NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, ĐỔI MỚI HÌNH THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BẢO TÀNG TỈNH ĐẮK LẮK, ĐỂ THU HÚT KHÁCH THAM QUAN VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 2475/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức hoạt động của Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, để thu hút khách tham quan và phát triển du lịch.

Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk là một điểm sáng trong việc tổ chức và hoạt động hiệu quả về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc cũng như phục vụ khách tham quan, được các nhà chuyên môn, công chúng đánh giá cao, đã đạt được quy chuẩn bảo tàng học hiện đại. Tuy nhiên, sau hơn 40 năm hoạt động, Bảo tàng tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn tư liệu, hình ảnh, hiện vật; thiếu các hoạt động dịch vụ đi kèm để phục vụ khách nên lượng khách đến với Bảo tàng tỉnh chưa nhiều. Vì vậy, việc xây dựng Đề án nhằm góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung là nhiệm vụ cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, UBND tỉnh Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh, UBND thành phố Buôn Ma Thuột và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án. Đề án cũng đã đưa ra mục tiêu tổng quát là đổi mới hình thức hoạt động để Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk phát triển toàn diện, trở thành thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng, cùng cộng đồng chung tay, góp sức vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, hoạt động theo hướng “bảo tàng động”; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động của Bảo tàng, để xứng tầm với Bảo tàng hạng I Quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng; phấn đấu phát triển thành Bảo tàng Tây Nguyên vào năm 2025 và tự chủ một phần ba (1/3) nguồn kinh phí hoạt động vào năm 2030. Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án nhằm giữ vững Bảo tàng hạng I Quốc gia đã được xếp hạng; đảm bảo các điều kiện để tổ chức hoặc đăng cai tổ chức các hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế; Tập trung nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung hiện vật tại tỉnh và khu vực Tây Nguyên để phấn đấu phát triển thành Bảo tàng Tây Nguyên vào năm 2025. Ngoài ra, đầu tư, xây dựng, cải tạo nâng cấp các hạng mục công trình nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ: Sa bàn Chiến thắng Buôn Ma Thuột (theo công nghệ hiện đại); Khu trưng bày và trải nghiệm ngoài trời; Mở rộng căn tin bổ sung dịch vụ ẩm thực Tây Nguyên; cửa hàng lưu niệm phục vụ khách tham quan…; Sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo quản lý, nhân viên phù hợp với trình độ chung trong nước và quốc tế. Cũng theo mục tiêu của Đề án, phấn đấu đến năm 2025, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk sẽ đón tiếp và phục vụ gần 250.000 lượt khách tham quan.

Đề án được phê duyệt là điều kiện thuận lợi để Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk chủ động triển khai thực hiện các nội dung nhằm đổi mới hoạt động cũng như nâng cao chất lượng phục vụ du khách đến tham quan góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung./.



Khuôn viên Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk


Khách tham quan trưng bày Văn hóa Dân tộc


Khách tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng


Chương trình giành cho thiếu nhi

Phòng Truyền thông