THÁC DRAI H’JIE
Thác Drai H’Jie cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 28km, thuộc địa phận buôn Ea Khit, xã Ea Bhôk, huyện Čư Kuin. Trong tiếng Ê đê: Drai có nghiã là thác, H’Jie là tên của một thiếu nữ Ê đê. Drai H’Jie có nghĩa là thác nước của nàng H’Jie.
Chuyện kể rằng: Thưở ấy, ở một buôn người Ê đê có vị tù trưởng giàu mạnh, nhà dài như tiếng chiêng ngân; chiêng ché, ngà voi, sừng tê giác, vàng bạc nhiều vô kể; voi, bò heo, gà…chật bãi trước kín đồi sau, tôi tớ ra vào đông như bầy mối, bầy kiến, ngực chạm ngực, vai chạm vai, tay chạm tay, cười nói vui vẻ.
Tù trưởng có một người con gái tên là H’Jie, nết na xinh đẹp nhất vùng. Da nàng trắng như bông, khuôn mặt đẹp như nữ thần Mặt trăng, mắt nàng sáng như sao hôm, môi nàng đỏ như hoa Pơ lang, mái tóc nàng đen mượt bồng bềnh như mây núi và toả ra hương thơm như hoa rừng, tiếng nói nhẹ nhàng êm ái như tiếng hót của chim rừng. Nhiều chàng trai con của các tù trưởng giàu mạnh gần xa đã từng đến trao vòng gửi nhẫn cho nàng, nhưng H’Jie vẫn chưa nhận lời một ai. Nàng như một đoá hoa Pơ lang trắng trong, dịu dàng, chỉ biết cùng với những người bạn gái dệt thổ cẩm, hái nấm, rau rừng và vui say ca hát bên bếp nhà sàn vào mỗi đêm trăng sáng.
Một hôm, H’Jie cùng cô bạn gái lên rừng hái măng, hai nàng hái được hai gùi măng đầy, vui quá họ vừa đi vừa hát theo tiếng nhạc của núi rừng. Trên đường trở về, đến con suối cuối buôn, hai nàng dừng lại nghỉ. Thấy dòng suối trong vắt, cả hai đã đặt gùi trên bờ rồi xuống nước đùa nghịch, cười nói rộn vang.
Đang chơi rất vui vẻ, vô tình nàng H’Jie nhìn thấy một chàng trai vừa từ trong rừng đi ra, đó là chàng Y Rít. Y Rít là một chàng trai nghèo ở cùng buôn với nàng, chàng mồ côi cha mẹ, sống cùng với bà ngoại. Yang phú cho chàng một cơ thể cường tráng và một sức mạnh hơn người. Chàng có thể bê một tảng đá to như một quả đồi ném từ bờ sông này qua bờ sông khác. Chàng chạy nhanh như gió, chỉ nhún chân một cái là đã nhảy qua 7 con suối. Hàng ngày chàng vào rừng lấy củi, săn thú về nuôi bà. Y Rít thường cứu những người bị nạn trong buôn, lúc thì đánh lại hổ báo, khi thì đuổi trăn, gấu hoặc cứu người bị chết đuối sông suối, nên chàng được mọi người trong vùng yêu mến. Ngay từ khi mới nhìn thấy chàng Y Rít toàn thân nàng H’Jie run lên bần bật, trái tim nàng đập liên hồi. Cô bạn thân tưởng là nàng bị cảm lạnh nên đã vội dìu lên bờ. Y Rít thấy thế vội chạy lại để giúp đỡ nàng H’Jie. Một lúc lâu sau H’Jie mới định thần lại, nàng cùng cô bạn gái bắt chuyện với chàng Y Rít, cả ba nói chuyện khá vui vẻ và có vẻ như rất hợp nhau.
Từ sau lần gặp gỡ định mệnh đó, nàng H’Jie ngày đêm thương nhớ chàng Y Rít nhưng chàng không hay biết tình cảm của nàng nên vẫn thường rủ H’Jie cùng cô bạn gái lên rừng hái nấm, bẻ măng, tìm hoa quả. Những đêm trăng sáng, ba người thường gặp nhau bên cạnh dòng suối cuối buôn để ca hát, vui chơi. Thời gian trôi đi tình cảm của nàng H’Jie dành cho chàng trai càng sâu đậm hơn, nhiều lúc nàng rất muốn thổ lộ tình yêu của mình cho chàng Y Rít biết nhưng lại không đủ can đảm.
Một đêm trăng sáng không thấy Y Rít rủ mình và cô bạn đi chơi, nàng bồi hồi, nhớ nhung. Đến lúc không thể chịu đựng được nữa, H’Jie đi đến nhà cô bạn thân định rủ cô ấy đi tìm chàng Y Rít để thổ lộ tình cảm. Nàng tìm khắp nhà, hết buôn mà không thấy bạn thân đâu. Một mình nàng lại tìm ra con suối cuối buôn để ngồi tâm sự với dòng nước cho thoả nỗi nhớ nhung. Nhưng khi vừa đi đến đầu suối H’Jie nhìn thấy một đôi trai gái đang ngồi bên nhau tâm sự. Tò mò, nàng tiến lại gần hơn, chợt H’Jie đứng khựng vì đôi kia chính là cô bạn thân và chàng Y Rít, cô bạn đang trao những lời yêu thương với chàng Y Rít, bàn tay của họ đang siết chặt lấy nhau. Lúc ấy, dường như đất trời sụp đổ dưới chân nàng, H’Jie cảm thấy trái tim mình đau tựa muôn ngàn mũi kim đâm, nàng cắm đầu chạy về nhà và lao lên giường khóc nức nở, ai hỏi gì cũng không nói. Những ngày sau đó nàng như một cái xác không hồn, cứ sáng sớm đến tối khuya, một mình nàng lại đi ra dòng suối ngồi than khóc cho mối tình bi thương và câm nín của mình. H’Jie trách mình không đủ can đảm nói ra tình cảm sớm hơn để giờ đây phải một mình tủi phận bẽ bàng. Nàng còn trách cả thần núi, thần sông vì đã cho nàng gặp chàng Y Rít khiến nàng phải thương nhớ, khổ đau. Từ đó, nàng luôn tìm cách tránh gặp mặt người bạn thân và chàng Y Rít, còn đôi trai gái ấy cứ nghĩ H’Jie đang thầm thương trộm nhớ một ai đó nên mới như vậy, có lẽ chỉ một thời gian nữa là nàng sẽ bình thường lại thôi.
Cho đến ngày cô bạn thân tổ chức lễ cưới cùng chàng Y Rít, H’Jie trang điểm, mặc váy áo thật đẹp, nhìn nàng tựa như một tiên nữ dù cho những tháng ngày khổ đau đã làm nàng tiều tụy đi ít nhiều. Nàng đến tham dự lễ cưới của bạn, vẫn cười nói, chúc phúc cho đôi uyên ương, nàng còn tặng cho bạn thân toàn bộ những trang sức của mình. Những người tham dự lễ cưới hôm đó, ai cũng chọc ghẹo nàng sao không sớm bắt chồng đi để khỏi phải tương tư, sầu não như những ngày qua, H’Jie chỉ im lặng mỉm cười.
Trong lúc mọi người trong buôn đang còn vui say ca hát tại lễ cưới thì nàng H’Jie lại một mình chạy ra dòng suối, nơi mà trước đây nàng vẫn cùng với cô bạn thân và chàng Y Rít chơi đùa, nàng đã khóc vô cùng thảm thiết, khóc đến nỗi nước mắt tuôn như mưa rào, như thác đổ. Nàng khóc mãi, khóc mãi, nước mắt của nàng tích tụ trên dòng suối tạo thành dòng thác đổ, tiếng nước đổ vẫn nghẹn ngào, thảm thiết như tiếng khóc của nàng H’Jie. Thân xác nàng hoá thành một cây cổ thụ mọc ngay tại nơi thác đổ của dòng suối, muôn ngàn rễ cây cứ bám chặt vào lòng đất, vào những tảng đá để tìm một chút hơi ấm, một chút nương tựa cho cõi lòng chênh vênh, trống vắng và đớn đau.
Sáng hôm sau, mọi người đi tìm nàng H’Jie, khi đến dòng suối cuối buôn, họ chẳng thấy nàng đâu cả mà chỉ nghe thấy dòng suối cuồn cuộn chảy. Dân làng thấy làm lạ vì dòng suối yên bình bỗng có thêm những ngọn thác nhỏ đang tung bọt trắng xoá. Đồng thời, họ cũng nghe trong âm vang của tiếng gió rừng, tiếng thác đổ còn văng vẳng tiếng khóc than và gọi tìm chàng Y Rít của nàng H’Jie. Lúc này cô bạn thân, chàng Y Rít và buôn làng mới hiểu được lý do vì sao H’Jie đau khổ, tiều tụy suốt thời gian qua, ai cũng thương xót nàng. Dân làng cảm động trước mối tình si của nàng nên mới gọi dòng suối ấy là Drai H’Jie (dòng thác của nàng H’Jie) và tên gọi này vẫn được lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Ngoài ra, cũng theo lời các già làng buôn Ea Khit kể lại thì: Cô bạn thân sau khi chung sống cùng chồng một thời gian, nàng cảm thấy có lỗi vì đã gây nên cái chết oan uổng cho H’Jie. Bởi người mà chàng Y Rít thương yêu chính là H’Jie nhưng cô bạn ấy đã tìm đến chàng để nói rằng chàng không xứng, H’Jie là con của tù trưởng chỉ có những chàng trai con của các tù trưởng khác mới xứng đáng với nàng mà thôi. Y Rít đã đau khổ, dằn vặt rất lâu và cũng bởi sự tấn công dồn dập của cô bạn thân nên chàng mới đến với cô bạn ấy. Một năm sau, vào ngày giỗ đầu tiên của nàng H’Jie, cô bạn thân đã tìm đến dòng suối than khóc, hối lỗi, cuối cùng thân xác của cô ấy đã hoá thành một cây cổ thụ mọc thẳng hàng với cây do hoá thân của nàng H’Jie tại nơi thác đổ. Còn chàng Y Rít, sau khi người yêu và vợ chết, chàng đã ôm lấy các cây hoá thân của hai nàng mà khóc thương thảm thiết. Sau đó, chàng cũng biến thành một cây cổ thụ mọc giữa vợ và người chàng thầm yêu trộm nhớ. Từ đó về sau mỗi lần nhắc đến Drai H’Jie là người ta lại nhắc tới câu chuyện tình đau thương, vô vọng của ba người bạn thân.
Thác Drai H’Jie được hợp lưu từ ba dòng suối nhỏ là Kŏ kô, Kŏ mơ mai, Kŏ khit, tất cả những dòng suối này đều bắt nguồn tại “suối nước đùn” của buôn Ea Kmar, xã Ea Bhôk, huyện Čư Kuin. “Suối nước đùn” sở dĩ có tên gọi như vậy bởi đây là một suối lớn có rất nhiều mạch nước từ trong lòng đất phun lên. Nước của suối rất trong nên chỉ cần đứng trên bờ là có thể nhìn thấy hết những viên đá, hạt cát, rong rêu hay từng đàn cá đang bơi lội tung tăng dưới đáy. Trước đây Vua Bảo Đại đã cho xây dựng một trạm bơm nước tại dòng suối để dùng làm nơi cung cấp nước sinh hoạt cho khu nhà Bảo Đại. Đặc biệt người dân buôn Ea Kmar đã sử dụng để làm bến nước của buôn.
Với những giá trị về văn hóa và tiềm năng du lịch to lớn, ngày 17/4/2012, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định xếp hạng Drai H’Jie là Di tích Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Một số hình ảnh về Di tích
GD&TT