Để có được số hiện vật tặng cho hơn 20 Bảo tàng trong cả nước và bộ sưu tập hơn 40.000 hiện vật của riêng mình, ông đã rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc suốt hàng chục năm, bắt đầu từ niềm đam mê môn Lịch sử khảo cổ khi xem hình ảnh những người thượng cổ dùng rìu đá săn voi ma mút trong sách lịch sử của cậu học trò lớp 6. Câu hỏi làm cách nào người xưa chế tác được công cụ săn bắt thú luôn gây tò mò đối với cậu học trò 11 tuổi.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn khi còn tuổi học trò
Chưa thỏa mãn với các bài học trên lớp, ngày nghỉ cuối tuần ông đạp xe từ Mũi Né vào trung tâm Phan Thiết (trên quãng đường 20 km) để mượn sách lịch sử khảo cổ tại Thư viện tỉnh Bình Thuận về đọc. Ông luôn quan sát, tìm hiểu mọi thứ xung quanh, nhất là những ngôi mộ, những ngôi nhà cổ rêu phong trong làng để đối chiếu với lý thuyết sách vở. "Sự tò mò, thắc mắc chính là nguyên do dẫn tôi đến với niềm đam mê đồ cổ", ông Ẩn cho biết.
Gia đình chuyên nghề buôn bán nông sản, hải sản, ông cũng có chút vốn liếng và điều kiện. Có bao nhiêu, ông dồn tiền mua lại đồ cổ khi biết ai đó cần bán. Các vựa ve chai, những người làm nghề xây dựng trong vùng đều biết đến niềm đam mê đồ cổ của ông. Khi đào móng hay san ủi công trình phát hiện được gì có liên quan đều thông báo và ông lập tức có mặt. Có món gì cổ xưa, họ đều bán theo mớ với giá rẻ.
Theo thời gian, kho đồ cổ càng lúc càng nhiều, kiến thức của ông cũng tích lũy sâu, rộng hơn. "Nhờ đó, bây giờ nhìn qua, tôi biết được cổ vật đó ở thời nào, có giá trị gì", ông Ẩn nói.
Đến nay, bộ sưu tập của ông Nguyễn Ngọc Ẩn đã có nhiều cổ vật giá trị, có tính tổng quát trong cả nước và quốc tế. Đồ đá, đồ đồng từ thời nguyên thủy, thời Đông Sơn, đồ trang sức văn hóa Óc Eo, Sa Huỳnh, đồ gốm các triều đại Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan; các tượng Kut, gốm cổ, đồ dùng của người Chăm cổ; dụng cụ, trang sức của các dân tộc thiểu số ở miền Trung, Tây Nguyên... ông đều có. Trong đó đáng chú ý với bộ đàn đá 20 thanh được ông sưu tầm ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), có niên đại hơn 3.500 năm, được xem "độc nhất vô nhị".
Không những là "sưu tập gia nổi tiếng" ở Mũi Né, ông còn là nhân vật được nhiều người biết đến trong giới sưu tầm cổ vật ở Việt Nam nhờ các hoạt động hiến tặng hiện vật. Trong vòng 5 năm qua, ông đã hiến tặng hàng ngàn hiện vật cho hơn 20 Bảo tàng trong cả nước. Hàng chục bằng khen của các tỉnh, thành treo trên tường ghi nhận sự đóng góp đó của ông; trong đó có Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch” của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn giới thiệu về những hiện vật mình hiến tặng được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk cho khách tham quan triển lãm
Hiện vật Bảo tàng Đắk Lắk tiếp nhận và trưng bày từ ông Nguyễn Ngọc Ẩn và các nhà sưu tập tỉnh Bình Thuận lần này khá phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu có niên đại kéo dài qua nhiều thời kỳ. Điều đặc biệt khiến người xem trưng bày thích thú và mê mẩn là những hiện vật được sắp xếp theo bộ sưu tập của từng nhà sưu tập hiến tặng như: Bộ sưu tập đồ gốm, men qua các thời kỳ rất đầy đủ và quý giá; bộ sưu tập trang sức bằng đồng, trang sức bằng nhiều chất liệu khác nhau; bộ sưu tập về bình, hũ, ché các loại từ miền Trung đến Tây Nguyên; độc đáo và thu hút hơn cả là bộ sưu tập tiền từ thời Gia Long, Minh Mạng đến tiền Đông Dương, tiền thời đệ nhị Cộng Hòa cho đến thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam rất đầy đủ, nguyên vẹn có giá trị về thẩm mỹ, lịch sử và khoa học. Một chi tiết khá thú vị nếu người xem trưng bày biết được nhóm sưu tập gia do ông Nguyễn Ngọc Ẩn thành lập có 2 người được truyền niềm đam mê và cảm hứng từ ông là cụ thân sinh ra ông và người thầy thời học sinh của ông hằng kính mến (hai người đã hiến tặng bộ sưu tập trang sức và bộ sưu tập tiền cho Bảo tàng Đắk Lắk).
Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn cùng các nhà sưu tập tư nhân chụp ảnh lưu niệm tại Lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật và trưng bày chuyên đề “Dấu ấn thời gian” tại Bảo tàng Đắk Lắk
Đây là việc làm rất có ý nghĩa góp phần làm phong phú kho di sản văn hóa được lưu giữ tại các Bảo tàng và đặc biệt có ý nghĩa trong việc gắn kết, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa giữa Bảo tàng công lập với các nhà sưu tập tư nhân. Đồng thời góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các hiện vật đặc sắc đến với công chúng, qua đó nâng cao ý thức và khơi dậy lòng tự hào, truyền thống yêu nước, yêu di sản văn hóa, giữ gìn, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa của nhân loại./.