GÙI GÓP GẠO TRONG TANG MA CỦA NGƯỜI M'NÔNG

Gùi là một trong những vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt, lao động sản xuất của các dân tộc thiểu số Đắk Lắk nói chung, người M’nông ở huyện Lắk nói riêng.

Đến với các buôn làng người M’nông ở huyện Lắk, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ, các cô gái trẻ, kể cả những em nhỏ đeo gùi trên lưng đi nương rẫy, xuống suối lấy nước uống cho gia đình. Từ đôi bàn tay khéo léo của mình, người đàn ông làm ra nhiều chiếc gùi có kích cỡ, kiểu dáng khác nhau, được trang trí hài hòa. Tùy vào nhu cầu sử dụng, gùi có tác dụng khác nhau: gùi dành để đi nương, rẫy; gùi để các vật dụng có giá trị trong nhà; gùi để trang trí, làm đẹp thêm cho nội thất trong nhà; đặc biệt, gùi dành cho tang ma.



Gùi được sử dụng trong tang ma của người M’nông là loại gùi được đan nhỏ hơn so với các loại gùi khác, cao từ 17 cm đến 27 cm, được đan theo kỹ thuật đan lóng đôi, nan xéo, tạo dạng hình trụ tròn, đáy vuông, vành miệng cạp bằng tre và quấn buộc bằng dây mây. Gùi có hai quai đeo, được tết bằng mây và luồn từ đáy lên bên trong vành miệng, đáy bắt hai thanh tre chéo nhau tạo chữ X, gùi từ màu trắng ngà đã chuyển thành màu đen của bồ hóng do trải qua thời gian sử dụng và bảo quản trên gác bếp.


Gùi của bà H’Dluông Du sử dụng để đi tang ma ở Buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk


Trong tang ma, gùi được dân làng sử dụng để đựng gạo góp cho gia đình có người mất, định mức gạo góp của mỗi gia đình được quy định bằng một gùi nhỏ. Như vậy, ngoài việc được sử dụng trong lao động hàng ngày, chiếc gùi còn trở thành nét đẹp trong đời sống văn hoá của người M’nông, thể hiện sự gắn kết, sẻ chia giữa các thành viên trong cộng đồng buôn làng.



Ngày nay, không chỉ các buôn làng người M’nông ở huyện Lắk, mà các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk vẫn duy trì nghề đan lát thủ công truyền thống. Họ tận dụng thời gian nhàn rỗi đi kiếm nguyên liệu về tự đan những vật dụng đơn giản. Sản phẩm đan lát không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn trở thành hàng hoá, trao đổi để lấy lương thực, thực phẩm, công cụ lao động và bán cho gia đình khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nguồn thu nhập từ nghề đan lát truyền thống không cao nhưng sự nỗ lực gìn giữ nghề của các bậc cao niên ở các buôn làng thật đáng trân trọng.




Phạm Hoài