Tiếp nhận Mâm đựng cơm (Pa điền sang ) của dân tộc Bru –Vân Kiều

Sáng ngày 16/4, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận hiện vật do ông Bôn Si Môn Ca Na An - giáo viên trường Trung học cơ sở xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk hiến tặng, gồm: 02 Mâm đựng cơm (Pa điền sang).

Mâm đựng cơm là vật dụng được sử dụng hàng ngày trong các gia đình người Bru – Vân Kiều, đặc biệt khi khách đến nhà người ta thường dùng mâm này để bày cơm mời khách.

Mâm đựng cơm được Thầy Bôn Si Môn Ca Na An nhờ ông Avoog Chơn, ở buôn Tà Cỡng - là người có thâm niên về nghề đan lát làm. Được biết, mỗi Mâm đựng cơm được ông Avoog Chơn làm khoảng 3 ngày, chưa tính thời gian chuẩn bị nguyên vật liệu. Nguyên liệu được chọn là những cây tre, cây mây có độ tuổi từ 3 năm trở lên, tránh chặt vào mùa thu, mùa xuân bởi vì lúc này cây cối đang lên chồi non, thân yếu, nhiều nước dễ bị sâu mọt. Tre già được ngâm nước một thời gian cho săn chắc, phòng ngừa mối mọt, sau đó vớt lên, phơi khô rồi đem đan lát tạo ra sản phẩm.

Mâm đựng cơm có dạng hình tròn, sâu lòng, trong lòng đế bằng, chân đề đứng cao có 6 thanh tre đứng, được nẹp cố định với chân đế vòng tròn, mặt đáy của mâm có đặt các thanh tre đặt ngang dọc rất chắc chắn. Trên vành miệng được kết bằng dây mây theo hoa văn chân rết. Kỹ thuật đan kết hợp giữa láng đơn và láng đôi song song, nhắc lại và xen kẽ kiểu đan láng ba rồi trở về chu kỳ của nhịp đầu.

Ông Bôn Si Môn Ca Na An cho biết: Theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, nghề đan lát truyền thống của người Bru-Vân Kiều ở xã Ea Hiu không còn phổ biến nhiều nữa mà chỉ còn tồn tại ở quy mô một số hộ gia đình. Do sự cạnh tranh từ các sản phẩm công nghiệp với mẫu mã đa dạng, tiện lợi hơn nên các sản phẩm đan lát truyền thống không còn được nhiều người lựa chọn như trước. Hơn nữa những người biết đan lát chỉ tập trung ở người lớn tuổi, còn thế hệ trẻ phải đi làm ăn và không mặn mà với nghề truyền thống. Với mong muốn gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông đã tặng lại để Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị vốn có của nó.

Hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng là một hành động đẹp, mang đậm tính nhân văn, góp phần vào công tác gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của Đắk Lắk nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Trong bối cảnh hiện đại hóa trưng bày, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk rất mong các tổ chức, cá nhân, các cơ quan đơn vị, hội, đoàn thể cũng như các nhà nghiên cứu, sưu tầm tiếp tục ủng hộ, hiến tặng sách, tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng, để công tác truyên tuyền giáo dục của đơn vị ngày một tốt hơn.




Ông Phạm Ngọc Anh – Phó phòng Nghiên cứu Sưu tầm, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận hiện vật Phòng Truyền thông

Phòng Truyền thông