PHỤC DỰNG LỄ CÚNG CẦU MƯA VÀ CẦU MÙA (KĂM HAH - KĂM PUH) TẠI BUÔN ĐẮK TUÔR, XÃ CƯ PUI, HUYỆN KRÔNG BÔNG

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Bông; Ủy ban Nhân dân xã Cư Pui phục dựng Lễ cúng cầu mưa và cầu mùa (kăm hah - kăm puh) của người Êđê tại buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui, huyện Krông Bông.

Lễ cầu mưa (Kăm mah) và cầu mùa (Kăm buh) là một trong những nghi lễ nông nghiệp của người Êđê, đánh dấu thời điểm bắt đầu một mùa rẫy mới, với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa, nương rẫy tươi tốt, thóc lúa đầy kho.

         

Trước ngày diễn ra buổi lễ, bà con trong buôn chọn một khoảng đất rộng bằng phẳng, gần cây cổ thụ có nhiều tổ ong làm nơi thực hiện nghi lễ, bởi theo quan niệm của người Êđê, đó là nơi đất tốt. Sau khi phát quang sạch sẽ, chủ buôn phân công dân làng chuẩn bị các mô hình: chòi Pưk gồm 2 tầng, tầng trên để mô hình ông trời và bà trời; tầng dưới là bồ lúa tượng trưng cho sự no đủ; dưới chân chòi đặt Thần ác (Yang Liê); mô hình bẫy thú, các con thú (nhím, thỏ, sóc,..); đao, khiên, dụng cụ cho quá trình chọc lỗ tra hạt; cùng các lễ vật dâng cúng thần linh: Rượu cần, thịt,…


Khi công việc đã chuẩn bị xong, bà con mặc trang phục truyền thống, tập trung đông đủ trước khoảnh đất đã chọn để dự lễ.



Trước giờ làm lễ



Thầy cúng thực hiện các nghi thức cúng


Trước bàn thờ cúng Yàng, thầy cúng đọc lời khấn:

Ơ Yang! Yang trời, Yang đất.

…..

Cầu mưa để người có nước trồng tỉa.

Lúa trổ nhiều bông, chắc hạt.

Mùa màng bội thu, chắc hạt.

Lúa đầy bồ, đầy kho.

Mọi gia đình trong buôn được no đủ...

Lại kêu mời thần bến nước cùng kêu giúp

Mưa xuống cây lá xanh tươi, người no đủ.


Khẩn xong, thầy cúng thực hiện các nghi thức truyền thống, mời chủ buôn và người dự lễ uống rượu cần. Tiếp đó, tái hiện lại cảnh chọc lỗ tra hạt, vẩy nước – làm mưa với ý nghĩa: Thần linh đã nghe lời khẩn cầu của dân làng nên cho mưa xuống, tưới mát nương rẫy. Xong việc, mọi người tỏa ra khởi động các bẫy thú và hun khói cho ong bay đi, gỡ tổ ong xuống lấy mật. Một số người cầm khiên, đao múa một vòng quanh rẫy và đi về nhà chòi, chặt Thần Ác với ý nghĩa là trừ tà ma, đuổi thần ác đi nơi khác trong tiếng hò reo của mọi người.



Tái hiện lại cảnh chọc lỗ tra hạt



Mô hình bẫy thú tái hiện lại việc bẫy những con thú đến phá hoại mùa màng

                  

Điều đặc biệt, trong lễ cầu mưa - cầu mùa còn có phần lễ cúng thần Yang Briêng (Lễ cúng xả xui). Trong lễ này, thầy cúng, người phụ cúng và dân làng dắt con dê đi lên đầu nguồn suối để làm các nghi thức xua đuổi những điều xui xẻo cho dân làng.



Chuẩn bị cho Lễ cúng thần Yang Briêng

                  

Là một nghi lễ quan trọng, diễn ra vào đầu mùa mưa, Lễ cầu mưa (Kăm mah) và cầu mùa (Kăm buh) mang lại không khí phấn khởi, tươi vui cho buôn làng, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng, cùng nhau đón chào một mùa nương rẫy mới, với mùa màng bội thu.


Y Dhiư Niê