VÁY NỮ H’MÔNG HOA

Vào một ngày cuối năm 2014, Bảo tàng Đắk Lắk đã tiếp nhận hiện vật của bà Ma Thị Mải, dân tộc H’Mông Hoa ở xã Cư San, huyện M’Drắk. Đó là một chiếc váy may từ năm 1964, được chủ hiện vật rất trân trọng và cất giữ như một kỷ vật gợi nhớ về quê hương cũ.

Như bao cô gái H’Mông khác, từ nhỏ bà Mải đã được mẹ và bà ngoại dạy cho cách thêu thùa, dệt vải. Đến năm 10 tuổi, bà đã có thể tự may cho mình những trang phục ưng ý bởi đối với người H’Mông thì tài năng, vẻ đẹp của người phụ nữ được đánh giá qua khả năng thêu, dệt và may bộ trang phục cho bản thân, gia đình.


Chiếc váy từng là một phần của bộ trang phục gồm áo, yếm, xà cạp (đã bị rách) được bà may năm 15 tuổi - một năm trước khi lấy chồng và phải mất 02 tháng mới hoàn thiện xong. Lúc đầu chiếc váy may hoàn toàn bằng chất liệu và kỹ thuật truyền thống, đến năm 1982, do cạp váy bị rách, bà đã mua vải ở chợ về may và ghép nối lại với thân váy cũ.


Đối với bà Mải, chiếc váy lưu giữ những ký ức đẹp về quê hương, gia đình. Từ năm 1987, sau khi rời Chiến Phố, Hà Giang đến Đắk Lắk, bà không thường xuyên mặc nữa mà cất nó như một kỷ vật, chỉ thi thoảng cho thầy lang trong thôn mượn để chữa bệnh, việc chữa bệnh được kể lại như sau: Đầu tiên đắp chiếc váy lên người bệnh, sau đó đổ thuốc lên trên, thuốc sẽ ngấm qua lớp vải đi vào cơ thể, sau nhiều lần đắp thuốc người bệnh sẽ khỏi, vì lẽ đó bà Mải rất tự hào về chiếc váy này.


Váy nữ H’Mông Hoa


Trong những năm qua, việc đẩy mạnh sưu tầm văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn là mục tiêu hàng đầu của Bảo tàng Đắk Lắk, do đó số lượng hiện vật không ngừng gia tăng theo từng năm. Sự phong phú, đa dạng hiện vật là tiền đề quan trọng để đổi mới các trưng bày, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan./.

GD&TT