GÙI TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI TÂY NGUYÊN

Từ xa xưa, các dân tộc ở Tây Nguyên đã gắn bó với chiếc gùi – một vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động của cư dân nơi đây, tạo thành nét văn hóa đặc sắc.

Một chiếc gùi thường có 4 bộ phận: miệng gùi, thân gùi, đế gùi và phần quai. Có 2 loại gùi là gùi mộc và gùi hoa văn. Gùi mộc làm toàn bằng vật liệu mây, tre, gỗ để nguyên màu tự nhiên, gùi hoa văn được đan thêm các vòng nan tre, nhuộm màu xanh, đỏ tạo nên hoa văn, đường viền sinh động.



Một nhóm người dân tộc tại chỗ ở Buôn Ma Thuột năm 1930


Với người Êđê, ngay từ bé, những đứa trẻ đã được bố mẹ đưa lên nương rẫy, và cũng là lúc trẻ bắt đầu làm quen với những chiếc gùi nhỏ, làm quen với cuộc sống núi rừng, nương rẫy. Đến khi trưởng thành, họ lại mang theo chiếc gùi lớn để kiếm củi, đựng lúa, đựng ngô,... . Gùi của người Êđê thường có miệng loe, rộng hơn đáy gấp 2 - 3 lần, bộ đế làm bằng 4 mảnh gỗ, dùng dùi nung đỏ trong than, tạo thành những chiếc lỗ nhỏ, luồn qua rồi buộc chắc vào nhau bằng sợi mây bắt chéo qua lại, đế gùi thường cao 20cm. Chiếc gùi là một vật dụng không thể thiếu trong nghi lễ, lễ hội của người Êđê như: Trong lễ cúng bến nước, lễ cúng thần lúa, gùi thường được dùng để đựng đồ cúng, đặt cạnh nơi diễn ra nghi lễ; đặc biệt, với lễ cúng bến nước, phải có 7 người phụ nữ mang gùi múa bên bàn lễ.


Gùi của người Ê đê


Đối với người M’nông, gùi là vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt gia đình cũng như trong sản xuất. Gùi của người Mnông có hình ống, miệng loe, chân đế bằng tre và thấp, gồm các loại như: gùi đan thưa dùng để gùi củi, cõng nước hoặc những vật nặng; gùi lớn đan dày không có nắp, dùng để gùi lúa hoặc bắp, gùi nhỏ dùng để đựng lúa trỉa…



Gùi của người Mnông


Cũng như các dân tộc tại chỗ khác ở Tây Nguyên, chiếc gùi rất gần gũi trong đời sống sinh hoạt và trở thành một nét văn hóa truyền thống của người Gia rai. Đáy gùi của người Gia rai là những thanh tre chẻ mỏng, uốn thành hình vuông, cao chừng 2 đốt ngón tay. Miệng gùi là những sợi mây nguyên hoặc mảng tre nhuộm đen, hơ lửa, uốn cong kẹp vào hai vành gùi và cạo bằng sợi mây.



Đan gùi, buôn R’Čai A, xã Krông Nô, huyện Lắk


Chiếc gùi của người Tây Nguyên là một phương tiện vận chuyển với nhiều công dụng: gùi mang lúa từ rẫy về kho, từ kho về nhà; gùi mang rau quả, nấm, măng le về từ rừng rẫy; gùi mang những quả bầu đựng nước từ suối về nhà; gùi mang thịt rừng săn được về với buôn làng; gùi mang những ché rượu đi góp hộ; gùi mang củi để đi “bắt chồng” (cưới chồng); gùi lớn được đặt ở góc nhà để đựng đủ thứ khố, áo, váy...


Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gùi còn được dùng để đựng lương thực, thực phẩm tiếp tế cho cán bộ, chiến sĩ.



Gùi tiếp vận - dùng để đựng thực phẩm từ Ea Hồ và chuyển về căn cứ tiếp tế cho cách mạng từ năm 1973.


Hiện nay, Bảo tàng Đắk Lắk đang lưu giữ và bảo quản bộ sưu tập hơn 100 chiếc gùi của người Êđê, Mnông, Gia rai, Bru Vân Kiều… được sưu tầm từ những nguồn khác nhau, thông qua bộ sưu tập có thể thấy nét văn hóa độc đáo và đặc trưng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Trong cuộc sống hiện đại, những chiếc gùi vẫn được sử dụng phổ biến tại các buôn làng bởi sự tiện dụng, giá trị thẩm mỹ và là sản phẩm du lịch giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế.


Hồ Nhàn