ĐỘC ĐÁO ĐÀN GOONG CỦA NGƯỜI GIARAI

Âm nhạc của dân tộc Giarai gắn liền với những huyền thoại, nó liên quan đến từng giai đoạn của cuộc sống của con người đối với các thần linh. Âm nhạc Giarai thường là sự kết hợp của những âm thanh nguyên sơ của núi rừng.

 Chiếc đàn Goong (còn gọi là Ting Ning) đang trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk là của ông Y Sun Siu dân tộc Giarai ở buôn B1, thị trấn Ea súp, huyện Ea Súp, Đắk Lắk làm và sử dụng. Đàn được làm bằng vỏ bầu, gỗ, nứa và dây bằng sắt. Thân đàn được làm từ một ống lồ ô thật già, hong khô trên gác bếp, phía trên thân đàn được dùi 11 lỗ, cắm 11 suốt bằng gỗ để lên dây, phía dưới gắn 2 quả bầu khô, to tròn đã được lấy ruột phơi khô để làm hộp cộng hưởng, phần dưới cùng của thân đàn được khứa những rảnh nhỏ làm nơi mắc dây. Mỗi dây là một âm thanh không có phím bấm. Để chơi Goong, người ta chống gốc đàn vào bụng, hai bàn tay vừa đỡ thân đàn, vừa dùng ngón để gảy trên dây, làm cho dây rung lên. Âm thanh đàn Goong được truyền từ dây qua thân đàn đến bầu cộng hưởng. Nhờ sự cộng hưởng của quả bầu khô tạo ra âm thanh thánh thót, vang xa, hòa âm dày đặc có sức truyền cảm như cách nói của đồng bào “Lúc rạo rực như tiếng chim Chơ Rao, da diết như con thú hoang gọi bầy, lúc êm đềm như buổi chiều Tây Nguyên dần tắt nắng, hiền dịu như róc rách suối chảy” Cũng bởi âm thanh đa dạng ấy mà đàn Goong được các chàng trai sử dụng để chơi độc tấu hoặc dùng để đệm cho nhau hát và còn là phương tiện để nói lên tâm sự, cảm xúc dành cho cô gái.
Với thanh âm rộn ràng, tiếng đàn Goong cũng không thể thiếu trong những dịp vui, lễ hội… Tiếng đàn Goong đã tạo nên niềm vui, sự hứng khởi, gắn kết mọi người lại gần nhau hơn, tạo nên không khí mùa xuân, không khí lễ hội của cả buôn làng, của cộng đồng Tây Nguyên.
Trong dân gian đàn Goong được sử dụng rộng rãi. Với những nét độc đáo và những giá trị trong đời sống, đàn Goong tạo nên sự đa dạng và đặc sắc về văn hóa, nó có thể dùng độc tấu, hòa tấu với các nhạc khí khác ở Tây Nguyên.


Phòng truyền thông