VẺ ĐẸP MỘC MẠC CỦA NHỮNG CHIẾC GÙI TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Hình ảnh người phụ nữ với chiếc gùi trên vai đung đưa theo nhịp bước, khi lên rẫy, ra bến nước hay đi chợ,... luôn để lại ấn tượng đẹp với du khách khi đặt chân lên Cao nguyên Đắk Lắk.

Đối với người Êđê, Gia rai, Mnông, đan lát là công việc của nam giới, mỗi dịp nông nhàn, rảnh rỗi họ sẽ dành thời gian để tạo các vật dụng phục vụ đời sống và sản xuất. Từ những nguyên liệu gần gũi như: mây, tre, nứa, gỗ, qua bàn tay khéo léo, những sản phẩm tạo ra có sự chắc chắn, bền đẹp, mang đậm dấu ấn và tạo nên đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Đặc biệt là những chiếc gùi vừa mộc mạc, bình dị vừa tinh xảo, độc đáo, gắn liền với vẻ đẹp của các sơn nữ vùng cao nguyên.


Gùi có vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày, tùy thuộc vào kích thước, hình dáng của gùi mà mục đích và đối tượng sử dụng cũng khác nhau: gùi nhỏ cho trẻ em, gùi lớn cho người trưởng thành. Gùi dùng làm phương tiện vận chuyển: đựng rau, quả, củi… khi lên rừng; đựng thóc giống khi gieo hạt hay gùi thóc về nhà sau thu hoạch (gùi thu hoạch); đựng những bầu nước trong mát từ bến nước của buôn; cất giữ trang phục, trang sức hoặc vật quý (gùi có nắp). Ngoài ra, còn có chiếc gùi cao chân, khi dùng có thể giảm sức nặng vì không phải cúi, khom lưng hoặc khi đặt dưới ruộng hay đi qua suối giúp không bị ướt những đồ vật bên trong.



Với chiếc gùi trên vai, người phụ nữ có thể mang được rất nhiều đồ vật và rảnh đôi tay để làm những việc khác như thu hái, trỉa hạt,…





Gùi thu hoạch: Khi thu hoạch lúa rẫy, chiếc gùi đặt ở gần đường đi và dùng một chiếc gùi nhỏ khác để tuốt lúa. Khi đầy chiếc gùi nhỏ sẽ đem đến đổ vào chiếc gùi lớn. Với chiếc gùi này, mỗi lần có thể đựng được 50kg lúa tươi mang về nhà.




 Việc đan gùi là của đàn ông, nhưng sản phẩm tạo ra đa số là dành cho phụ nữ dùng. Khoảng 11 - 12 tuổi, các bé trai đã được ông hoặc cha dạy đan, từ đơn giản là làm những sợi dây đeo gùi bằng mây cho đến phức tạp dần. Để có những chiếc gùi vừa đẹp, vừa bền chắc, khoảng tháng 7 dương lịch hàng năm, đàn ông trong buôn dậy từ tờ mờ sáng lên núi chọn cây tre, nứa, lồ ô. Họ chọn những cây tre có độ tuổi từ ba năm trở lên và chỉ chặt vào những ngày cuối tháng bởi theo họ cây tre đầu tháng chứa nhiều nước nên khi phơi mất nhiều thời gian và dễ bị mọt. Đặc biệt tre phải thẳng đều và dài thì mới cho ra sợi nan suôn mượt.

Những vật liệu phục vụ quá trình đan lát sẽ được phơi nắng cho thật khô rồi gác dọc trên xà nhà để dành, khi cần mới lấy xuống cắt theo từng kích thước của dụng cụ, đem nhúng nước, chẻ ra rồi dùng.



Công đoạn vót, chẻ nan cũng mang yếu tố quyết định để hoàn thiện một sản phẩm đẹp. Chẻ nan mỏng hay dày là tuỳ thuộc vào sản phẩm sẽ được đan, chẻ xong thì phải chuốt nan sao cho nan phải có độ mềm, nhẵn và đều, để khi đan các nan khít vào nhau và không tạo ra kẽ hở.

Để gùi được làm bằng các loại gỗ mềm hoặc dùng bốn thanh tre già siết chặt ở bốn góc để tạo điểm tựa vững chãi, không bị đổ khi được thả xuống. Kỹ thuật đan chủ yếu là cài lóng mốt, đôi, ba hoặc cài nan hình lục giác kết hợp lối kết nan, quấn nan đầy sáng tạo.



Đan lát là một nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của các dân tộc tại chỗ cư trú lâu đời ở Đắk Lắk. Nhận thức tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của các dân tộc anh em, bên cạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống, không gian trưng bày Văn hoá dân tộc tại Bảo tàng Đắk Lắk với nhiều hiện vật đa dạng, phong phú, chắc chắn sẽ làm thỏa mãn nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước.



GD&TT