HỘI THẢO “PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH NHÀ TÙ (NHÀ ĐÀY) BUÔN MA THUỘT”

Sáng ngày 12/10, tại Bảo tàng tỉnh, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội thảo “Phát huy giá trị di tích Nhà tù (Nhà đày) Buôn Ma Thuột”. Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và PGS. TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo còn có đại diện Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà quản lý, giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu đầu ngành của Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Viện nghiên cứu văn hóa - lịch sử Việt Nam; các cựu tù chính trị từng bị giam giữ tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.


Nhà tù (Nhà đày) Buôn Ma Thuột được thiết lập từ những năm 1930 - 1931, là nơi giam giữ, đày ải tù chính trị chủ yếu ở các tỉnh Trung Kỳ. Nơi đây đã từng giam giữ nhiều chiến sỹ yêu nước, là môi trường rèn luyện cho biết bao thế hệ cách mạng. Nhiều người về sau đảm nhận những vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội như các đồng chí Võ Chí Công, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu… Cuối năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đắk Lắk ra đời tại Nhà tù (Nhà đày) Buôn Ma Thuột. Từ những hạt nhân cách mạng đó, những cơ sở cách mạng được gây dựng ngày một nhiều, trong đó đặc biệt phải kể đến đồn điền CADA và một số đồn điền khác trong địa bàn tỉnh. Nhà tù (Nhà đày) Buôn Ma Thuột vì thế là một yếu tố hữu cơ, đầu mối của cuộc vận động giải phóng dân tộc, là bước chuẩn bị có tính chất quyết định cho những thắng lợi của cách mạng tại Đắk Lắk sau này. Ngày 10/7/1980, Nhà tù (Nhà đày) Buôn Ma Thuột được Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc cách xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia.


Với ý nghĩa đó, Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề: Thống nhất tên gọi của Di tích “Nhà tù Buôn Ma Thuột” hay “Nhà đày Buôn Ma Thuột”; Lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhân chứng lịch sử, các đồng chí lão thành cách mạng để hoàn thiện lý lịch khoa học Di tích Nhà tù (Nhà đày) Buôn Ma Thuột;  khẳng định vai trò, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của Di tích Nhà tù (Nhà đày) Buôn Ma Thuột, hướng đến xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng hôm nay và mai sau; Sự phối hợp của các ngành, địa phương đối với công tác phát huy giá trị Di tích Nhà tù (Nhà đày) Buôn Ma Thuột trong thời gian tới; các yếu tố kỹ thuật liên quan đến công tác hoàn thiện hồ sơ Di tích Nhà tù (Nhà đày) Buôn Ma Thuột.


Phát biểu kết thúc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Tuấn Hà - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Hội thảo nhằm lắng nghe những ý kiến đóng góp của các lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị hồ sơ khoa học di tích, trình các cấp có thẩm quyền công nhận Di tích Nhà tù (Nhà đày) Buôn Ma Thuột là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đồng thời, tỉnh tập trung gìn giữ, tôn tạo để Nhà tù (Nhà đày) Buôn Ma Thuột trở thành điểm nhấn văn hóa, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, phát triển du lịch địa phương.



Hội thảo xem video giới thiệu về Nhà tù (Nhà đày) Buôn Ma Thuột



Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND chủ trì Hội thảo



PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại Hội thảo



GD&TT