NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CỦA PHỤ NỮ DAO ĐỎ Ở ĐẮK LẮK

Người Dao là một trong những dân tộc thiểu số có số lượng người đông nhất ở Việt Nam, bao gồm nhiều nhóm như: Dao quần trắng, Dao quần chẹt, Dao tiền, Dao Thanh y, Dao đỏ, Mán, Trại, Xá,.. Họ sinh sống ở nhiều vùng miền trên cả nước, trong đó có Đắk Lắk, tập trung ở các huyện Krông Bông, M’Đrắk, Ea Súp.

Phụ nữ dân tộc Dao đỏ rất coi trọng trang phục. Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ thường được may bằng vải lanh đã qua nhuộm chàm, rất công phu, tỉ mẩn, thể hiện khả năng thẩm mỹ, sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ, mang những nét riêng trong cách bài trí, không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào, luôn để lại ấn tượng cho bất cứ ai nhìn thấy dù chỉ một lần.



Phụ nữ Dao đỏ ở xã Cư Kbang, Ea Súp trong trang phục truyền thống

 

Một bộ trang phục của phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức đi kèm. Chiếc áo là điểm nhấn và là phần quan trọng nhất của bộ trang phục. Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người. Vì vậy, màu đỏ là gam màu chủ đạo trên trang phục, thể hiện qua các họa tiết trang trí màu đỏ trên cổ, ngực, tay áo hay xà cạp, đặc biệt là dải bông len màu đỏ rực rỡ treo trước ngực. Họa tiết thêu trên áo rất phong phú, bao gồm hoa lá, cỏ cây, rừng núi, các loài động vật. Ngoài ra, còn có những chiếc áo được chắp ghép những mảnh trang sức bằng bạc.


Khăn đội đầu được trang trí bằng nhiều họa tiết như cây vạn hoa, hình cách đoạn, hình vết hổ... Khi đội lên đầu, các hoa văn, họa tiết sẽ phô ra ngoài, làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn.



Khăn đội đầu là một trong những điểm không thể thiếu của phụ nữ Dao đỏ

 

Cùng với trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, phụ nữ Dao đỏ còn có những bộ trang sức rất độc đáo, góp phần làm phong phú, tôn lên vẻ đẹp cho trang phục dân tộc mình như: khuyên tai, cúc áo, vòng cổ, vòng đeo tay,…




Khuyên tai và Vòng cổ của phụ nữ Dao đỏ trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk


Trang phục góp phần thể hiện tính thẩm mỹ, tín ngưỡng và tâm linh, là cách nhận biết giữa dân tộc này với dân tộc khác. Phụ nữ Dao đỏ ở Đắk Lắk thường không tự tay làm trang phục truyền thống mà có được qua mua bán trao đổi từ miền Bắc. Do vậy, công tác tuyên truyền giúp thế hệ trẻ và người dân tự hào duy trì và bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc mình là rất quan trọng.


Mạnh Cường