CỒNG CHIÊNG CỦA DÂN TỘC MNÔNG

Theo quan niệm của người Mnông, khi âm thanh của cồng chiêng vang lên, con người sẽ kết nối được với các thần linh, có thể gọi vị thần tốt đến và nhờ sự trợ giúp của họ để xua đuổi các ma xấu, bảo vệ đời sống của người Mnông.

Cồng chiêng được đúc bằng hợp kim gồm đồng và một số kim loại khác. Những chiếc cồng chiêng quý thường có thêm bạc. Chất lượng âm thanh phụ thuộc vào tỷ lệ hợp kim được sử dụng để đúc cồng chiêng. Người Mnông không đúc cồng chiêng mà thường mua lại của người Việt hoặc của người Lào. Khi mua cồng chiềng về, họ chỉnh âm thanh phù hợp bằng nhiều cách khác nhau như dùng búa sắt, dùi gỗ cứng…


Người Mnông có dàn chiêng Bor (chiêng bằng 6 chiếc), nhóm Mnông Gar, Nong, Preh gọi là Čưng Bor và bộ Goong Pêh (bộ cồng 3 chiếc). Mỗi chiếc mang một chức năng riêng trong khi hòa điệu và có những tên gọi khác nhau tùy theo từng nhóm địa phương. Tên gọi bộ chiêng bằng 6 chiếc theo thứ tự: Chiêng lớn nhất được gọi là chiêng mẹ (mei, me hay măi); chiếc lớn thứ hai gọi là rênul (nhóm Mnông Nong gọi là nêgrơm); chiếc thứ ba gọi thống nhất là n'dơt hay n'dất; chiếc thứ tư gọi là tru (Mnông Preh, Mnông Nong và Mnông Prâng), gọi là dua (Mnông Chil, Mnông Rlăm); chiếc thứ năm gọi là trơ (Mnông Preh, Mnông Nong, Mnông Prâng) và gọi là thơ (Mnông Chil và Mnông Rlăm); chiêng nhỏ nhất gọi là chiêng con (kon). Bộ cồng 3 chiếc: Chiếc lớn nhất gọi là cồng mẹ; chiếc thứ hai làm chuẩn trong khi hòa nhạc và được gọi là tru (Mnông Prâng), du gong (Mnông Rlăm và Mnông Chil); chiếc nhỏ nhất là cồng con (kuôn gong hay kon gong). Ngoài ra, người Mnông còn có một chiếc chiêng lớn gọi là Char, giống như chiêng Char của người Êđê nhưng hiếm khi họ sử dụng chiếc chiêng này.



Bộ chiêng bằng 6 chiếc của người Mnông


Bộ cồng 3 chiếc của người Mnông



Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang lưu giữ hai bộ chiêng bằng và một bộ cồng 3 chiếc. Bộ chiêng bằng có đường kính từ 33cm đến 45cm là của bà H’Nga, người dân tộc Mnông, ở buôn Čuôr, xã Yang Tao, huyện Lắk; Một bộ của gia đình anh Điểu Byơi, ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước có đường kính từ 24,5cm đến 46cm; Ngoài ra, còn có Bộ cồng 3 chiếc có đường kính từ 30cm đến 37cm do ông Từ Văn Phân, người dân tộc Thái, cư trú tại thôn 2, xã Ea Pô, huyện Čư Jút, tỉnh Đắk Lắk (nay là tỉnh Đắk Nông) phát hiện và đào được tại sân nhà.

Trong tất cả các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng cũng như của từng gia đình, người Mnông không bao giờ vắng bóng tiếng cồng chiêng. Họ thường xuyên sử dụng bộ chiêng bằng 6 chiếc. Mỗi một nghi lễ đều có những bài chiêng cụ thể gắn với những giai điệu trầm bổng, thiết tha nhằm thông báo tới các vị thần linh hoặc để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với chủ nhà, với cộng đồng.

Cồng chiêng được coi là tài sản quý thể hiện sự giàu có của các gia đình, dòng họ và buôn làng người Mnông. Sự giàu có ở đây không chỉ thể hiện về mặt số lượng mà còn ở tuổi thọ lâu đời của các bộ cồng chiêng. Gia đình nào có nhiều cồng chiêng cổ đều được cộng đồng kính trọng. Theo quan niệm truyền thống, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao.


Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (2005)”, sau được chuyển sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2008)”. Đến nay, nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã được các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền và cộng đồng thực hiện khá hiệu quả. Những lễ hội cồng chiêng đặc sắc đã và đang thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến với nơi đây. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trở thành một điểm nhấn đặc biệt về văn hóa, du lịch, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất cao nguyên này.

Thuý Hằng