DỤNG CỤ ĐÃI VÀNG CỦA NGƯỜI XƠ ĐĂNG

Người Xơ Đăng là một trong những dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở Tây Nguyên, cư trú chủ yếu ở tỉnh Kon Tum và một phần ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk và Gia Lai.

Tại tỉnh Đắk Lắk, người Xơ Đăng hiện có 9.818 người (năm 2019), sinh sống chủ yếu tại tại huyện Cư M’gar; Ea Kar, Krông Pắk, Buôn Hồ. 



Phụ nữ Xơ đăng ở buôn Kon H'ring, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk


Đối với người Xơ đăng, kinh tế nương rẫy đóng vai trò chủ đạo, với công cụ và cách thức canh tác tương tự như những tộc người khác ở Trường Sơn-Tây Nguyên. Ngoài lúa, người Xơ đăng còn trồng kê, ngô, sắn, bầu, bí, thuốc lá, dưa, dứa, chuối, mía... Vật nuôi truyền thống là trâu, dê, lợn, chó, gà. Việc hái lượm, săn bắn, đánh cá có ý nghĩa kinh tế không nhỏ. Nghề dệt vải có ở nhiều vùng. Nghề rèn phát triển ở nhóm Tơ Ðrá, họ biết chế sắt từ quặng để rèn. Một số nơi người Xơ đăng đã biết đãi vàng sa khoáng.


Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang trưng bày và lưu giữ khá nhiều hiện vật của người Xơ đăng với các loại hình như: Trang phục, trang sức, nhạc cụ, dụng cụ sinh hoạt, sản xuất, săn bắn, hái lượm, trong đó có thể kể đến “Bộ dụng cụ đãi vàng” của gia đình ông A Bốn, ở huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. 


Bộ dụng cụ đãi vàng được sử dụng qua ba đời của gia đình ông A Bốn. Thời đó, gia đình ông sử dụng để đãi vàng nộp thuế cho Pháp tại sông Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Đến thời Mỹ Ngụy, gia đình vẫn tiếp tục làm nghề đãi vàng và cân đong trao đổi hàng hóa với người Lào và Campuchia. Sau này gia đình ông A Bốn không làm nghề này nữa mà chuyển về Đắk Hà, Đắk Tô, Kon Tum sinh sống đã mang theo bộ dụng cụ đãi vàng này làm kỷ niệm, sau đó bàn giao lại cho Bảo tàng Đắk Lắk lưu giữ và trưng bày.




Với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc thiểu số trong khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung và dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Trong những năm qua, Bảo tàng Đắk Lắk luôn chủ động, tích cực trong công tác sưu tầm, trưng bày, truyền thông, giáo dục các di sản văn hóa với những hiện vật đang hiện hữu tại bảo tàng với nhiều hình thức khác nhau: xây dựng sưu tập hiện vật theo loại hình, dân tộc, công dụng….; xây dựng video, bài viết về câu chuyện hiện vật. Qua đó, giúp người xem hiểu thêm về hoạt động kinh tế, đời sống, sinh hoạt hàng ngày của các cư dân sinh sống trên dải đất Miền Trung - Tây Nguyên. 

Phạm Hoài