KHU CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN TỈNH ĐẮK LẮK (1965 - 1975)

Để thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn tỉnh Đắk Lắk, tháng 10 năm 1965 Khu ủy Khu V quyết định hợp nhất B3, B5 lại thành tỉnh Đắk Lắk. Sau khi hợp nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định chuyển Cơ quan Tỉnh ủy cùng tất cả các cơ quan, ban ngành và lực lượng vũ trang của tỉnh từ Khu căn cứ kháng chiến Čư Jǔ – Dliê Ya (cánh Bắc) vào cánh Nam (Nam đường 21) để trực tiếp chỉ đạo triển khai kế hoạch chống địch càn quét, bảo vệ, xây dựng vùng mới giải phóng cánh Nam thành căn cứ cách mạng vững chắc, hoàn chỉnh của tỉnh Đắk Lắk.

Từ năm 1965 - 1975, Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) nằm tại sườn núi Čư Yang Sin đã trở thành căn cứ địa cách mạng của tỉnh Đắk Lắk và đóng vai trò là căn cứ địa cách mạng, trung tâm đầu não của tỉnh, đã đi vào lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk như một dấu son chói lọi, phản ánh trung thực sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, trực tiếp là Tỉnh ủy Đắk Lắk đối với các lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk anh hùng.


Đây là nơi đứng chân của Cơ quan Tỉnh ủy, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, là đầu mối của nhiều tuyến hành lang trọng yếu thuộc đường hành lang chiến lược Bắc – Nam, Đông – Tây đảm bảo cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với chiến trường miền Nam kịp thời; Đồng thời, đảm bảo sự chi viện sức người, sức của và các phương tiện chiến tranh cho chiến trường miền Nam.


Khu căn cứ từng là nơi làm việc của các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy như: Đồng chí Nguyễn Liên (tức Bốn Đạo) hay còn gọi là Nguyễn Xuân Nguyên (Mười Nguyên); đồng chí Võ Thành Trung (Năm Vinh), đồng chí Huỳnh Văn Cần. Các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy: Đồng chí Rơ Chăm Thép (Ama Quang), đồng chí Lê Chí Quyết (Hồ Miên), đồng chí Siu Pui (Ama Thương) và đồng chí Y Blôk Êban. Ngoài ra, nơi đây còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc của huyện Krông Bông (H9 xưa) và tỉnh Đắk Lắk cũng đã từng làm việc, bảo vệ và chiến đấu.


Trong thời kỳ chống “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy Đắk Lắk đóng tại Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975), quân dân toàn tỉnh Đắk Lắk đã vượt qua nhiều gian khổ ác liệt, giữ vững thế chủ động tấn công địch. Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân, cùng với những đòn tấn công mạnh mẽ, liên tục, chiếm lĩnh nhiều mục tiêu, bám trụ nhiều ngày. Quân dân Khu căn cứ và các huyện, thị xã tỉnh Đắk Lắk đã giáng một đòn mạnh mẽ vào chế độ Mỹ - Ngụy, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, đưa phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới: Giai đoạn các lực lượng vũ trang chủ động tiến công địch trên khắp các chiến trường.


Từ năm 1969 đến năm 1972, quân và dân vùng căn cứ kháng chiến đã anh dũng, kiên cường đấu tranh, bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ, góp phần quan trọng đánh thắng “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, Ngụy.


Thời kỳ 1973 - 1975, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, quân dân Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) đã chuẩn bị và cung cấp sức người, sức của cho chiến trường, đóng góp những thành tựu to lớn vào chiến công chung của tỉnh, làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất nước nhà.


Đặc biệt, Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) còn là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (7/1966); Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (4/1969) và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (10/1971).


Trải qua những thử thách cam go, ác liệt, đối mặt với những âm mưu, thủ đoạn đánh phá của Mỹ - Ngụy, các cán bộ, chiến sỹ, nhân dân các dân tộc ở Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) không những bám trụ được mà còn anh dũng kiên cường xây dựng, bảo vệ căn cứ kháng chiến, giành dân, mở rộng vùng giải phóng. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất nước nhà.


Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) vẫn mãi là dấu ấn lịch sử quan trọng, chứa đựng trong đó là truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc Đắk Lắk. Đặc biệt là dân tộc M’nông, Êđê ở vùng căn cứ kháng chiến đối với Đảng, với cách mạng không gì lay chuyển nổi.


Hơn nữa, đây là một quần thể di tích có giá trị về văn hoá, lịch sử, khoa học, nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị của di tích, nhằm góp phần giáo dục về ý chí quật cường, tinh thần cách mạng cao cả, truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.


Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa và cách mạng đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; kinh tế của địa phương đã có những bước phát triển vượt bậc, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.


Việc xếp hạng và tôn vinh giá trị di tích quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) hôm nay tiếp tục là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk quyết tâm hơn nữa, để phấn đấu làm cho văn hóa Đắk Lắk ngày càng tỏa sáng, con người Đắk Lắk ngày càng văn minh, quê hương Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp.




Đoàn khảo sát Khu căn cứ kháng chiến, năm 2016


Địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III



Địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ V


Hà Phương