hiện vật tại Kho Bảo quản
Bên cạnh đó, Thư viện chuyên ngành Bảo tàng Đắk Lắk phục vụ 228 độc giả, tiếp nhận 247 quyển sách do các cá nhân hiến tặng, thiết lập phần mềm thư viện Vietbiblio; xây dựng các bước tra cứu thư viện - phân hệ thư viện điện tử, phân hệ học liệu và thư viện số, nhằm phục vụ bạn đọc tra cứu mọi lúc mọi nơi bằng thiết bị điện tử thông minh.
Phục vụ độc giả tại Thư viện Bảo tàng Đắk Lắk
Công tác nghiên cứu, xuất bản
Xuất bản ấn phẩm “Sưu tập nhạc cụ dân gian tại Bảo tàng Đắk Lắk”, thực hiện đề tài khoa học cấp cơ sở “Đôi nét về người Chứt tại tỉnh Đắk Lắk” (Nghiên cứu trường hợp tại huyện Ea Súp và huyện Krông Năng); viết bài tham luận phục vụ Hội thảo chuyên đề về giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử Đồn điền Rossi gắn với định hướng phát triển du lịch thị xã Buôn Hồ đến năm 2030.
Hội đồng khoa học họp nghiệm thu đề tài “Đôi nét về người Chứt tại tỉnh Đắk Lắk”
và ấn phẩm “Sưu tập nhạc cụ dân gian tại Bảo tàng Đắk Lắk”
Song song với nhiệm vụ chuyên môn, đơn vị luôn thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; chuyển đổi số; đảm bảo an toàn, an ninh và phòng chống cháy nổ tại Bảo tàng Đắk Lắk và các điểm di tích.
Với những thành tích đạt được trong năm 2024 sẽ là cơ sở, tiền đề, động lực quan trọng để đơn vị tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, góp phần khẳng định vị thể, đưa hình ảnh Bảo tàng Đắk Lắk đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước./.
Trần Hằng