TRANG PHỤC CÁC DÂN TỘC MIỀN NÚI PHÍA BẮC TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Với diện tích 13.175km2 và dân số là 1.869.322 người (2019), Đắk Lắk là mái nhà chung của 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, bên cạnh 03 dân tộc tại chỗ (Ê đê, Gia rai và Mnông), còn có các dân tộc đến từ nhiều vùng khác nhau trên cả nước, trong đó một bộ phận không nhỏ cư dân nhập cư miền núi phía Bắc (Tày, Nùng, Thái,…) đã tạo nên bức tranh dân tộc độc đáo, đa sắc màu cho mảnh đất Cao nguyên Đắk Lắk.

Xa quê hương cũ để đến vùng đất mới lập nghiệp, bên cạnh việc cộng cư, hòa nhập với cư dân tại chỗ, các dân tộc nhập cư miền núi phía Bắc vẫn giữ gìn bản sắc riêng và trang phục của họ đã thể hiện điều đó.



Phụ nữ H’mông, Cư Drăm, Krông Bông


Nét độc đáo trong trang phục của các cư dân miền núi phía Bắc thể hiện kỹ thuật dệt vải, may thêu tài tình, qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ đã tạo nên những bộ trang phục độc đáo, mang đặc trưng riêng của mỗi dân tộc.

Trang phục phụ nữ Mường không rực rỡ về màu sắc nhưng bình dị kín đáo và không kém phần thanh lịch, duyên dáng. Bộ trang phục của bà Phạm Thị Tiến (xã Ea Pal, huyện Ea Kar), quê gốc ở xã Thủy Sơn, tỉnh Thanh Hóa thể hiện điều này: Chiếc áo màu hồng phấn nhẹ nhàng được may kiểu áo ống, thân ngắn, tay dài, gấu áo vát bầu, cổ dạng yếm viền bằng vải xanh, buộc dây ở phía sau, tay áo được may nối bằng những mũi khâu nhẹ nhàng, tinh tế.




Chiếc váy có màu chàm đen, phần thân váy may nối từ ba khổ vải cùng màu, để trơn không trang trí hoa văn, phần cạp váy may nối ba dải vải dệt hoa văn dày đặc có tên gọi là rang trên, rang dưới và rang cao. Rang trên trang trí hoa văn hình học với gam màu chủ đạo là màu đen, trắng. Rang dưới là bộ phận quan trọng nhất của cạp váy được dệt với hai gam màu chủ đạo là màu đỏ và vàng nổi trên nền đen với hoa văn hình động vật - là những con vật gắn bó, gần gũi với cuộc sống và các sự tích của người Mường. Ngoài ra ở phần này còn trang trí bằng nhiều màu sắc và các dải ngăn cách bằng hoa văn hình chong chóng, phần cuối cùng của cạp váy nối với thân váy gọi là rang cao, ở phần này trang trí một chuỗi những dải màu đứng thẳng, to nhỏ khác nhau, hoa văn hình học, hình cây lá cách điệu.

Cùng với đó là những chiếc áo dài trang nhã sử dụng trong những dịp lễ hội hay lễ cưới của người Mường.

Chiếc áo dài của bà Nguyễn Thị Hàn (Hòa Thắng, Buôn Ma Thuột) được may từ năm 1945 do cô Nguyễn Thị Nga –thợ may giỏi nhất vùng Hoà Bình lúc bấy giờ.



Áo cưới của cô dâu Mường

Trang phục của phụ nữ Tày tuy đơn giản nhưng cũng mang nét riêng biệt với màu chủ đạo là màu chàm, đi kèm là chiếc thắt lưng làm tăng thêm vẻ đẹp nữ tính của những người phụ nữ.


Không quá rực rỡ nhưng độc đáo, tinh xảo với nhiều hoa văn phong phú, đa dạng, thể hiện kỹ thuật: dệt, vẽ, thêu trên vải tài tình. Bộ trang phục của bà Bàn Thị Hoan, người Dao Tiền sử dụng trong các dịp lễ hội, đám cưới đã thể hiện sự cầu kỳ, tinh tế trong từng đường kim, mũi chỉ.

Được dệt may bằng vải sợi bông, kiểu áo dài bốn thân, hai thân trước để rời, nẹp bằng đường hoa văn từ cổ xuống hết chiều dài thân áo, phía sau gáy gắn 7 đồng bạc. Áo được trang trí hoa văn đa dạng, cầu kỳ, mang đặc trưng của người Dao Tiền. Ở lưng, vai, ống tay và dọc hai đường xẻ tà, gấu áo là các họa tiết như hình “chồng nhài, “tà ngao” màu trắng có móc cong cong và các hình đường diềm thẳng thêu hình con chó đơn, chó đôi, hình sáu chiếc thuyền,… Những chiếc cúc bằng đồng bạc lấp lánh, mỗi bên có năm chiếc tô điểm cho áo nữ Dao Tiền vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt. Váy dài quá đầu gối và có độ xòe khá rộng, hoa văn trang trí tinh xảo với kỹ thuật vẽ bằng sáp ong nóng chảy tạo ra các các họa tiết hình tròn, đường thẳng, ô vuông, … màu trắng hài hoà trên nền vải màu chàm. Bên cạnh đó còn có xà cạp, thắt lưng, khăn đội đầu và trang sức điểm tô cho bộ trang phục.



Phụ nữ Dao Tiền


Nhẹ nhàng và trang nhã, trang phục người Thái ấn tượng bởi sự mộc mạc, thanh thoát, gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Từ chiếc áo, váy đến chiếc khăn, thắt lưng, hàng cúc,.. đều thể hiện sự tỉ mẩn, hài hoà của bộ trang phục, tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ vùng cao.



Ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái H’mông đã được mẹ và bà ngoại dạy dệt vải và thêu thùa. Tài năng, vẻ đẹp của người phụ nữ được đánh giá qua khả năng thêu, dệt và may bộ trang phục. Trước khi làm dâu, cô gái bao giờ cũng có vài bộ váy áo làm của hồi môn, để tặng nhà chồng. Đối với bà Ma Thị Mải ở Cư San, huyện M’Drắk, chiếc váy bà tặng Bảo tàng Đắk Lắk là một phần của bộ trang phục (áo, yếm, xà cạp), được bà may năm 15 tuổi (1964) – một năm trước khi bà đi lấy chồng và phải mất 02 tháng mới hoàn thiện xong. 


Chiếc váy lưu giữ những ký ức đẹp về quê hương, do đó vào năm 1987, khi di cư vào Đắk Lắk bà mang theo và cất giữ như một kỷ vật chỉ thi thoảng cho thầy lang trong thôn mượn để chữa bệnh, việc chữa bệnh được kể lại như sau: Đầu tiên đắp chiếc váy lên người bệnh, sau đó đổ thuốc lên trên, thuốc sẽ ngấm qua lớp vải đi vào cơ thể người bệnh, sau nhiều lần đắp thuốc người bệnh sẽ khỏi. Đó là lý do mà bà thường nói vui rằng chiếc váy của mình có tác dụng chữa bệnh.


Đơn giản và mang tính ứng dụng cao, trang phục nữ Nùng Phàn Slình của chị Giàng Thị Sung, xã Cư San, huyện M’Drắk là của hồi môn chị làm để đi lấy chồng năm 1985. Chiếc áo xẻ tà, dạng lai bầu, phần thân được may rộng giúp người mặc cử động thoải mái, ở vị trí xẻ tà người ta may đính tua chỉ màu tím, xanh vừa có tác dụng cố định vừa tăng tính thẩm mỹ cho chiếc áo. Quần may kiểu chân què cạp lá tọa, đũng quần có độ doãng lớn, thuận tiện khi di chuyển ở những địa hình đồi dốc.



Trang phục không chỉ tôn lên vẻ đẹp con người mà còn là là một trong những đặc điểm nhận diện của các dân tộc, thông qua trang phục, người ta có thể phân biệt được tộc người này với tộc người khác, phát hiện những điểm tương đồng, dị biệt cũng như sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người. Tại không gian trưng bày văn hoá dân tộc của Bảo tàng Đắk Lắk, bên cạnh trang phục của các cư dân tại chỗ, phần trưng bày giới thiệu trang phục của các dân tộc nhập cư cũng là một điểm nhấn thu hút du khách khi đến tham quan, tìm hiểu. Trong thời gian tới, Bảo tàng Đắk Lắk sẽ tăng cường công tác sưu tầm để bổ sung, hoàn thiện bộ sưu tập trang phục các dân tộc ở Đắk Lắk, phục vụ cho công tác nghiên cứu và trưng bày.


GDTT