NHỮNG HIỆN VẬT MỘC MẠC MANG BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA NGƯỜI MƯỜNG TRÊN CAO NGUYÊN ĐẮK LẮK

Người Mường di cư đến Đắk Lắk từ sau năm 1954, theo số liệu thống kê năm 2019, ở Đắk Lắk có 15.656 người Mường, sinh sống chủ yếu ở các huyện Ea H’leo, Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Năng, Ea Kar, thành phố Buôn Ma Thuột.

Xa quê hương đến vùng đất mới, người Mường định cư làm nông nghiệp lúa nước, canh tác các loại cây công nghiệp như: cà phê, tiêu, cao su. Trải qua quá trình thích nghi, giao lưu, tiếp biến với văn hoá của các dân tộc anh em, người Mường vẫn bảo lưu nhiều nét văn hoá truyền thống, mang đặc trưng riêng, đậm đà bản sắc dân tộc trong mái nhà chung Đắk Lắk.

Tại Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang trưng bày và lưu giữ khá nhiều hiện vật của người Mường, phía sau những hiện vật đã phủ màu thời gian là câu chuyện gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người Mường trên Cao nguyên Đắk Lắk.


Không cầu kỳ, nhiều màu sắc, trang phục của người Mường mang đặc trưng về cách tạo hình và phong cách thẩm mỹ. Chính điều đó tạo cho phụ nữ Mường nét duyên dáng riêng khi khoác trên mình trang phục truyền thống của dân tộc. Hoa văn trang trí phân bố ở phần cạp váy, đó là những hình cách điệu từ hoa dẻ, hoa hồi, hạt gấc, quả trám, hình học... thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan về con người, vũ trụ và tình yêu thiên nhiên, sự gắn bó, hài hòa với núi rừng của họ.




Ngày nay, người Mường vẫn tổ chức những nghi lễ truyền thống như Lễ Mừng cơm mới, Lễ khai hạ,… Trong dịp lễ hội, các đội chiêng hay những người phụ nữ lớn tuổi vẫn thường mặc trang phục truyền thống. Ở một số nơi, chúng ta sẽ thấy một chút thay đổi về hoa văn trên trang phục: phần cạp váy không trang trí hoa văn Mường mà là hoa văn của người Êđê. Cũng không có gì ngạc nhiên, bởi đến vùng đất mới, họ cùng chung tay với những người dân tại chỗ xây dựng quê hương, họ lấy nhau, sinh con đẻ cái, họ yêu văn hoá của nhau và đặt những người Êđê láng giềng những tấm thổ cẩm đẹp để trang trí cho bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, đây chính là nét đẹp thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trên vùng đất cao nguyên.

Cùng với trang phục là hai chiếc gối kê tay được trưng bày tại không gian trưng bày các dân tộc phía Bắc. Trước đây, khi đi lấy chồng người con gái Mường phải chuẩn bị các đôi gối, đây là vật dụng không thể thiếu, có giá trị như của hồi môn. Các gia đình nghèo nhất cũng phải có một hoặc hai đôi, còn các gia đình giàu có thì chuẩn bị sáu đến bảy đôi hoặc nhiều hơn nữa.

Khi rước dâu, chúng được mang theo cùng với quần áo của cô dâu. Về đến nhà trai, các đôi gối sẽ được xếp lên bàn thờ để làm lễ nhập vào nhà chồng. Khi lễ thành hôn kết thúc, chú rể sẽ lấy các đôi gối trên bàn thờ xuống, chiếc gối thứ nhất tặng cho bà mối, những chiếc còn lại lần lượt tặng các thành viên trong gia đình họ nhà trai từ bố, mẹ cho đến các anh chị em ruột, nếu còn dư thì mới thì tặng cho cô, chú và những người khác (mỗi người một cái).


Theo thời gian, hiện vật đã cũ và bạc màu nhưng cũng giúp chúng ta thấy được sự khéo léo, tỉ mỉ của người phụ nữ, cũng như những vật dụng gắn liền với các nghi thức trong lễ cưới của người Mường xưa kia.


Trước đây, bất kỳ gia đình nào cũng có một vài đôi sọt để đựng đồ đám cưới hay đi nương rẫy, họ vào rừng chặt tre về chẻ nan và đan sẵn các đôi sọt để trong nhà. Đôi sọt đựng đồ đám cưới là hiện vật ý nghĩa của người Mường, bất kể gia đình nghèo hay giàu đều phải có đôi sọt để gánh trầu cau, rượu chè đi trước, mang lễ vật của nhà trai đến để đặt lên bàn thờ, tiếp đến là những đồ thách cưới: với những gia đình giàu có thì có thể đòi tới 100 - 150 cái bánh chưng, còn gia đình nghèo cũng phải có từ 50 - 60 cái, số bánh trên được xếp vào các đôi sọt, khi sắp xếp phải có hai chiếc bánh to, gói đẹp, nhiều nhân (gọi là bánh đầu lót miệng), đặt ở phía trên cùng như một cái nắp đậy vừa khít miệng sọt, bánh này chỉ cắt để mời khách quý hoặc người có chức quyền trong dòng họ thưởng thức.



Đơn giản và mộc mạc, những hiện vật của người Mường bình dị, gần gũi, mang vẻ đẹp của cuộc sống, thể hiện nét văn hoá đặc sắc của những cư dân miền núi phía Bắc. Bảo tàng Đắk Lắk luôn là là địa chỉ tin cậy lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những hiện vật độc đáo của các dân tộc anh em trên cao nguyên Đắk Lắk.

GDTT