SƯU TẬP TEM BƯU CHÍNH TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK
Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang lưu giữ, bảo quản 76 con tem bưu chính Việt Nam, được phát hành từ năm 1986 đến năm 2017 với nhiều chủ đề khác nhau như: chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, phong cảnh, động vật.
Tem bưu chính ra đời từ năm 1840, ngoài chức năng là phương tiện thanh toán cước phí, còn là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, mang những nét đặc trưng của mỗi quốc gia. Đến cuối thế kỷ XIX, tem bưu chính đã được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng quốc tế.
Ngày 02/9/1946, nhân kỷ niệm Quốc khánh lần thứ nhất, Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem 5 mẫu mang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo Sắc lệnh số 172/SL, ngày 27/8/1946 của Chủ tịch Chính phủ. Bộ tem có cùng mẫu vẽ, thay màu đổi giá thành 5 tem, do họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế, trong đó 2 tem có phụ thu cứu quốc. Việc phát hành bộ tem này đánh dấu một mốc quan trọng trên con đường phát triển độc lập của tem Bưu chính Việt Nam.
Bằng những nét đặc trưng của hội họa, con tem đã góp phần tuyên truyền cho chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh kịp thời, sinh động những thắng lợi của quân và dân ta, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sưu tập tem bưu chính do bà Nguyễn Thị Nguyệt (xã Hoà Đông, huyện Krông Pắc) hiến tặng vào năm 2018. Những con tem này là kết quả của quá trình sưu tầm từ gia đình, bạn bè của Bà từ khi còn là sinh viên cho đến lúc đi làm. Mỗi con tem gắn liền với những phong thư xinh xắn, trao gửi tình cảm đôi lứa, tình thân gia đình, gắn kết bạn bè, rút ngắn khoảng cách về địa lý, vùng miền.
Khi tiếp nhận bộ sưu tập từ chủ hiện vật, các con tem được dán trên giấy A4, do đó bộ phận bảo quản, Bảo tàng Đắk Lắk đã tiến hành gỡ từng con tem, vệ sinh, xử lý loại bỏ lớp keo và giấy ở mặt sau; đánh số đăng ký và số phân loại bằng bút chì ngòi nhỏ ở mặt sau, góc dưới bên phải hiện vật; phân loại, sắp xếp vào các túi nhỏ làm bằng giấy free axit, cho vào hộp bảo quản.
Hiện vật của sưu tập sẽ được lựa chọn để phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk, giúp công chúng có cơ hội tìm hiểu, hoài niệm về tem thư, về thư tay, phương tiện thông tin truyền thống, kết nối, chia sẻ tình cảm của con người; cùng với đó là những thông điệp, giá trị thẩm mỹ được truyền tải qua hình ảnh trên những con tem.
Phạm Hoài