ĐÔI NÉT VỀ CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC Ở BẢO TÀNG TỈNH ĐẮK LẮK

Khi nhắc đến bảo tàng người ta thường nghĩ ngay đến các hiện vật được lưu giữ và trưng bày trong đó. Với chức năng là cơ quan nghiên cứu khoa học, nơi lưu giữ và phát huy giá trị các di vật, cổ vật, văn hóa vật chất cũng như tinh thần có giá trị văn hóa, khoa học, lịch sử của địa phương.

Xác định những hiện vật đó là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa của các dân tộc, là chứng tích vật chất, tinh thần phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hóa, về cội nguồn và truyền thống đấu tranh gìn giữ đất nước của cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất Đắk Lắk nói riêng và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Đồng thời, đây cũng là một bộ phận cấu thành kho tàng văn hóa phong phú của các dân tộc Việt Nam. Những năm qua với sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể cũng từng bước được nhận diện và phát huy, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ lãnh đạo và nhân viên làm công tác bảo tồn bảo tàng.
Công tác bảo tồn Bảo tồn văn hóa vật thể 
Tính đến nay, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã sưu tầm và nhập kho bảo quản nhiều hiện vật, gồm: Hiện vật khảo cổ học, đa dạng sinh học, hiện vật thời kỳ kháng chiến, hiện vật thời kỳ bao cấp và đặc biệt là hiện vật văn hóa các dân tộc, như: Êđê, M’nông, Gia Rai, Xê Đăng, Vân Kiều, Tày, Nùng, H’mông...với các sưu tập như: Sưu tập chiêng, ché, dụng cụ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, trống da trâu, ghế Kpan, thuyền độc mộc, nồi đồng, các loại nhạc cụ bằng tre nứa, và một số sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống như nghề đan lát, nghề rèn, nghề gốm, sản phẩm nghề dệt...đây là các hiện vật mang đặc trưng riêng của các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk. Tuy đây là con số chưa lớn nhưng dù sao đó cũng thể hiện được phần nào sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của những người làm công tác bảo tàng cũng như người dân trong việc bảo tồn gìn giữ và phát huy các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đối với một địa phương.
1. Bảo tồn văn hóa phi vật thể
Song song với công tác nghiên cứu sưu tầm bảo tồn văn hóa vật thể, công tác nghiên cứu sưu tầm văn hóa phi vật thể cũng được Ban Giám đốc Bảo tàng quan tâm, điều này thể hiện qua việc phối hợp với các cơ quan, Viện nghiên cứu để thực hiện một số nghiên cứu về vấn đề bảo tồn văn hóa phi vật thể, như: Phối hợp với Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) nghiên cứu bảo tồn văn hóa phi vật thể của người Êđê thông qua phương pháp Photovoice. Đây là phương pháp bảo tồn văn hóa thông qua những câu chuyện đằng sau những bức ảnh, với hơn 150 bức ảnh và các câu chuyện đi kèm các bức ảnh phần nào phản ánh khá rõ nét về bức tranh khá toàn diện trong đời sống văn hóa hằng ngày của người Êđê hiện nay. Phối hợp với viện Khoa học Xã hội nghiên cứu về vấn đề di cư của người Mường đến Đắk Lắk và đặc biệt trong hai năm 2015 và 2016, Bảo tàng đã tiến hành thực hiện đề tài “Sưu tầm, biên soạn và dạy chữ Êđê” cho con em đồng bào Êđê ở huyện Krông Ana. Công trình nghiên cứu tập trung sưu tầm những từ cổ của người Êđê thông qua các bài cúng thần, các câu chuyện cổ tích hay qua các câu đố, lời nói vần hoặc trong những làn điệu dân ca, bài hát Khan, hát Kứt...để từ đó tìm ra những câu nói, những từ cổ mà hiện nay người ta ít sử dụng trong đời sống hằng ngày dạy lại cho các em học sinh bậc tiểu học là con em người Êđê. Đến nay Bảo tàng đã tiến hành sưu tầm biên soạn và đã hoàn thành cho xuất bản 03 ấn phẩm truyện cổ của người Êđê, nhằm góp phần vào công tác bảo tồn vốn văn hóa phi vật thể trong dân gian của các dân tộc thiểu số tại địa phương. Công tác nghiên cứu điền dã chứng kiến để sưu tầm văn hóa phi vật thể, thông qua việc ghi lại các nghi lễ, lễ hội, tư liệu về sinh hoạt văn hóa trong đời sống hàng ngày của các dân tộc thiểu số tại địa phương như: Lễ bỏ mả của người Gia Rai; lễ thổi tai, lễ đặt tên, lễ cúng cầu mùa, lễ cúng bến nước của người Êđê; lễ cúng cơm mới, lễ cưới, lễ cúng voi, lễ lên nhà mới của người M’nông... Bên cạnh đó còn có một số nghi lễ khác của các dân tộc nhập cư từ các tỉnh phía Bắc như dân tộc Mường, Tày, Nùng, Thái hay các dân tộc vùng Trường Sơn Tây Nguyên như Xê Đăng hay Vân Kiều...cũng được Bảo tàng quan tâm sưu tầm.
2. Phát huy các giá trị văn hóa
Bảo tàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải, giới thiệu về lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của các dân tộc bản địa đến đông đảo du khách khi đến thăm quan, nghiên cứu. Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cũng hoạt động không nằm ngoài mục đích đó.
Thông qua các trưng bày trong bảo tàng
Những năm qua bảo tàng đã không ngừng đổi mới công tác trưng bày giới thiệu ra công chúng, đặc biệt trong những năm từ 2006 đến 2011, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã được sự hỗ trợ giúp đỡ của dự án FSP “Phát huy giá trị di sản bảo tàng Việt Nam” và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với mục đích cải thiện việc trưng bày các bộ sưu tập, dự án đã giúp cho bảo tàng thực hiện tốt việc đổi mới quan niệm bảo tàng và hiện đại hóa trang thiết bị bảo tàng, nhằm mục tiêu mang đến cho công chúng bức tranh văn hóa, lịch sử của các dân tộc ở Đắk Lắk nói riêng và trong bức tranh văn hóa toàn cảnh của các dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên nói chung.

Du khách thăm quan bảo tàng

Với tổng diện tích trưng bày 2.500 m2, hiện nay Bảo tàng tỉnh đưa vào phục vụ ba không gian trưng bày thường xuyên với ba chủ đề: Chủ đề Đa dạng sinh học, giới thiệu về tài nguyên thiên nhiên, con người Đắk Lắk; chủ đề Lịch sử khảo cổ, giới thiệu về lịch sử của Đắk Lắk từ thời kỳ tiền sơ sử đến nay và chủ đề về Văn hóa các dân tộc, ở chuyên đề này Bảo tàng tỉnh đã trưng bày giới thiệu bức tranh toàn cảnh về văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Song song với trưng bày thường xuyên, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành trưng bày các chuyên đề nhỏ theo các chủ đề khác nhau như: Chủ đề về cồng chiêng; Nghi lễ, lễ hội; chủ đề văn hóa của mình... của các dân tộc thiểu số địa phương tại bảo tàng và trưng bày lưu động đến các buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn một mặt nhằm mang đến cho bà con những nơi không có điều kiện hưởng thụ văn hóa, giới thiệu những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình để bà con có ý thức hơn trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của mình, mặt khác bảo tàng cũng xác định chính bà con là người bảo vệ văn hóa của mình tốt hơn ai hết.
Thông qua tuyên truyền giới thiệu ra công chúng
Hằng năm, Bảo tàng tỉnh tiếp đón hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan, nghiên cứu, công tác tuyên truyền giới thiệu ra công chúng cũng được Bảo tàng tỉnh quan tâm, đây là một công việc hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số tại địa phương, chính vì thế Bảo tàng đã đào tạo một đội ngũ viên chức làm công tác này. Họ là những người đảm nhận trọng trách làm cầu nối mang bản sắc văn hóa của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đến với công chúng, đội ngũ này không ngừng được trau dồi học hỏi chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước khi đến với Bảo tàng, đến với Đắk Lắk.

Hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng

Đặc biệt, trong những năm qua Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện một số công tác trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống như dệt vải, làm gốm, nghề rèn, đan lát, chế tác nhạc cụ...nhằm làm sinh động thêm trong việc tuyên truyền giới thiệu những nét độc đáo văn hóa truyền thống của các cư dân địa phương ở đây. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh cũng đã phối hợp với các trường học tổ chức các buổi học ngoại khóa cho các em học sinh đến tham quan, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của quê hương mình, nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc cũng như giúp các em ý thức hơn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình.
3.  Một số giải pháp nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa
Đắk Lắk có 47 dân tộc anh em cùng tụ cư sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số tại địa phương là Êđê, M’nông và Gia Rai chiếm gần 30%. Điều này cho thấy bức tranh văn hóa nơi đây rất phong phú và đa dạng, sự giàu có của di sản văn hóa Đắk Lắk cũng được thể hiện bằng những nét đặc sắc văn hóa của các tộc người nơi đây. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk dưới góc độ của những người làm công tác bảo tàng. Thứ nhất, Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hàng năm nhằm tăng cường công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật văn hóa các dân tộc cả về vật thể và phi vật thể, đây là một trong những khâu quan trọng. Trên phương diện văn hóa vật thể, hiện nay các hiện vật văn hóa mang tính truyền thống đang ngày một mất dần trong dân gian các loại hình văn hóa vật thể như các vật dụng trong sinh hoạt, trang phục, công cụ sản xuất... của bà con đang dần được thay thế bằng các vật dụng mới với nhiều chất liệu mẫu mã khác nhau hiện đại hơn từ bên ngoài vào và cũng theo xu hướng này thì các nghề thủ công truyền thống cũng mai một dần. Mặt khác phần lớn hiện vật văn hóa hiện nay trong dân gian không được lưu giữ trong môi trường tốt nên theo thời gian các hiện vật này ngày một bị hư hỏng mà dần mất đi. Đối với văn hóa phi vật thể cũng không ngoại trừ, cần sưu tầm những câu truyện cổ, làn điệu dân ca, ca dao, lời nói vần, câu đố,... Kho tàng văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk cũng rất phong phú, đa dạng, nhưng rất ít người biết đến nhất là lớp trẻ hiện nay trong các buôn làng, có chăng chỉ ở những người lớn tuổi mới biết được.
Các nghệ nhân rất ít khi sử dụng đến nó điều này cũng xuất phát từ những yếu tố khách quan vì môi trường diễn xướng dần bị thu hẹp và không phù hợp, và rồi vốn văn hóa đó cũng sẽ được các nghệ nhân mang theo khi chết đi. Vì vậy việc sưu tầm lưu giữ chúng cũng không kém phần quan trọng. Thứ hai, Thường xuyên thay đổi trưng bày, không ngừng bổ sung hiện vật làm phong phú thêm cho sự đa dạng phong phú của các giá trị văn hóa. Một mặt để thu hút sự hứng thú của du khách, mặt khác nhằm làm mới các phương thức giới thiệu văn hóa của cư dân bản địa đến với công chúng. Thứ ba, Xây dựng các sưu tập văn hóa mang tính đặc trưng của vùng miền, phát huy tính độc đáo của các sưu tập đó thông qua các trưng bày chuyên đề, đi đôi với việc này bảo tàng cũng cần xây dựng một đội ngũ ngày càng chuyên sâu nhằm đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước khi đến với bảo tàng. Thứ tư, Cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu, giới thiệu văn hóa giữa các bảo tàng nhất là các bảo tàng trong khu vực Tây Nguyên cũng như các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành.
Đây là việc làm cần thiết một mặt làm phong phú thêm các tư liệu khoa học đặc biệt là các nghiên cứu chuyên sâu của các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành, mặt khác nhằm bổ sung thêm cho sự phong phú đa dạng về tư liệu hiện vật của các cư dân trong khu vực Tây Nguyên. Thứ năm, Tăng cường hơn nữa việc vận động, phối hợp với bà con cùng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình thông qua công tác trải nghiệm văn hóa của các dân tộc tại chỗ trong Bảo tàng, có thể nói đây là một phương pháp giới thiệu nét đặc trưng văn hóa vùng miền sinh động nhất trong việc truyền tải văn hóa các dân tộc tại chỗ ra bên ngoài, nhằm mang đến cho du khách khi đến với Bảo tàng có được trải nghiệm cuộc sống thật của cư dân tại chỗ, bên cạnh đó trải nghiệm cũng làm cho hiện vật trưng bày ở bảo tàng được sống động hơn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của du khách .

Tài liệu tham khảo:1. Nguyễn Thế Hùng - Nguyễn Hải Ninh (2017), Quảng bá thương hiệu bảo tàng - chiến lược maketing của các bảo tàng hiện đại. Tạp chí Di sản,  số 02 (59) – 2017.


2. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững. Kỷ yếu Hôi thảo, Hà Nội tháng 7, 2018.


Trần Quang Năm