10 PHÁT HIỆN KHẢO CỔ HỌC LỚN NĂM 2020


1. Nga: phát hiện cấu trúc khổng lồ làm từ xương voi ma mút


Các nhà khoa học đã phát hiện một công trình khổng lồ được làm từ hơn 60 bộ xương voi ma mút thuộc thời kỳ kỷ băng hà, có niên đại khoảng 25.000 năm trước ở nước Nga.



Hàng trăm xương voi ma mút được ghép thành hình tròn khổng lồ ở Nga.


Tại khu khảo cổ học của Kostanki 11 ở bờ tây sông Don ở Voronezh, các nhà khoa học đã phát hiện ra một cấu trúc khổng lồ bí ẩn được xây dựng từ hàng trăm chiếc xương của hơn 60 con voi ma mút, với chiều rộng 12,5 mét, có niên đại cách đây 25.000 năm. Phát hiện này đã cung cấp thêm bằng chứng cho quan điểm về sự tuyệt chủng của voi ma mút có liên quan tới hành vi săn bắn của con người (Homo sapiens).


Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ phân tích niên đại carbon để xác định rằng công trình cổ đại này được hình thành cách đây 25.000 năm và là cấu trúc được tạo nên từ xương voi ma mút lâu đời nhất trên thế giới. Tuy nhiên, mục đích của công trình này là gì thì cho tới nay vẫn còn là một ấn số, có lẽ các nhà khảo cổ học cần thêm nhiều thời gian hơn để nghiên cứu và tìm ra câu trả lời cho bí ẩn này.


“Xương voi ma mút rất nặng. Các cấu trúc hình tròn khổng lồ từ hàng trăm mảnh xương như vậy đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và công sức để tạo ra nó”, nhà khảo cổ học Pryor cho biết, “Điều này thật kỳ lạ bởi những người săn bắn hái lượm không bao giờ dành nhiều thời gian ở một địa điểm”.


Đến nay, các nhà nghiên cứu đã xác định được 64 hộp sọ và 51 bộ xương của voi ma mút. Chúng được ghép thành một vòng tròn liên tục và không có lối vào. Bên trong vòng tròn, Pryor và các đồng nghiệp còn tìm thấy tàn tro từ gỗ thông bị đốt cháy. Nhưng nhìn chung, không có dấu hiệu nào cho thấy sự cư trú lâu dài của con người.


Nhóm nghiên cứu tin rằng, cấu trúc không hoạt động như một nơi ấn náu vào mua đông giống như các công trình làm từ xương voi ma mút được biết đến trước đây. “Nó rõ ràng là có ý nghĩa gì đó với họ, có thể là phục vụ cho mục đích nghi lễ, hoặc mục đích thực tế như lưu trữ thực phẩm”, Pryor giải thích.


2. Anh: núi pleasant “megahenge” ở Dorset thời kỳ đồ đá mới được xây dựng trong vòng chưa đầy 125 năm.



Quang cảnh nhìn từ trên cao của Núi Pleasant ngay trong các cuộc khai quật vào đầu những năm 1970 (Đại học Cardiff).


Các nhà nghiên cứu người Anh đã áp dụng các kỹ thuật xác định niên đại tiên tiến cho các mẫu lấy từ cấu trúc Mount Pleasant, nằm gần Dorchester, vào đầu những năm 1970. Mount Pleasant là một trong năm khu vực lớn được biết đến ở miền nam nước Anh kể từ thời điểm này- những khu khác là Marden, Durrinton Walls, Avebury và Knowlton.


Tác giả bài viết, nhà khảo cổ học Susan Greaney của Đại học Cardiff cho biết: “phương pháp xác định niên đại mới này thực sự giúp chúng ta hiểu được thời kỳ quan trọng 2.500 năm trước Công nguyên”.


“Bức tranh nổi lên là sự bùng nổ trong hoạt động xây dựng đằng sau những tượng đài lớn và tốn nhiều công sức đang được xây dựng trên khắp miền nam nước Anh, và có lẽ còn ở xa hơn nữa”.


“Mặc dù việc xây dựng các bộ phận khác nhau diễn ra trong nhiều giai đoạn, với các thế hệ kế tiếp làm việc trong quá trình xây dựng nó, tất cả công việc chỉ tập trung trong vòng hơn một thế kỷ”.


Phân tích cho thấy tất cả các yếu tố tìm thấy ở địa điểm- từ hàng rào bao quanh khổng lồ đến tượng đài bằng gỗ và đá đồng tâm - đều được xây dựng trong khoảng thời gian chưa đầy 125 năm, ít hơn nhiều so với người ta từng nghĩ.


Có vẻ như mega henge chỉ được hoàn thành trong khoảng 150 năm hoặc lâu hơn trước khi có sự xuất hiện của những người mới từ lục địa châu Âu - những người đã mang theo những hiện vật kim loại đầu tiên, các kiểu gốm khác nhau, những ý tưởng mới và niềm tin tôn giáo.


‘Một phần của tượng đài đá trung tâm ở Mount Pleasant dường như đã bị phá vỡ vào thời điểm này – nó đã bị phá hủy trong thời gian bất ổn?’


 “Nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của các bộ sưu tập khảo cổ được lưu trữ trong các viện bảo tàng”, Peter Marshall, Điều phối viên Khoa học Lịch sử của Anh, cho biết.


‘Mặc dù địa điểm được khai quật vào năm 1970/1971, người ta vẫn có thể quay trở lại kho lưu trữ và áp dụng các kỹ thuật khoa học mới đối với tài liệu cũ.


3. Ai Cập: những phát hiện khảo cổ học mới ở nghĩa địa Saqqarah


Các nhà khảo cổ học Ai Cập đã công bố một trong những phát hiện ấn tượng trong nhất trong nhiều thập kỷ sau khi phát hiện 59 quan tài được niêm phong từ thời cổ đại tại Saqqara, ngoại ô thủ đô Cairo. Các xác ướp có niên đại gần 2.500 năm.



Ảnh (Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập)


Saqqara nằm cách thủ đô 32 km về phía nam, là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất của thế giới, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào những năm 1970. Saqqara là một phần của thành phố cổ đại Memphis của Ai Cập, nổi tiếng với Kim tự tháp bậc thang Djoser 5.000 năm tuổi, gần đây đã được trùng tu với 10 triệu đô la.


Các chuyên gia tin rằng các xác ướp là các tư tế và quan chức dã từng thánh hóa Nghĩa trang rộng lớn. Việc phát hiện rất nhiều quan tài được niêm phong- một số vẫn giữ được màu sắc trang trí công phu ban đầu của chúng dù trải qua thời gian dài- là một trong những khám phá khảo cổ học quan trong nhất trong nhiều thập kỷ.


Saqqara từng mang lại một số phát hiện đáng chú ý, gồm quan tài bằng gỗ và đá vôi, nghĩa địa mèo khổng lồ và một bộ sưu tập xác ướp bọ hung hiếm có. Một bức tượng bằng đồng của thần Nefertam và một đài tưởng niệm bằng gỗ được trang trí bằng chữ tượng hình cũng mới được phát hiện.


Tiến sĩ Mostafa Waziri, tổng thư ký của Hội đồng cổ vật tối cao của Ai Cập, nói với Arab News: “Chúng tôi đã nghĩ rằng chỉ có xác ướp động vật, như mèo, cá sấu, rắn và sư tử.” Nhóm các nhà khảo cổ học của ông đã vô cùng sửng sốt khi họ phát hiện ra chiếc Quan tài đầu tiên từ một trục chôn sâu 11 mét. Waziri cho biết: “Tôi tìm thấy một núi lớn các mảnh vỡ và trong thâm tâm, tôi cảm thấy điều gì đó và nói rằng “đây là nơi mà họ nên bắt đầu đào””, Waziri nói, nhớ lại ấn tượng đầu tiên của ông về địa điểm này vào năm 2018.


Chính tại đây vào năm 2018, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra lăng mộ của Wahtye từ Vương triều thứ năm của Vương quốc Cổ, có niên đại gần 4.400 năm. Wahtye là một tư tế cao cấp và là quan chức phục vụ dưới thời Vua Neferirkare Kakai. Lăng mộ của ông được tìm thấy chứa các bức phù điêu màu sắc ngoạn mục của Wahtye, vợ ông Weret Ptah, và mẹ của ông, Merit Meen.


Khaled El-Enany, Bộ trưởng du lịch và cổ vật của Ai Cập, cho biết: 59 quan tài và xác ướp sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập mới. Bảo tàng đã được lên kế hoạch mở cửa trong năm nay, nhưng đã phải lùi lại do hậu quả của Đại dịch. Cũng theo ông, “Bảo tàng sẽ mở cửa vào năm 2021, trị giá 1 tỷ đô la và sẽ là một trong những bảo tàng lớn nhất trên thế giới dành riêng cho một nền văn minh”. “Địa điểm này rất đặc biệt, vì nó nhìn ra Đại kim tự tháp Giza. Nó có kiến ​​trúc tuyệt vời, và toàn bộ bộ sưu tập lạc đà Tutankhamun sẽ lần đầu tiên được trưng bày với hơn 5.000 cổ vật”.


Khám phá Saqqara chỉ là phát hiện mới nhất trong một loạt các phát hiện khảo cổ quan trọng mà Ai Cập đã tìm cách công bố rộng rãi.


4. Mê xi cô: phát hiện cấu trúc khổng lồ 3.000 năm của nền văn minh bí ẩn Maya


Một cấu trúc khổng lồ rộng gần 1,6 km làm từ đá, đất sét và đất được xem là công trình kiến trúc đồ sộ được biết đến sớm nhất và lớn nhất được xây dựng bởi người Maya cổ đại, vượt xa so với các kim tự tháp lớn nhất của nền văn minh biến mất bí ẩn này.



Hình ảnh 3D về di chỉ Maya được phát hiện ở Aguada Fenix, dựa trên kỹ thuật quét laser


Các nhà khoa học đã phát hiện cấu trúc nghi lễ Maya cổ đại lớn nhất được biết đến, một cái móng dài khoảng 1,4 km, rộng 400m và cao từ 10 đến 15m. Việc định niên đại bằng carbon phóng xạ cho thấy cấu trúc này được xây dựng từ năm 1.000 đến năm 800 trước công nguyên. Kết quả này khiến nó trở thành cấu trúc nghi lễ lâu đời nhất của người Maya cổ đại được phát hiện đến thời điểm hiện tại.


Địa điểm này nằm một phần ở Rancho Fénix (Phoenix Ranch) tại Tabasco, Mexico. Bởi các hồ chứa nhân tạo, được gọi là aguadas, là những đặc điểm nổi bật của khu vực, các nhà nghiên cứu đặt tên cho địa điểm này là Aguada Fénix.


Các nhà khoa học phát hiện ra địa điểm này bằng kỹ thuật quét laser trên không lidar để tạo ra bản đồ 3D ở bên dưới bề mặt. Các di tích của nền văn minh Maya cổ xưa thường bị che khuất trong rừng rậm, nhưng địa điểm này phần lớn rừng đã bị phá. 


Nhà khảo cổ học Takeshi Inomata của Đại học Arizona, ở Tucson - tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Điều đáng ngạc nhiên là địa điểm này không được nhận ra trước đó, nhưng nó lớn tới mức nếu đi bộ ở đây bạn không thể nhận ra đó là một cấu trúc do con người tạo ra và không thể nhận ra hình dạng chữ nhật của nó. Hình thức của nó trở nên rõ ràng thông qua lidar".


Các nhà nghiên cứu ước tính, cấu trúc này cần tới 3,2 triệu đến 4,3 triệu mét khối vật liệu để xây dựng nên. Trong khi đó, kim tự tháp La Danta chỉ cần khoảng 2,8 triệu mét khối vật liệu. Tương tự, so với kim tự tháp Giza vĩ đại ở Ai Cập chỉ có 2,3 triệu mét khối vật liệu. 


Cấu trúc này trở nên ấn tượng hơn khi xét tới môi trường xung quanh, trong đó có 9 đường đắp cao tỏa ra từ cấu trúc được xây dựng gần như cùng lúc, với đường đắp cao dài nhất dài 6,3km. 


Theo ông Inomata, cấu trúc này "có khả năng được sử dụng cho các nghi lễ tôn giáo có sự tham gia của nhiều người". 


Các nhà nghiên cứu cũng tìm được các cổ vật như rìu ngọc bích được tìm thấy tại địa điểm này. Họ cho biết, cũng có khả năng cấu trúc mới phát hiện này được phục vụ như một địa điểm họp chợ. 


Sau khoảng năm 800 trước Công nguyên, Aguada Fénix và hầu hết các địa điểm khác gần đó đã bị bỏ hoang. 


5. Mê-xi-cô: phát hiện phế tích một thành phố Maya cổ đại ẩn sâu dưới một trại gia súc


Ít ai có thể tưởng tượng rằng, nằm dưới một trại gia súc ở Mexico lại là cả một thành phố Maya 1.300 tuổi với quy mô lớn và nhiều công trình độc đáo.



Họa đồ di chỉ các cuộc khai quật và cấu trúc của một thành phố Maya 1.300 năm tuổi


Nghiên cứu được công bố của Đại học Brandeis (Mỹ) và Đại học Brown (Rhode Island) trên tạp chí Journal of Field Archaeology về “thành phố Maya 1.300 tuổi bị lãng quên” đã khiến nhiều người vô cùng tò mò và bất ngờ.


Thành phố Maya 1.300 tuổi hiện được cho là thủ đô của của vương quốc cổ đại Sak Tz’I. Thành phố này được dựng khoảng năm 750 sau Công Nguyên và có thời gian tới 1.000 năm phồn thịnh trước khi bị vùi lấp và chìm vào quên lãng.


Một người nông dân đã phát hiện ra một viên đá cổ kỳ lạ trong trại gia súc, sau đó đã chia sẻ lại thông tin này cho một sinh viên ngành khảo cổ ở Đại học Harvard (Mỹ). Sau đó anh chàng này đã báo thông tin này với thầy mình là trợ lý giáo sư- tiến sĩ Charles Golden, nhà sinh học khảo cổ đang công tác đồng thời tại Đại học Brandeis và Đại học Brown. Sau đó, một nhóm nghiên cứu đã nhanh chóng tìm đến địa điểm người nông dân Mexico phát hiện ra viên đá kỳ lạ kia. Đó là sự mở đầu cho phát hiện về thành phố mất tích nằm sâu dưới lòng đất của trại gia súc và cả khu vực lân cận.


Việc đào bới, nghiên cứu và công nghệ quét laser xuyên mặt đất lidar đã cho thấy cả một thành phố Maya 1.300 tuổi với quy mô vĩ đại đang được chôn vùi.


6. Pháp: Neanderthal - những người thợ dệt tài ba


50.000 năm về trước, khi loài người hiện đại Homo sapiens còn kiếm ăn bằng những công cụ cực kỳ thô sơ của Trung kỳ Đồ đá cũ, một loài người khác đã biết đến dệt sợi, đan lưới.


Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Bruce Hardy, nhà nhân chủng học từ Đại học Kenyon ở Ohio (Mỹ) cho biết bằng chứng sốc mới – bó sợi cổ nhất nhân loại – có thể thách thức những định kiến cho rằng loài người tuyệt chủng Neandertan kém thông minh hơn Homo Sapiens.


Đó là một đoạn dây thừng xoắn bằng 3 sợi nhỏ, chỉ dài 6 mm, quấn quanh một dụng cụ bằng đá dài 60 mm. Phân tích bằng kính hiển vi cho thấy nó được làm rất tinh vi: mỗi sợi nhỏ lại được dệt từ nhiều sợi nhỏ khác lấy từ vỏ trong của một loại cây lá kim. Mẫu vật được khai quật từ một địa điểm định cư của người Neandertan ở Abri du Maras, miền Nam nước Pháp.



Cận cảnh bó sợi cổ đại, được bện thành dây thừng với kỹ thuật dệt sợi phức tạp - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp


Với người hiện đại, một đoạn dây có vẻ bình thường, tuy nhiên đối với ngành khảo cổ, đoạn dây đó là bằng chứng cho thấy những con người cổ này đã phát triển kỹ năng dệt sợi. Kỹ thuật dùng trong đoạn dây cho thấy người Neandertan đã có thể làm ra vải, giỏ, chiếu, lưới và các loại bẫy từ sợi, một bước tiến hóa rất lớn của nền văn minh thời kỳ đồ đá.


7. Anh: phát hiện phế tích nhà hát cổ nhất ở Luân Đôn


Các nhà khảo cổ học đã khai quật được thứ mà cho rằng là tàn tích của tòa nhà Sư Tử Đỏ (Red Lion), nhà hát cổ nhất của Luân Đôn. Cấu trúc này được xây dựng vào khoảng năm 1567, nhưng vị trí chính xác của nó đến nay vẫn còn là một bí ẩn.



Gần 500 năm sau, nhà hát Sư Tử Đỏ cuối cùng đã bị lãng quên? Trong khi tiến hành các cuộc khai quật ở Luân Đôn, các nhà khảo cổ học đã phát hiện các phế tích mà họ cho rằng đó là công trình Sư Tử Đỏ nổi tiếng này, một nhà hát lâu đời nhất được xây dựng ở thu đô nước Anh. Theo các nhà sử học, cấu trúc này được xây dựng từ thời Elizabeth, khoảng năm 1567, theo sáng kiến của một thương nhân tên là John Brayne. Với hình thức “sân khấu ngoài trời”, nhà hát này phục vụ các đoàn diễn viên đang quay phim ở thủ đô.


Một câu chuyện ít người biết


Các tài liệu lịch sử từ năm 1567 đến 1569 cho thấy rằng nhà hát sẽ là tâm điểm của những tranh chấp pháp lý giữa chủ nhân của nó và những người thợ mộc tham gia xây dựng nó. Người ta không biết điều gì đã xảy đến với tòa nhà sau thời kỳ này. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, vào năm 1976, John Brayne đã hợp lực với anh người anh rể James Burbage để xây dựng một nhà hát khác ở đó có tên The Theatre.


Nằm ở Shoreditch, phía đông của Luân Đôn, tòa nhà thứ hai này trở thành nhà hát thường xuyên đầu tiên của nước Anh, nơi đây đã trình diễn rất nhiều vở kịch của nhà văn trẻ William Shakespeare trong những năm 1590. Cho đến khi nhà hát này bị tháo dỡ vào năm 1598 sau một cuộc tranh chấp với chủ sở hữu, và nguyên vật liệu của nó được dùng để xây dựng một nhà hát khác mang tên Globe Theatre.


Nền móng của công trình The Theathe được các nhà khảo cổ học khai quật vào năm 2008. Thật không may, điều tương tự đã không xảy ra với tòa Sư Tử Đỏ. Vấn đề là vị trí chính xác của nhà hát này hiện vẫn chưa được biết. Phân tích bản đồ và tài liệu lịch sử cho thấy tòa Sư Tử Đỏ được tìm thấy trong phố Whitechapel,nhưng không có bằng chứng nào xác nhận điều đó.


Trên di chỉ Whitechapel, các nhà khảo cổ học đã đào được một cấu trúc hình chữ nhật đặc biệt vào năm 2019. Cấu trúc này gồm có 144 mảnh gỗ, có kích thước dài 12,3m trên 9,3m chiều rộng. Các kích thước có vẻ trùng khớp với mô tả về sân khấu Sư Tử Đỏ được đề cập trong các tài liệu ở vụ kiện năm 1569: 12,2 m chiều dài tính từ bắc xuống Nam, và 9,1m tính từ Đông sang Tây và cao 1,5m.


Trên cùng địa điểm, các cuộc khai quật đã làm xuất lộ các kiến trúc có niên đại từ thế kỷ thứ 15, 16 và 17. Hai trong số đó có vẻ là các hầm chứa bia. Theo các nhà khảo cổ học, tòa Sư Tử Đỏ trước đó là một trang trại phục vụ bia trước khi trở thành một nhà hát và sau đó là một quán trọ tồn tại cho đến thế kỷ thứ 18.


Các đồ tạo tác được tìm thấy trên di chỉ, nhất là các bình đựng nhỏ, ly, cốc và chai, đã mang lại nhiều thông tin để củng cố giả thuyết cho rằng đó là di chỉ nhà hát Sư Tử Đỏ. Nhưng các nhà khảo cổ học cần phải tiếp tục các cuộc khai quật, phân tích các phát hiện của họ và lập bản đồ chi tiết hơn các cấu trúc được xác định để xác nhận một cách chắc chắn chức năng của di chỉ và danh tính của chúng.


8. Pê-ru: ngôi mộ 9.000 năm của nữ thợ săn trên dãy Andes



Ngôi mộ của người phụ nữ chứa nhiều vũ khí và công cụ đi săn làm lung lay giả thuyết về sự phân công lao động trong xã hội săn bắt - hái lượm.


Cô gái khoảng 17 - 19 tuổi khi chết, được chôn cùng những đồ vật chứng tỏ chủ nhân ngôi mộ chuyên săn động vật lớn bằng cách ném lao, dùng mũi giáo nhọn bằng đá cho con vật lớn ngã xuống, sử dụng dao lưỡi đá để loại bỏ nội tạng cùng một số công cụ để lột da. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Randy Haas, phó giáo sư nhân chủng học ở Đại học California, Davis, ngôi mộ cho thấy sự phân chia lao động theo giới nhiều khả năng công bằng hơn trong đời sống săn bắt - hái lượm.


Các nhà nghiên cứu phát hiện ngôi mộ năm 2018 trong lúc khai quật tại di chỉ Wilamaya Patjxa nằm ở độ cao lớn tại Peru ngày nay. Họ xác định giới tính của bộ xương bằng cách phân tích xương và protein tìm thấy trong răng. Những đồ vật chôn cùng người chết thường là vật tùy thân khi họ còn sống. "Trong lịch sử, chúng ta gần như luôn cho rằng đàn ông săn bắt còn phụ nữ hái lượm. Chính vì vậy, phát hiện khảo cổ về việc phụ nữ chôn cùng công cụ săn bắt dường như không phù hợp với quan niệm phổ biến", Haas chia sẻ.


Để kiểm tra liệu người phụ nữ trong mộ có phải ngoại lệ hay không, nhóm nghiên cứu xét 429 bộ hài cốt ở 107 nghĩa trang tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ từ cuối thế Canh Tân và đầu thế Toàn Tân, cách đây khoảng 8.000 - 14.000 năm. Trong số đó, 27 cá nhân được chôn cùng công cụ săn bắt, 11 người trong số đó là nữ và 15 là nam. Tập mẫu này đủ để rút ra kết luận phụ nữ có tham gia săn động vật lớn, theo kết luận công bố hôm 4/11 trên tạp chí Scientific Reports.


Theo giả thuyết trước đây, đàn ông đi săn và đem thịt về để nuôi phụ nữ và trẻ nhỏ, những người chuyên thu thập quả mọng, cây cỏ và hạt để bổ sung cho bữa ăn. Nhưng nghiên cứu gần đây chỉ ra săn bắt là hoạt động mang tính cộng đồng nhiều hơn, cần sự tham gia của mọi cá nhân để lùa động vật lớn. Vũ khí phổ biến thời cổ đại là giáo mác với độ chính xác thấp nên cần đông đảo cộng đồng hợp sức. Các nhà nghiên cứu cho biết, phân tích thêm nghĩa trang ở các nơi khác sẽ giúp hiểu rõ hơn sự phân chia lao động tiến hóa như thế nào trong xã hội săn bắt - hái lượm.


9. Anh: phương pháp mới mang tính cách mạng trong việc xác định niên đại đồ gốm thời tiền sử



Một nhóm các nhà nghiên cứu Anh đã phát triển một phương pháp mới trong việc xác định niên đại đồ gốm, cho phép các nhà khảo cổ học xác định niên đại các di tích, di vật thời tiền sử trên khắp thế giới với một độ chính xác đáng kinh ngạc.


Đồ gốm được sử dụng để định niên đại các di chỉ khảo cổ học từ hơn một thế kỷ và đã mang lại một ước tính khá chính xác từ thời La Mã. Nhưng càng về sau, nhất là đối với các di chỉ thời tiền sử của những người nông dân đầu tiền thời kỳ đồ đá mới, việc định niên đại chính xác trở lên khó khăn bởi vì các loại đồ gốm thường ít đặc trưng hơn và không có các hiện vật chỉ thị niên đại như tiền cổ hoặc tài liệu thành văn cho phép các nhà khảo cổ học hình dung về bối cảnh lịch sử.


Trong bối cảnh đó, việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, còn được gọi là định niên đại carbon 14, đã xuất hiện. Cho đến nay, các nhà khảo cổ phải dựa vào niên đại carbon phóng xạ của xương hoặc các chất hữu cơ khác được chôncùng với các đồ gốm để xác định niên đại của chúng. Tuy nhiên, nhờ vào phương pháp cách mạng mới này, hiện nay người ta có thể xác định niên đại trực tiếp của các hiện vật gốm, từ các axít béo còn lại qua việc chế biến thực phẩm.


Phương pháp này hoạt động như thế nào?


Phương pháp bao gồm việc cô lập các hợp chất béo khác nhau từ những chất cặn thực phẩmvà đảm bảo chúng đủ tinh khiết để xác định niên đại bằng việc sử dụng công nghệ quang phổ mới nhất bằng cách cộng hưởng từ hạt nhân ở độ phân giải cao và khối phổ. Để đảm bảo rằng phương pháp sẽ mang đến sự ước tính chính xác như các vật liệu khác thường được sử dụng trong khảo cổ học, chẳng hạn như xương, hạt, đồ gỗ, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra các mẫu dầu mỡ trong đồ gốm cổ đại ở một số các di chỉ nổi tiếng khoảng 8.000 năm tuổi ở Anh, châu Âu và châu Phi.


Định niên đại chính xác đồ gốm để vén bí mật về thời tiền sử ở Luân Đôn


Ở Luân Đôn, phương pháp xác định niên đại mới được sử dụng trên một bộ sưu tập gốm sứ đáng chú ý được tìm thấy ở quận Shoreditch, được xem là nhóm đồ gốm thời kỳ đồ đá mới lớn nhất từng được tìm thấy ở thủ đô nước Anh. Bộ sưu tập gồm có 436 mảnh vỡ của ít nhất 24 chiếc bình, bộ sưu tập này được các nhà khảo cổ học của Bảo tàng Khảo cổ học Luân đôn khai quật.


Phân tích các dấu vết của chất béo từ sữa chiết xuất từ những chiếc bình cho thấy đồ gốm này có niên đại khoảng 5.600 năm, được sản xuất và sử dụng trong khoảng thời gian 138 năm.


10. Thổ Nhĩ Kỳ: tìm thấy vương quốc cổ đại bí ẩn


Các nhà khảo cổ cho biết đã khám phá ra một vương quốc cổ đại bí ẩn mất tích trong lịch sử.



Tảng đá có khắc chữ ở thời điểm phát hiện


Nơi đang được giới khảo cổ học chú ý đó là một gò cổ ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ có tên Türkmen-Karahöyük.


Một nông dân địa phương đã cho nhóm khảo cổ biết con kênh gần đó được nạo vét đã làm lộ ra một tảng đá lớn, có khắc loại chữ bí ẩn.


"Chúng tôi có thể thấy nó vẫn còn nhô ra khỏi mặt nước, vì vậy chúng tôi đã nhảy ngay xuống kênh nước để xem xét. Nó là loại chữ cổ xưa Luwian, ngôn ngữ được sử dụng trong thời đại đồ đồng và đồ sắt trong khu vực này”, nhà khảo cổ học James Osborne từ Đại học Chicago cho biết.


Với sự trợ giúp của các dịch giả, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chữ tượng hình trên khối đá cổ này nói về tự hào về một chiến thắng của quân đội có liên quan đến Phrygia, một vương quốc ở Anatolia tồn tại khoảng 3.000 năm trước.


Hoàng gia Phrygia được cai trị bởi vua Midas. Dựa trên phân tích ngôn ngữ, cho thấy chữ tượng hình của khối đá có thể đề cập đến vua Midas với huyền thoại “chạm tay hóa vàng” bí ẩn nhất lịch sử trong thần thoại Hy Lạp. 


Các dấu khắc đá cũng chứa một chữ tượng hình đặc biệt tượng trưng cho thông điệp chiến thắng đến từ một vị vua khác, một người đàn ông tên là Hartapu. Các chữ tượng hình cho thấy Midas đã bị lực lượng của Hartapu bắt giữ.


Điều quan trọng là không có gì được biết về vua Hartapu, cũng như về vương quốc mà ông cai trị. Tuy nhiên, tấm bia cho thấy quả đồi khổng lồ Türkmen-Karahöyük có thể là thành phố thủ đô của Hartapu năm xưa, trải dài khoảng 121ha vào thời hoàng kim, trung tâm cuộc chinh phạt cổ đại của Midas và Phrygia.


"Chúng tôi không có ý tưởng gì về vương quốc này. Nhưng trong nháy mắt, chúng tôi đã có thông tin mới sâu sắc về Trung Đông trong thời đại đồ sắt”, Osborne nói.


Có rất nhiều công việc đang được thực hiện trong dự án khảo cổ này và những phát hiện cho đến nay mới chỉ được xem là sơ bộ.


"Bên trong gò đất này sẽ là những cung điện, tượng đài, nhà cửa. Tấm bia là một phát hiện kỳ ​​diệu, vô cùng may mắn, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu”, Osborne nhấn mạnh.


Tác giả: Nguyễn Thúy 


Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia