LỄ DẠM NGÕ CỦA NGƯỜI MNÔNG PRÂNG

Người Mnông là cư dân sinh sống lâu đời trên mảnh đất Tây Nguyên, với tín ngưỡng đa thần, từ khi sinh ra cho đến lúc về với thế giới bên kia, người Mnông trải qua nhiều nghi lễ, trong đó có Lễ dạm ngõ-một nghi lễ quan trọng phải tiến hành tốt đẹp mới được tổ chức lễ cưới.

Người Mnông gồm nhiều nhóm địa phương: Mnông Gar, Mnông Preh, Mnông Noong, Mnông Prâng,… sinh sống ở các huyện trong tỉnh. Phong tục cưới hỏi của người Mnông Prâng mang đặc trưng của dân tộc, tạo nên nét độc đáo trong mái nhà chung của các dân tộc anh em trên Cao nguyên Đắk Lắk.

Theo phong tục của người Mnông Prâng, khi gia đình có con trai đến tuổi lấy vợ, thì cha mẹ chàng trai sẽ tìm hiểu những người con gái trong làng (bon) xem ai đẹp người, đẹp nết lại phù hợp với hoàn cảnh gia đình để ướm hỏi cho con trai. Họ sẽ hỏi ý kiến con trai xem có ưng thuận cô gái ấy làm vợ hay không. Trường hợp người con trai đem lòng yêu thương cô gái khác cũng có thể nói với cha mẹ để đi hỏi cô gái ấy.

Lúc này cha mẹ chàng trai phải tìm hiểu về dòng họ của cô gái bởi theo phong tục của người Mnông Prâng: nếu hai người cùng họ thì mới được lấy nhau. Trường hợp không cùng họ, vẫn có thể lấy nhau nhưng khi dạm ngõ sẽ bị thách cưới rất nặng.

Cha mẹ chàng trai sau khi bàn bạc và có sự chấp thuận của cô, dì, chú, bác trong dòng họ thì sẽ đi nhờ bà mối đến nhà cô gái để hỏi cưới cho con trai.

Đoàn nhà trai đi dạm ngõ gồm già làng, bà mối, bố mẹ chàng trai, đại diện dòng họ, đại diện bà con trong bon, đội chiêng và các lễ vật gồm: một con dao, một cái lược, một chiếc vòng đồng, váy áo cho cô dâu, heo, gà, ché rượu lớn…


Đối với người Việt thì “miếng trầu là đầu câu chuyện”, còn đối với người Mnông “bát gạo” được thay cho miếng trầu. Theo quan niệm vạn vật hữu linh, đối với người Mnông, gạo cũng có linh hồn và nuôi dưỡng sự sống cho muôn loài nên trong các lễ nghi, lúa gạo luôn được coi trọng nhất. Vì thế, bà mối phải cầm bát gạo đi đặt vấn đề hôn sự. Nếu gia đình cô gái chấp nhận lời ngỏ, sẽ đón nhận bát gạo một cách trang trọng.



Bà mối cầm bát gạo và lễ vật dạm ngõ


Người Mnông vốn là chủ nhân của những pho sử thi đồ sộ, những câu nói vần nên trong ngôn ngữ giao tiếp họ cũng có những cách nói, cách đặt vấn đề hết sức tế nhị. Bà mối phải là một người giao tiếp giỏi. Khi đến nhà gái đặt vấn đề hôn sự, bà mối chỉ nói chuyện nương rẫy, bon làng nhưng nhà gái vẫn hiểu được họ muốn dạm hỏi con gái mình. Đôi khi, cha mẹ cô gái còn ra câu hát đối, nếu bà mối không đáp lại được thì coi như công việc se duyên của bà mối không thành.


Khi được bà mối thông báo cha mẹ và cô gái đã đồng ý, bà mối sẽ đeo vào tay chàng trai một chiếc vòng đồng của cô gái trao làm tín vật. Lúc này, gần như đôi trẻ đã thuộc về nhau.



Bố mẹ cô gái ra đón nhà trai



Hai bên gia đình ngồi bàn về lễ vật thách cưới

(Hình ảnh của hoạt động Phục dựng lễ cưới của người Mnông Prâng)


Để đám cưới được tiến hành theo đúng dự định, nhà trai phải lo chuẩn bị nhiều heo, gà, ché rượu để mang sang nhà gái. Ngoài các lễ vật này, họ hàng cô dâu còn có quyền thách cưới - yêu cầu nhà trai phải nộp thêm tiền hoặc các lễ vật khác có giá trị lớn như chiêng ché, trâu bò…. Trường hợp chàng trai không cùng dòng họ với cô gái hoặc trước đó có bất đồng với nhà gái thì lễ vật nhà gái thách cưới thường rất nặng.

Lúc này, ông trưởng tộc dùng một bó đũa để tính xem trong dòng họ đã góp bao nhiêu công sức để nuôi dạy cô gái khôn lớn trưởng thành. Ông sẽ liệt kê công sức của từng người trong dòng họ cô gái và tương ứng với một chiếc đũa. Từ đó, đếm số đũa và tính ra số chiêng ché, heo, gà… mà nhà trai phải đền đáp trong lễ cưới. Đặc biệt, muốn cho lễ cưới tiến hành sớm, nhà gái đem các lễ vật mà nhà trai đã tặng trong lễ dạm ngõ sang nhà trai đáp lễ để tỏ rằng mình giữ đúng, trọn vẹn các lễ vật đính ước và ngỏ ý muốn nhà trai cho cử hành lễ cưới. Sau đó, hai bên gia đình đều rộn ràng chuẩn bị cho lễ cưới.


Ngày nay, mặc dù ít nhiều chịu ảnh hưởng của lối sống hiện đại nhưng người Mnông Prâng vẫn luôn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình. Một số thủ tục đã được thay thế để phù hợp với hiện tại và chắt lọc giữ gìn những tinh hoa văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Hoài My