Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĐỔI TÊN “DI TÍCH LỊCH SỬ SỐ 04 NGUYỄN DU” THÀNH “DI TÍCH LỊCH SỬ BIỆT ĐIỆN BẢO ĐẠI”

Di tích lịch sử quốc gia số 04 Nguyễn Du tọa lạc tại số 02 Y Ngông, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột, có diện tích gần 6,5 ha gồm một tòa Biệt điện và một nhà nài voi, bao quanh là những cây cổ thụ, cây ăn trái, cây cảnh xanh tươi, được trồng theo mô típ đối xứng quen thuộc như các dinh của Bảo Đại ở các nơi khác.

Khuôn viên di tích thật sự là lá phổi xanh, góp phần mang lại không khí trong lành cho thành phố Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, tòa Biệt điện còn tiêu biểu với lối kiến trúc kết hợp hài hoà, đặc sắc giữa kiến trúc nhà truyền thống của người Tây Nguyên với kiến trúc phương Tây, tạo nên nét đẹp độc đáo, hấp dẫn.


Năm 1905, Công sứ Pháp Bardin đã cho xây dựng nhà hàng LÉ FEVRE ngay tại vị trí Di tích số 04 Nguyễn Du hiện nay. Đến năm 1914, khi Sabatier về làm Công sứ tại Đắk Lắk, với con mắt tinh thông về địa lý, Sabatier đã cho xây dựng khu vực này là Toà đại lý Quận trưởng (Délégation) và sống, làm việc tại đây suốt 12 năm (từ 1914 – 1926). Từ đó, khu vực này được gọi là Toà Công sứ.


Năm 1926, sau khi thay thế công sứ Sabatier, công sứ Giran đã cải tạo, xây dựng lại tòa Biệt điện như hiện nay. Cũng từ đó toà công sứ này có tên là Biệt Điện toà Công sứ hay Biệt Điện Công sứ (Résidence) theo dân địa phương gọi là Sang Ae Proong (nhà ông lớn). Tiếp theo công sứ Giran là các Công sứ Thabaeut; Destenay; Henri Gerbinis; Salamon; Jerminc; Levo đã lần lượt sống và làm việc trong ngôi nhà này.


Đến tháng 3/1945, toàn bộ ngôi nhà và chính quyền Đắk Lắk được giao lại cho phát xít Nhật - Nguyễn Sỹ Túc.


Sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, chính quyền cách mạng đã sử dụng Biệt điện làm trụ sở Hội đồng cố vấn cách mạng tỉnh và là nơi tổ chức các cuộc họp bàn, chỉ đạo công việc bảo vệ, xây dựng chính quyền cách mạng. Từ tháng 8 đến tháng 12/1945 tại đây còn là nơi triệu tập các cuộc họp của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ … triển khai các công việc trước mắt và lâu dài của cách mạng;


Tháng 10/1945, hưởng ứng phong trào tuần lễ vàng do Chính phủ phát động, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã tổ chức hội chợ triển lãm trưng bày các sản vật địa phương; Nhân dịp tổ chức hội chợ tại Biệt Điện này, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức được một Lễ ăn thề đoàn kết các dân tộc Êđê, Kinh, Mnông, Gia rai dưới hình thức hội chợ triển lãm kéo dài ba ngày, ba đêm.


Ngày 01/12/1945, tại Biệt điện Bảo Đại đã diễn ra một cuộc họp quan trọng bàn về vấn đề bầu cử Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Bùi San chủ trì. Cuộc họp đang triển khai thì bất ngờ Pháp đã tấn công vào Buôn Ma Thuột. Lực lượng Việt Minh đã chống trả quyết liệt, nhiều gương chiến đấu hy sinh vì Tổ Quốc, một chiến sỹ quốc tế người Nhật trong hàng ngũ Việt Minh ở Đắk Lắk cũng đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam.


Tháng 11/1947 sau khi được chính phủ Pháp bảo lãnh đưa Vĩnh Thụy (Bảo Đại) về nước với danh nghĩa là Quốc trưởng. Bảo Đại đã đến đây ở và làm việc trong khu vực này gần 8 tháng (từ tháng 11/1947 đến khoảng tháng 5/1948).


Từ năm 1949 - 1954, vào dịp đầu mùa mưa hàng năm, Cựu hoàng Bảo Đại thường xuyên lên Đắk Lắk và chọn Biệt điện làm nghỉ ngơi, săn bắn, làm việc và nhảy đầm. Tên gọi Biệt điện Bảo Đại cũng bắt đầu từ đó, cụ thể:


Cuối năm 1950, Quốc trưởng Bảo Đại lên Buôn Ma Thuột dự lễ nhận tượng trưng vùng đất Hoàng triều Cương thổ (gồm Đồng Nai Thượng, Lâm Viên - kể cả Đà Lạt, Đắk Lắk, Pleiku, Kon Tum...). Bảo Đại đã tách riêng phần Cao nguyên Trung bộ ra và cho thiết lập Quy chế Hành chính đặc biệt có tên là Hoàng triều Cương thổ thông qua Dụ số 6 ngày 15 tháng 4 năm 1950 (địa lý chính trị của Nhà Nguyễn để ấn định những khu vực cai trị mà người Việt không chiếm đa số) trực thuộc “Quốc trưởng Bảo Đại”. Trong dịp này, Bảo Đại đã tham dự một buổi Tế Thần của người Tây Nguyên, bữa rượu này đánh dấu việc vùng đất Tây Nguyên được người Pháp trả về cho Việt Nam và được hưởng một quy chế Hoàng triều Cương thổ. Khi đó, công sứ Dielot trao Tòa Công sứ (Biệt điện Bảo Đại ngày nay) cho Quốc trưởng Bảo Đại; bà Bùi Mộng Điệp đã cho tu sửa thành dinh Bảo Đại. Từ đó, Biệt điện trở thành nơi ở và làm việc của Quốc trưởng Bảo Đại và tên gọi Biệt điện Bảo Đại đã đi vào tiềm thức của người dân Tây nguyên và tồn tại cho đến ngày nay. 


Trong những năm sống và làm việc tại Buôn Ma Thuột, Bảo Đại đã có nhiều ảnh hưởng trong quá trình chỉnh trang Buôn Ma Thuột, từ việc bà Mộng Điệp thay mặt Đức Từ Cung xây dựng chùa Sắc tứ Khải Đoan, xây dựng dinh thự cho Bảo Đại tại hồ Lắk; chỉnh trang Dinh công sứ thành Biệt điện Bảo Đại … và đặc biệt hơn cả là Bảo Đại đã chủ trì Lễ tế Nam Giao (Lễ tạ ơn trời đất đã ban phúc cho nhân dân) cuối cùng của Triều Nguyễn trên vùng đất Buôn Ma Thuột.


Từ sau năm 1954 đến năm 1975, Biệt điện từng là nơi ở, làm việc của chính quyền Mỹ-Ngụy. Năm 1957, Ngô Đình Diệm cũng từng ở tại Biệt điện Bảo Đại khi tổ chức Hội chợ triển lãm về kinh tế Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột để cổ vũ cho việc khai thác Tây Nguyên.


Từ ngày 20/3/1975 đến năm 1978, Biệt điện Bảo Đại đã trở thành trụ sở làm việc của Cơ quan Tỉnh Đắk Lắk. Đồng chí Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy được phân công nhiệm vụ đưa đón, hộ tống đồng chí Bùi San đến ở, làm việc ngay tại Biệt điện - Cơ quan Tỉnh ủy vào ngày 20/3/1975.


Sau đó, Biệt điện Bảo Đại được chuyển thành “Nhà khách Biệt điện” của tỉnh, nơi đón tiếp các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước khi đến Đắk Lắk công tác như: Tổng Bí thư Lê Duẩn; Chủ tịch nước Trường Chinh; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; nhà thơ Tố Hữu, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Chủ tịch nước Võ Chí Công,… đã nghỉ và làm việc tại đây mỗi khi về công tác ở Đắk Lắk.




Ngày 26/01/1999, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định số 02/1999/QĐ-BVHTT xếp hạng di tích cấp quốc gia “Di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du”.


Tuy nhiên, tên gọi Di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du là cách gọi theo địa chỉ đường phố gọi theo danh bạ điện thoại thành phố Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ, không gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan trực tiếp của di tích và chỉ có một số người biết đến, sử dụng.


Năm 2010, trong quá trình chỉnh trang đô thị, tuyến đường đường Nguyễn Du (đoạn đi qua Di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du) đã được điều chỉnh thành tên đường Y Ngông. Địa chỉ mới của di tích là số 02 Y Ngông, do đó tên gọi theo địa chỉ số 04 Nguyễn Du không còn phù hợp. Bên cạnh đó, tên gọi Biệt điện Bảo Đại đã trở thành tên gọi quen thuộc, thường xuyên, được nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.


Ngày 24/12/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có Tờ trình số 155/TTr-UBND đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định đổi tên “Di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du” thành “Di tích lịch sử Biệt Điện Bảo Đại.


Việc đổi tên “Di tích lịch sử Số 04 Nguyễn Du” thành “Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại” là phù hợp với quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (tên gọi gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến di tích).


Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá kết quả nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, tài liệu liên quan đến di tích và số lượng khách du lịch đến với di tích trong thời gian qua, Biệt điện Bảo Đại là một trong những điểm đến nổi bật và thú vị đối với du khách khi đến với thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và vùng Tây nguyên nói chung. Hơn nữa, các nguồn tư liệu, tài liệu, hiện vật có liên quan đến Bảo Đại khá phong phú nên rất thuận tiện cho công tác sưu tầm. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai sưu tầm bổ sung và tổ chức trưng bày nhằm giới thiệu đến công chúng không gian sống, làm việc của Cựu hoàng Bảo Đại; những tư liệu lịch sử về vùng đất Hoàng triều cương thổ và nét văn hóa phong kiến Việt Nam xưa.


Bảo tồn và phát huy giá trị “Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại” trong thời gian tới mang tính khả thi cao; có ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của địa phương, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Đắk Lắk.




Nguồn:

Theo lý lịch di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng tại Quyết định số 02/1999/QĐ-BVHTT, ngày 26/01/1999.

Hỏi chuyện đời bà Thứ phi Mộng Điệp với Cựu hoàng Bảo Đại.NXB Thuận hóa, Huế 2011.

Trích lịch sử Đảng bộ tỉnh Dak Lak, tập III Kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Tỉnh ủy Dak Lak-1994.



Hà Phương