“ÂM NHẠC CỒNG CHIÊNG ĐẮK LẮK TRONG KHÔNG GIAN VĂN HÓA TÂY NGUYÊN”

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.

Trưng bày “Âm nhạc Cồng chiêng Đắk Lắk trong không gian văn hóa Tây Nguyên” tại Bảo tàng Đắk Lắk diễn ra ngày 3/2/2016. Với 11 bài viết; 163 hình ảnh và 48 hiện vật chia làm 3 chủ đề nhằm giới thiệu khái quát về vùng đất, con người, sinh hoạt văn hóa, lễ hội, không gian văn hóa Cồng chiêng của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Trưng bày dựa trên bộ ảnh “Di sản văn hóa Đắk Lắk”, “Văn hoá các dân tộc bản địa” của Bảo tàng Đắk Lắk, bộ tư liệu của ông Gerald Cannon Hickey nhà nhân chủng học người Mỹ tặng, được lưu trữ tại Bảo tàng Smithsonian, Wasihington, D.C, Mỹ …

Cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa và lịch sử rất lâu đời. Về cội nguồn, có nhà nghiên cứu cho rằng, cồng chiêng là "hậu duệ" của đàn đá. Trước khi có văn hóa đồng, người xưa đã tìm đến loại khí cụ đá: cồng đá, chiêng đá... tre, rồi tới thời đại đồ đồng, mới có chiêng đồng... Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng - là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên... âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu.. . hay trong một buổi nghe khan... đều phải có tiếng cồng, tiếng chiêng.

Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có. Đã có thời một chiếc chiêng giá trị bằng hai con voi hoặc 20 con trâu. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng.

Hiện nay, số lượng các dàn cồng chiêng suy giảm nhanh chóng, các bài bản nhạc chiêng dần dần bị lãng quên. Các nghệ nhân trải qua thời gian, do nhiều tác động khác nhau đã quên nhiều bản nhạc chiêng. Những nghệ nhân có đôi tai thẩm âm, có năng khiếu trong việc chỉnh chiêng cũng thưa vắng dần trong các cộng đồng cư dân. Đáng tiếc nhất là khi những người già, những nghệ nhân Tây Nguyên chết đi đã mang theo cả kho tàng di sản văn hoá cồng chiêng mà không dễ dàng tạo dựng và khôi phục được. Sự đứt gãy dòng chảy của văn hoá truyền thống dẫn đến sự thờ ơ, hờ hững của lớp trẻ với văn hoá của các thế hệ tiền nhân, trong đó có văn hoá âm nhạc cồng chiêng.

Trưng bày chuyên đề “Âm nhạc cồng chiêng Đắk Lắk trong không gian văn hóa Tây Nguyên” giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước thấy rõ về vai trò, giá trị của không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên -  phương tiện khẳng định bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Trưng bày nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Cồng chiêng trong đời sống của cộng đồng các dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ về vai trò của âm nhạc Cồng chiêng.

Trưng bày sẽ diễn ra đến tháng 6-2016, nhằm phục vụ đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh và du khách trong và ngoài nước.





PV