“TẾT TRONG TÙ” CỦA TÙ CHÍNH TRỊ NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT

Trong những năm tháng bị giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, các chiến sĩ cách mạng luôn canh cánh trong lòng nỗi nhớ quê hương. Nỗi nhớ đó càng da diết mỗi khi Tết đến Xuân về, họ chỉ biết nhìn qua song sắt nhớ về quê, nơi có người thân, cha mẹ, anh em, vợ con đang trông ngóng. Để xua đi những nỗi buồn, nhớ thương, các đồng chí đã tổ chức làm thơ để tạo không khí vui tươi, chào mừng năm mới cũng như mơ ước về một ngày mai tươi sáng.

Với âm mưu đày biệt xứ và thủ tiêu tù chính trị bằng mọi cách, thực dân Pháp đưa các chiến sĩ cách mạng từ các tỉnh miền Trung lên Nhà đày Buôn Ma Thuột. Về thể xác: những người tù chính trị phải lao động nặng nề, ăn uống kham khổ, với đòn roi tra tấn, ốm đau bệnh tật. Về tinh thần, chế độ nhà tù thực dân đã tước đoạt hết sinh hoạt tư duy, cách ly khỏi gia đình xã hội, vô hiệu hóa mọi khả năng có thể, âm mưu đẩy người tù vào cảnh trí cùng lực kiệt.




Khu vực Nhà lao tập thể và Bàn giấy tại Nhà đày Buôn Ma Thuột


Nhưng những âm mưu của kẻ thù không thể khuất phục được các chiến sĩ cộng sản, họ không ngại khó khăn, gian khổ đã đoàn kết, đứng lên đấu tranh biến Nhà đày Buôn Ma Thuột thành nơi “lửa thử vàng, gian nan thử sức” và với tinh thần “Biến nhà tù thực dân đế quốc thành trường học cách mạng”, các đồng chí đã ra sức học tập, trau dồi kiến thức về chính trị, văn hóa, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ; đặc biệt, các đồng chí còn làm thơ để nêu cao tinh thần chiến đấu và cổ vũ, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn.



Tập thơ Niềm tin và Khát vọng


Trong cuốn nhật ký “Dưới gốc cây Tùng” của đồng chí Lương Hồng Minh đã kể lại không khí đón Tết trong Nhà đày Buôn Ma Thuột của các chiến sĩ cách mạng như sau:

         

“Nhân ngày Tết Nguyên đán, chúng cho anh em nghỉ, nhưng không tổ chức cho anh em ăn Tết. Anh em ở lao cầm cố, chúng tôi nghĩ cách “Làm thơ thay ăn Tết” để khuây khỏa. Đề tài thì tự do nhưng hạn vần: Tù, thu xu, lu bù. Anh em rất hăng hái và đã có nhiều bài thơ được anh em làm. Tôi nhớ có đồng chí chỉ sau 15 phút đã sáng tác được bài thơ với nội dung khá dí dỏm như sau:


Yêu nước nên bị tù

Một ngày bằng ngàn thu

Tết ở ngoài lắm thú

Tết trong tù không xu

Cảm thương người vợ trẻ

Nhớ chồng khóc bù lu

Ai về nhờ nhắn hộ

Ra tù sẽ đền bù.

        

Đồng chí Nguyến Duy Trinh cũng làm một bài thơ và được anh em đánh giá cao, bài thơ đó như sau:


Sá chi cảnh ở tù

Tuổi tác chửa bao thu

Cửa cường quyền lắm lớp

Bạn vô sản không xu

Đất đầy tuồng tội ác

Trời thảm bóng dương lu

Ra tù xoay chuyển lại

Kết quả ấy đền bù.”



Hồi ký “Dưới bóng cây Tùng”

         

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những chiến sĩ cộng sản cũng vượt lên khó khăn, thử thách bằng một ý chí, nghị lực phi thường, một tinh thần thép đáng trân trọng; họ đã dùng những vần thơ để tạo lên không khí vui tươi, phấn khởi, tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ tinh thần đấu tranh và mong muốn một ngày phá bỏ xiềng xích, thoát khỏi tù đày, tiếp tục hoạt động cách mạng để giải phóng dân tộc, để Nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no hạnh phúc.



Thu Hương