VÒNG ĐỒNG TRONG NGHI LỄ CỦA NGƯỜI ÊĐÊ QUA CÁC HIỆN VẬT TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Đối với người Êđê, vòng đồng vừa là trang sức, vừa là vật chứng trong các lễ cúng, lễ kết nghĩa, lễ cưới, mang ý nghĩa văn hoá, tâm linh.

Trong các nghi lễ vòng đời của người Êđê, những lần được cúng đeo vòng đồng là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu giai đoạn hay thời khắc ý nghĩa trong cuộc đời. Chính vì lẽ đó, chiếc vòng đồng là vật đính ước, hứa hôn và kết hôn của các đôi nam, nữ người Êđê khi đến tuổi lập gia đình. 



Đeo vòng trong Lễ cúng hạ cây


Trong khi cúng, thầy cúng sẽ vừa đọc lời khấn, vừa cầm chiếc vòng đồng, sau đó đeo vào cổ tay người được làm lễ. Vòng đồng như một vật chứng để thần linh phù hộ, che chở cho người được làm lễ cúng. 

Sau mỗi lần cúng, chiếc vòng đồng sẽ được khắc số dấu tương ứng với số ché rượu mà gia chủ đã dùng để làm lễ, thường là ba, năm hoặc bảy dấu khắc.


Bộ vòng sử dụng trong Lễ cúng cho bà mẹ mang thai và em bé khi ra đời đến khi đầy tháng của gia đình bà H' Doan Ayŭn, ở huyện Krông Bŭk, dùng để cúng xả xui cho bà mẹ từ khi mang thai 03 tháng và cho 02 người con là H' Biên và Y Toan là một câu chuyện ý nghĩa:



Lễ cúng cho bà mẹ mang thai được tổ chức trong hai giai đoạn: Khi mang thai 3 tháng nhằm mục đích xua đuổi thần ác, cầu mong sức khỏe cho mẹ, sau nghi thức lễ, chiếc vòng được khắc vạch và đeo cho bà mẹ; đến tháng thứ 7, người ta tổ chức Lễ cúng xả xui, cầu sinh dễ dàng và vòng đồng cũng được sử dụng làm vật cúng. Lễ vật gồm một ché rượu, một con gà nướng. Thầy cúng ngồi hướng mặt về phía Đông, bên cạnh vòng đồng là những lễ vật gắn liền với nghi thức cúng.





Vòng đồng trong Lễ cúng ché: Đối với các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Êđê nói riêng, ché vừa là tài sản quý, vừa là vật linh thiêng, nơi cư ngụ của các vị thần linh, ché rượu không thể thiếu trong mọi nghi lễ, từ nghi lễ vòng đời đến nghi lễ nông nghiệp. Vì thế, khi đưa ché về nhà, gia chủ phải tổ chức cúng nhập gia, cúng đón rước ché.


Trong lễ cúng, cây nêu chính được cột ngay giữa gian khách nhà dài để cố định ché rượu, mâm đồng dùng để đựng các lễ vật, 3 tô đồng đựng cơm, 3 chén sứ đựng hạt trộn huyết heo, 3 chén đồng đựng rượu cần, 3 vòng đồng và 3 chuỗi hạt để đeo cho ché. Sau khi chuẩn bị đầy đủ lễ vật, thầy cúng bắt đầu thực hiện nghi thức cúng, sau đó vợ chồng gia chủ sẽ ăn cơm, thịt trong mâm lễ vật với ngụ ý hưởng lộc từ tổ tiên, thần linh để cầu mong sức khỏe và may mắn.



Vòng đồng trong lễ cúng ché


Thông qua các nghi lễ, có thể thấy ý nghĩa quan trọng của chiếc vòng đồng, vừa là trang sức vừa là vật chứng mang yếu tố văn hoá, tâm linh gắn với các nghi lễ vòng đời của con người.


Bên cạnh hiện vật của người Êđê, Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang lưu giữ, trưng bày nhiều vòng đồng của các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; các hiện vật đã được xây dựng thành “Sưu tập trang sức” phục vụ hoạt động nghiên cứu, trưng bày.





Phạm Hoài