HƯỚNG VỀ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG NĂM GIÁP THÌN-2024

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 06/12/2012. Đối với người dân Việt Nam, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sức mạnh cội nguồn, quy tụ sự đoàn kết các thế hệ tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội và tồn tại qua mọi thể chế.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn hướng con người tới cái Chân - Thiện - Mỹ, cái cao cả mà con người luôn ước vọng tôn thờ. Trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các yếu tố văn hóa tâm linh được tiềm ẩn từ các kiến trúc tín ngưỡng đình, đền, miếu - nơi thờ phụng, thực hành tín ngưỡng đến các nghi lễ rước, tế, lễ vật, phẩm phục, diễn xướng dân gian.

Hàng năm, hàng triệu lượt người hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh để tưởng nhớ Hùng Vương, nhớ ơn công lao Tổ tiên đã có công dựng nước và giữ nước, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cầu may mắn, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Những cuộc hành hương về quá khứ, giao tiếp với tổ tiên của quốc gia và gia đình là những hình thức kết nối sức mạnh với tổ tiên, như là phương thức gặp gỡ và vượt qua thách thức của cuộc sống hiện tại.

Từ cộng đồng người Việt ở Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa ra phạm vi cả nước, trở thành tập quán của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Người Việt Nam ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài sáng tạo những không gian thờ cúng Hùng Vương riêng, xin chân nhang, đất, nước từ Đền Hùng về thờ cúng Ngài với tư cách ông Tổ của dân tộc. Đây là đức tin tín ngưỡng thuần Việt đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập tự chủ và ước mơ về sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc.


Tại Đắk Lắk, hàng năm Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức tại Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao (thành phố Buôn Ma Thuột), là dịp để quân và dân các dân tộc trong tỉnh ôn lại truyền thống, lòng tự hào về cội nguồn của dân tộc Việt Nam, tưởng nhớ, tri ân và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công lao, đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và phát triển đất nước.




Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023

 

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Giáp Thìn - 2024 tại Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao gồm các hoạt động:

1. Trình diễn gói bánh chưng, giã bánh giầy để dâng cúng các Vua Hùng, từ 14 giờ 00, ngày 17/4/2024 (nhằm ngày 09/3 năm Giáp Thìn).

2. Lễ tiên thường (nghi thức cúng cáo thần), từ 16 giờ 00, ngày 17/4/2024 (nhằm ngày 09/3 năm Giáp Thìn).

3. Lễ dâng hương, hoa, lễ vật lên Quốc Tổ Hùng Vương, từ 07 giờ 30 ngày 18/4/2024 (nhằm ngày 10/3 năm Giáp Thìn).

         

Được tổ chức tại Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao - ngôi đình đầu tiên của người Việt trên Cao nguyên Đắk Lắk, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương với các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, gắn kết và động viên các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Đắk Lắk, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

GDTT