NHỮNG HIỆN VẬT THỂ HIỆN TÌNH CẢM CỦA NHÂN DÂN ĐẮK LẮK TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

Hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bảo tàng Đắk Lắk giới thiệu một số hiện vật của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Gùi tiếp vận: Hình ảnh người phụ nữ Ê đê, Mnông, Gia rai với chiếc gùi trên vai từ lâu đã là một hình ảnh đẹp đi vào thi ca. Trong chiến tranh, những chiếc gùi bình dị ấy là phương tiện vận chuyển hữu dụng của đồng bào các dân tộc nơi đây.


Chiếc gùi của bà Aduôn Čuên ở xã Pơng Drang, huyện Krông Buk: dùng để tiếp tế muối, gạo, giấy bút, quần áo cho cán bộ cách mạng từ ấp Kli B ra rừng phía Bắc buôn Tơng Mang. Thời kỳ địch phong tỏa, kiểm soát gắt gao, bà Aduôn Čuên vẫn tìm mọi cách đưa muối, gạo ra ngoài rừng cho cán bộ. Để che mắt địch, bà đã làm chiếc gùi hai đáy cho gạo muối vào trong để địch không phát hiện.


Gùi của bà H’Wăng Niê Fiăt ở xã Cư Pơng, huyện Krông Buk: Trong kháng chiến, bà đã vận động chị em trong buôn quyên góp thóc gạo cất giấu bí mật, sau đó lợi dụng lúc đêm tối hay mưa gió, không có địch càn quét, kiểm soát, gùi gạo mang vào rừng tiếp tế cho cán bộ cách mạng hoạt động tại khu căn cứ H5.


Cứng cáp và chắc chắn là chiếc gùi của ông Mono Dôn ở Đắk Liêng, huyện Lắk được sử dụng để vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí nuôi quân giết giặc trong giai đoạn những năm 1970 - 1975 ở vùng căn cứ.


Bầu tiếp tế: Nhỏ nhắn, đơn sơ và mộc mạc, những chiếc bầu tiếp tế đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc là trao gửi tình cảm của nhân dân với cách mạng. Trong những thời khắc khó khăn, đời sống vô cùng khổ cực, người dân vẫn bớt phần gạo ít ỏi hàng ngày của mình bỏ vào quả bầu, góp phần nuôi dấu cán bộ.


Vỏ bầu của bà H’Nếp Niê Nra, huyện Buôn Đôn: dùng tiếp tế lương thực cho các đồng chí cán bộ hoạt động ở trong rừng. Qua lời kể của chủ hiện vật: Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà cùng với hai người chị trong buôn là H’Vĭt Niê và H’Met Rad bí mật không cho buôn làng, bố mẹ, anh chị em ruột biết việc làm của mình. Ba chị em thay nhau đưa cơm cho cán bộ, lúc đi đưa phải dùng mật hiệu như: “có ăn trầu không?”, “có đi tắm không?”,…, nếu chỗ cất cơm bị lộ thì lấy 1 cành cây to làm tín hiệu cho các đồng chí cán bộ biết. Chính nhờ sự mưu trí của ba chị em nên địch không phát hiện được chỗ ở của các cán bộ hoạt động bí mật lúc bấy giờ.


Bầu tiếp tế của bà H’Lier Mlô, xã Cư Mta, huyện M’Đrắk: từ năm 1968 đến năm 1972, mỗi lần nấu cơm bà lại bớt một nắm gạo cho vào quả bầu để ủng hộ cách mạng, có những lúc bà đã dùng bầu để đựng nước vào căn cứ.


Vỏ bầu của bà H' Čen Kbuôl ở xã Cư Pơng, huyện Krông Buk: Dùng để tiếp tế gạo, thuốc, muối trong kháng chiến chống Mỹ. Sau phong trào Đồng Khởi (1960 – 1961), địch tăng cường khủng bố, kiểm soát gắt gao, chúng dồn ép dân, không cho một người nào ra khỏi buôn, xung quanh buôn là dây thép gai bao bọc nhưng chị H' Čễn Kbuôl vẫn mưu trí bằng mọi cách mang gạo, thuốc, muối, tiếp tế cho cán bộ nằm vùng. Quả bầu chủ yếu dùng để đựng gạo tiếp tế, sau khi cho gạo vào trong thì đổ nước đầy bầu, gạo chìm xuống đáy bầu, nước ở trên nên địch không phát hiện được. Trong khoảng thời gian hoạt động chị đã tiếp tế được 20 lần cho các đồng chí ở hậu cứ như: Ama Đạt, Ama Chứ, Ama Kim, Ama Pui và nhiều đồng chí khác.


Ống tre tiếp tế: Được làm từ nguyên liệu gần gũi, mộc mạc, đơn sơ, những ống tre đựng muối đã cùng đồng bào các dân tộc Đắk Lắk tiếp tế cho cách mạng một cách bí mật, kín đáo.


Ống tre của bà H'Nia KSơr ở xã Cư Mta, huyện M'Đrắk: dùng để đựng nước, muối, gạo và thức ăn cho cán bộ, đặc biệt ống tre còn được dùng để đựng tài liệu và các khẩu hiệu tuyên truyền vận động nhân dân ủng hộ cách mạng thời kỳ 1960-1975.


ng đựng muối của Aduôn Bưr, ở xã Ea Đrông, huyện Krông Buk gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của người phụ nữ Ê đê gan dạ, mưu trí. Trong thời kỳ khó khăn, thiếu thốn về lương thực, thực phẩm, đói cơm, thiếu muối, có những lúc đốt cỏ tranh lấy tro ăn thay muối nhưng Amĭ vẫn tìm đủ mọi cách để tiếp tế muối cho cách mạng, để vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, Amĭ đã giả vờ mang gùi lên rẫy, có khi thì giấu ống muối trong bụng để đưa vào rừng tiếp tế cho cán bộ.


Trong những ngày tháng chiến tranh khắc nghiệt chống lại đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã đồng cam, cộng khổ, chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn, luôn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, đồng bào thà đói cơm, lạt muối chứ nhất quyết không đầu hàng, không hợp tác với giặc. Không chỉ đóng góp sức người, sức của mà còn cầm súng tham gia chiến đấu và trong những thời khắc khó khăn, người dân lại bao bọc, chở che, nuôi dấu cán bộ cách mạng. Tình cảm ấy đã tạo nên sức mạnh để chiến thắng, là sự kết hợp tuyệt vời giữa ý Đảng và lòng dân.

GD&TT