VŨ KHÍ XƯỞNG QUÂN GIỚI TỈNH ĐẮK LẮK

Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang lưu giữ và trưng bày, giới thiệu đến khách tham quan các hiện vật là vũ khí tự tạo của xưởng Quân giới tỉnh Đắk Lắk chế tạo, phục vụ chiến đấu trong suốt hơn 10 năm của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Sưu tập gồm 22 hiện vật do đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh, công tác tại Tỉnh đội Đắk Lắk trao lại cho Bảo tàng lưu giữ vào tháng 3/1985.

Theo lời kể của chủ hiện vật, trong điều kiện nguồn nguyên vật liệu còn hạn chế, Xưởng Quân giới tỉnh Đắk Lắk luôn chủ động, sáng tạo, tự tìm tòi để khắc phục những hạn chế, khó khăn.

Lúc bấy giờ anh em trong đội chia thành các tổ thực hiện những nhiệm vụ khác nhau, trong đó: Tổ khai thác nguyên liệu có nhiệm vụ tìm kiếm, khai thác tại các dinh điền, các trục đường có xe bị hư hỏng, cầu sắt bị bom đánh,… thu nhặt mang về xưởng những thanh sắt, dây kẽm gai, từng miếng tôn, thùng phuy,... Một bộ phận khác theo đội công tác vào các đồn điền, vùng ven thị xã Buôn Ma Thuột nhờ mua từng chai cồn, chai axit, từng lít xăng, thiếc hàn, từng cân nhựa thông, mỡ bôi trơn, dầu, giấy chống ẩm,...

Yêu cầu chiến đấu ngày càng cao, chiến trường rất cần đến lựu đạn, thủ pháo, mìn. Nguồn thuốc nổ TNT do Trung ương cung cấp phần lớn giao cho bộ binh gói bộc phá đánh cầu, đánh hàng rào lô cốt. Nguồn thuốc nổ nhồi vào lựu đạn, thủ pháo mìn,… xưởng phải tự tìm kiếm. Các đồng chí trong tổ khai thác đã nghĩ tới việc lấy thuốc nổ trong các quả bom “lép” do địch thả xuống.

Để làm được điều này, các đồng chí được giao nhiệm vụ sẽ cùng du kích và nhân dân các vùng tổ chức theo dõi bom địch thả và đánh dấu khu vực có bom không nổ. Sau đó, đến vị trí được đánh dấu rà soát, tìm kiếm bom lép rồi tháo kíp, cưa bom lấy thuốc và mang vỏ về. Đây là một công việc hết sức nguy hiểm và nặng nhọc. Các đồng chí phải vượt qua những con dốc cao, vực thẳm, đầm lầy, băng rừng, lội suối mới tìm được một quả bom lép. Tuy nhiên, đến được khu vực đánh dấu không phải tìm được bom lép ngay mà còn gặp những tình huống hết sức trớ trêu như: Có quả nằm sâu dưới khe núi từ 5 - 7m, có quả chìm trong sình lầy,… khi phát hiện được bom lép, dù nằm ở tư thế nào các đồng chí cũng tìm cách kéo lên và đặt vào vị trí an toàn để tháo kíp cưa bom.


Mặc nắng gió, mưa rừng, mặc những đêm sương xuống lạnh buốt, trong tay chỉ có bộ đồ tháo kíp tự tạo, cưa sắt, cạnh đó là những bao sắn cắt lát, chiếc nồi đã cũ, các đồng chí thay nhau kiên trì cưa bom để lấy bằng được nguyên vật liệu trở về xưởng nhanh nhất. Có thể nói rằng, những năm tháng ấy, các đồng chí Xưởng quân giới đã khắc phục được những khó khăn, đặt qua một bên sinh mạng của bản thân để có được những cân thuốc nổ vận chuyển mang về cho Xưởng chế tạo (Trích từ Lịch sử - Truyền thống quân giới tỉnh Đắk Lắk 1945 – 1975, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, 1999, trang 81).



Các hiện vật của Xưởng Quân giới tỉnh Đắk Lắk hiện đang được trưng bày tại không gian trưng bày Lịch sử, mỗi hiện vật là một câu chuyện ý nghĩa, thể hiện sự mưu trí, dũng cảm, ý chí kiên cường của các chiến sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.





Những hiện vật và tư liệu lịch sử tại Bảo tàng Đắk Lắk đều mang một câu chuyện riêng, câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng, cống hiến, đóng góp lớn lao của các thế hệ cha anh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Thông qua câu chuyện hiện vật lịch sử, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc cho tuổi trẻ Đắk Lắk nói riêng và tuổi trẻ Việt Nam nói chung, để thế hệ trẻ thực sự trở thành lực lượng tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước giàu mạnh, là công việc có ý nghĩa mà Bảo tàng Đắk Lắk đang cần mẫn thực hiện mỗi ngày.

Trần Hằng