MỘT SỐ HIỆN VẬT CỦA NGƯỜI LÍNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

Hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020), Bảo tàng Đắk Lắk giới thiệu một số hiện vật gắn liền với người lính trong chiến tranh. Trải qua mưa bom bão đạn của kẻ thù, có những hiện vật còn nguyên vẹn nhưng cũng có hiện vật đã bị rách, sờn, cũ, chứng tích chiến công hay những lần bị thương trên chiến trường.

Ba lô và ngôi sao trên mũ: Do ông Trần Văn Thắng, một thương binh ở phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột trao tặng cho Bảo tàng Đắk Lắk lưu giữ ngày 10/7/2014.


Qua hồi ức của chủ hiện vật: Năm 1974, ông được quân nhu cấp quân trang, quân phục để chuẩn bị cho cuộc hành quân chiến đấu ở tuyến đường 21. Chiếc ba lô luôn đồng hành với người chiến sỹ trong những ngày chiến đấu ác liệt, các vết rách và thủng trên ba lô là chứng tích của những lần bị thương trên chiến trường.


Mỗi khi hành quân chiến đấu, ông đều gỡ ngôi sao ra khỏi mũ, gói vào mảnh vải và cất giữ cẩn thận trong một ngăn nhỏ của ba lô, do đó khi chiếc mũ bị hư thì ngôi sao vẫn còn nguyên vẹn.


Hòa bình lập lại, người thương binh cất giữ những kỷ vật một cách trân trọng để nhớ về một thời chiến tranh ác liệt, cùng đồng đội vào sinh ra tử. Trong cảm nhận của ông: ngôi sao ngày xưa phát ra ánh sáng – sáng mãi, không phai, đẹp hơn ngôi sao trên mũ bây giờ. Điều này có lẽ xuất phát từ tình yêu lý tưởng, niềm tự hào của người lính – bộ đội cụ Hồ được chiến đấu cho Tổ quốc, cho nhân dân mà người chiến sỹ mới có những cảm nhận tinh tế và tuyệt vời như vậy.



Hiện vật của ông Trần Văn Thắng, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột


Những hiện vật của chiến sỹ quân y ở Bệnh xá H4: Trong chiến tranh, dù ở vị trí nào người chiến sỹ cũng ở tư thế sẵn sàng chiến đấu hoặc sẵn sàng di chuyển do vậy bên trong ba lô luôn có những vật dụng để chuẩn bị lên đường. Chiếc ba lô của bà Trần Thị Thanh Hường - cựu chiến sỹ quân y tại phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột cũng vậy, bên cạnh những vật dụng như: ruột nghé (ruột tượng) đựng gạo, ống đựng lương khô, chén, thìa, hộp đựng kim châm cứu,... thì còn có những kỷ vật gắn liền với các đồng chí thương, bệnh binh tại Bệnh xá H4 (nằm sâu trong rừng ở vùng Krông Năng, Krông Buk, Buôn Hồ).


Nhìn những kỷ vật cũ, người chiến sỹ quân y bồi hồi nhớ lại ngày tháng chiến tranh ác liệt: Vào năm 1968, một tiểu đội lính Trường Sơn hành quân từ miền Bắc vào, trên đường đi bị máy bay địch phát hiện, thả bom napan khiến nhiều chiến sỹ bị thương và được đưa vào Bệnh xá H4. Trong số đó có một đồng chí tên Lộc (người ở Thanh Hóa) bị thương rất nặng: Toàn thân bị cháy, bỏng do vậy được các y tá chăm sóc đặc biệt, hàng ngày lau, rửa vết thương sát trùng,... Sau một tháng, đồng chí Lộc bắt đầu hồi phục. Vốn là người khéo tay, hàng ngày anh gò, đẽo những mảnh bom napan để tạo ra các vật dụng như dao, lược, thìa, ... đem tặng cho tất cả những người trong bệnh xá. Bà Hường được đồng chí Lộc tặng cho ba vật dụng (thìa, muôi múc canh, dao), trong đó có một chiếc thìa được chạm khắc rất đẹp, mỗi khi hành quân bà thường mang những vật dụng này ra dùng và trân trọng như những kỷ vật thiêng liêng thắm tình đồng đội, đồng chí.


Một số vật dụng người chiến sỹ quân y mang theo khi hành quân


Vật dụng do thương binh chế tác để làm quà tặng cho chiến sỹ quân y


Trong không khí cả nước hướng đến kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020), tưởng nhớ và tri ân các thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. Bảo tàng Đắk Lắk mong muốn sẽ là cầu nối tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng hào hùng và oanh liệt của các thế hệ cha anh./.

GD&TT