LỄ CƯỚI TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI M’NÔNG PRÂNG

Lễ cưới của người M’nông Prâng là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc riêng biệt.

Vào ngày cưới, Đoàn nhà trai đem lễ vật sang nhà gái để làm lễ cưới (Nkắp Kông). Nhà gái, già làng, đội chiêng, đội múa cùng bà con trong Bon đứng hai bên đón nhà trai. Nhà gái đón nhận lễ vật gồm một ché rượu, một con heo quay, một con gà trống. Đại diện nhà gái lấy xà gạc gõ lên đầu con heo để xác nhận nhà trai đã mang đầy đủ lễ vật tới. Nhà gái chuẩn bị ché rượu, cơm lam, thịt nướng, khố, váy hoa, chuỗi cườm, chuỗi vòng kết bằng chỉ.



Nhà gái chuẩn bị cơm lam, thịt nướng


Ché rượu nhà trai mang tới (rượu N’đắp) được đặt giữa nhà. Các cô bên nhà gái sẽ rót nước vào ché cho đầy. Sau đó, cô dâu, chú rể và những người đại diện hai họ sẽ được đeo lên cổ một chiếc vòng (brai yum) bằng chỉ nhiều màu sặc sỡ, do chính tay cô dâu kết, hoặc một chuỗi cườm (yong ruân). Những chiếc vòng này thể hiện sự khéo léo của cô gái và có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Từ giờ phút này trở đi, hai bên đã có một sự ràng buộc lẫn nhau. Sau đó, già làng lấy rượu bôi vào trán cô dâu, chú rể.

Trong lễ cưới của đồng bào M’nông không thể thiếu một nghi thức hết sức quan trọng – đó là nghi thức trùm chăn và trao vòng đồng (kôông nkăp) cho cô dâu, chú rể.


Nghi thức trùm chăn


Bà mối cầm một cái chăn thổ cẩm truyền thống do nhà trai sắm cho cô dâu, chú rể, miệng cầu khấn, chúc phúc cho cô dâu chú rể có một cuộc sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long, sinh được con năm, con bảy:

“Nay chúng tôi tổ chức lễ cưới cho A và B (tên cô dâu và chú rể)

Có ché rượu mời xin các thần chứng giám

Xin thần phù hộ cho đôi trai gái mới cưới

Cho họ đủ cái ăn, có nhiều sức khỏe

Có con nối dõi và hạnh phúc bên nhau trọn đời

Rượu này thần uống

Cơm này thần ăn

Cầu mong các thần cho đôi vợ chồng nó yêu thương nhau đến trọn đời

Chân tay khỏe mạnh như con voi rừng

Làm ra nhiều thóc lúa, thóc tràn đến nóc, đầy khắp nhà

Lúa dư đổi được nhiều chum chóe, trâu bò,…

Gia đình hai bên như anh em một nhà

Lời tôi ước xin các thần hãy nhận

Lời tôi cầu xin các thần hãy nghe”

Kế đến, bà mối xô ngã cô dâu, chú rể nằm xuống và trùm tấm chăn lên trước sự chứng kiến của đông đảo bà con hai họ. Kể từ giờ phút này trở đi, đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng, được ăn cùng mâm, ngủ cùng giường và bắt đầu một cuộc sống mới.

Cô dâu, chú rể trao vòng cưới cho nhau, cha mẹ chàng trai đeo chuỗi cườm lên cổ và chiếc vòng đồng vào tay người con dâu, cha mẹ cô gái cũng làm như vậy để thừa nhận con rể của mình. Cô dâu biếu bố mẹ chồng một chiếc váy hoa, bố chồng một chiếc khố do cô dâu dệt. Những người khác trong dòng họ lần lượt lên trao vòng cho cô dâu, chú rể; họ đút cho cô dâu, chú rể ăn và uống rượu như một cử chỉ để tỏ tấm lòng gần gũi, sẻ chia những đắng cay, ngọt bùi trong gia đình, dòng tộc. Sau mỗi cử chỉ như vậy, hai bên lại thấm nước miếng vào ngón tay và bôi lên trán nhau để xác nhận các mối quan hệ ràng buộc trong dòng tộc. Kể từ đây, cô dâu, chú rể phải biết nể trọng những người thân có vai vế lớn hơn mình và tuân thủ những điều cấm kỵ, được coi là xúc phạm tới họ theo luật tục của người Mnông.



Sau đó, họ cùng nhau đánh chiêng và ăn uống, họ mời nhau ăn gạo nếp rang giã nhuyễn với ý nguyện cầu cho sự ấm no đến với hai gia đình, dòng tộc. Nhà trai trao cho nhà gái mỗi người một nắm cơm nếp, nhà gái trao cho nhà trai mỗi người một miếng thịt, một ly rượu.

Sau khi ăn uống vui vẻ, hai bên gia đình ngồi lại giao ước với nhau trước sự chứng kiến của chủ hôn hai bên dòng họ và đại diện bà con. Họ sẽ bàn bạc xem chàng trai sẽ ở rể hay cô gái về nhà chồng. Các giao ước này được hai gia đình bẻ các que để ghi nhớ từng mục và đi đến thống nhất. Nếu chú rể rước dâu thì sẽ cột một ché rượu và nhà gái cử một đoàn đại diện để đưa cô dâu về nhà chồng. Lúc đó, cô dâu phải chuẩn bị cho bố mẹ, cô dì, chú bác, anh em bên chồng mỗi người một bộ trang phục, nếu không đủ quần áo thì có thể mang thêm tiền để biếu đủ họ hàng nhà chú rể.


Ngày nay, mặc dù ít nhiều chịu ảnh hưởng của lối sống hiện đại nhưng người M'nông Prâng vẫn luôn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình. Họ đã biết loại bỏ những thủ tục rườm rà và thay bằng những yếu tố tích cực phù hợp với xu thế hiện nay, chắt lọc, giữ gìn những tinh hoa văn hóa truyền thống.

Trần Hằng