NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT VÀ KỶ LUẬT THÉP CỦA NHỮNG CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN TRUNG

Nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi giam cầm, đày ải những người yêu nước, những đảng viên cộng sản đến từ các tỉnh Trung Kỳ. Từ 1930 đến năm 1945 đã có gần 4.000 lượt tù chính trị được đưa đến Nhà đày, tại chốn “địa ngục trần gian” các chiến sĩ cách mạng đã đoàn kết đấu tranh, biến “Nhà đày thành trường học”.



Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột

Để việc học tập và rèn luyện đạt hiệu quả cao, tạo nên khối đoàn kết thống nhất, những người tù chính trị đã đề ra “kỷ luật” cho anh em cùng tuân thủ và rèn luyện. Trong cuốn sách “Những ký ức về Nhà đày Buôn Ma Thuột” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk xuất bản năm 2005, có bài viết của đồng chí Trần Hữu Dực, cựu tù chính trị Nhà đày Buôn Ma Thuột - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, từng bị giam giữ tại Nhà đày trong các năm 1937-1938 và 1941-1945, đã ghi lại 21 điều quy định kỷ luật như sau:

 

Phần thứ nhất: Những điều cấm.                               


Điều 1: Cấm mọi người làm mất trật tự trong từng ba-ti-măng hoặc ngoài ba-ti-măng như nhà ăn, nơi làm việc,…


Điều 2: Cấm đánh nhau bất kỳ ở đâu, nếu có vấn đề gì không tự giải quyết với nhau được thì đưa ra tập thể xem xét.


Điều 3: Cấm xung đột với lính, nếu có vấn đề gì thì báo cáo tập thể xem xét, không được tự ý cãi lộn, chửi nhau hoặc đánh nhau với lính.


Điều 4: Cấm làm mất vệ sinh chung ở trong từng ba-ti-măng hoặc ngoài ba-ti-măng, nhà bếp, nhà ăn, vườn rau,…


Điều 5: Cấm xâm phạm của công giá trị từ 1/2 xu trở lên coi như tham ô.

Phần thứ hai: Hình thức kỷ luật


Điều 6: Người nào làm mất trật tự (nói ở điều 1) khi có người can ngăn mà thôi ngay thì xử lý bằng hình thức phê bình. Nếu khi đã có người can ngăn nhưng người làm mất trật tự cứ tiếp tục mạnh hơn và kéo dài thì xử lý bằng hình thức cảnh cáo.


Điều 7: Người nào đánh nhau (nói ở điều 2) không gây ra thương tích thì phê bình, gây ra thương tích thì cảnh cáo. Một người đánh, một người không đánh lại thì người đánh bị cảnh cáo.


Điều 8: Người nào xung đột với lính (nói ở điều 3) bằng lời nói hung hăng thì phê bình, bằng đánh nhau với lính thì cảnh cáo.


Điều 9: Người nào làm mất vệ sinh (nói ở điều 4) thì bị phê bình và phải xóa sạch nơi mất vệ sinh ấy.


Điều 10: Của công là để phục vụ mọi người dùng chung, ai cũng phải ra sức bảo vệ (nói ở điều 5), người nào xâm phạm của công thì phải hoàn lại hoặc bồi thường tương ứng, và bị phê bình nếu là vô ý, bị cảnh cáo nếu là cố ý, bị khai trừ nếu là hành động và thiệt hại nghiêm trọng.

Phần thứ ba: Kỷ luật khai trừ


Điều 11: Khai trừ là hình thức kỷ luật cao nhất và cuối cùng. Người bị tuyên bố khai trừ quan hệ với tập thể chỉ còn một suất ăn như mọi người, nhưng phải ăn riêng một mình, và được gọi thầy thuốc cấp cứu vì không tự gọi được.


Điều 12: Tập thể không giao cho người bị khai trừ bất kỳ một công việc gì.


Điều 13: Tất cả mọi người tuyệt đối không được quan hệ giao dịch với người bị khai trừ, bất kể công khai hoặc lén lút. Ai làm trái sẽ bị kỷ luật cảnh cáo.


Điều 14: Chỉ có ban thương lượng được trực tiếp khi người bị khai trừ yêu cầu cho gặp để trình bày ý kiến và nhờ ban thương lượng báo cáo với ý kiến tập thể.

Phần thứ tư: Tăng hoặc giảm mức kỷ luật


Điều 15: Người bị kỷ luật bằng hình thức phê bình hoặc cảnh cáo, sau khi tập thể tuyên bố thì người đó phải tỏ rõ thái độ trước tập thể “thừa nhận khuyết điểm và sửa chữa”. Vụ kỷ luật đến đây kết thúc.


Điều 16: Người bị kỷ luật bất kể bằng hình thức nào, sau khi tập thể tuyên bố, nếu tự cho là bị oan hoặc nặng và yêu cầu xem xét thì tập thể xem xét, nhưng khi tập thể đã xem xét và công bố lại, nếu mức kỷ luật vẫn y như cũ thì người bị kỷ luật không được yêu cầu xem xét lần thứ hai.


Điều 17: Người bị kỷ luật bằng những hình thức phê bình, cảnh cáo hoặc bồi thường, sau khi tập thể tuyên bố, không yêu cầu xem xét, cũng không tỏ thái độ sửa chữa thì coi như chống lại kỷ luật và tăng mức kỷ luật nặng hơn, cao đến khai trừ.

Phần thứ năm: Quyền hạn xử lý


Điều 18: Những điều cấm về trật tự (nói ở điều 1), về đánh nhau (nói ở điều 2), về vệ sinh (nói ở điều 4) và những hình thức kỷ luật phê bình, cảnh cáo, nếu chỉ liên quan trong phạm vi ba-ti-măng thì tập thể và ban thương lượng của ba-ti-măng ấy xem xét xử lý và tuyên bố.


Điều 19: Tất cả những việc nói ở điều 18 nếu liên quan đến nhiều ba-ti-măng thì do tập thể chung và ban thương lượng chung toàn Nhà đày xem xét, xử lý và tuyên bố.


Điều 20: Những điều cấm về xung đột với lính (nói ở điều 3) về xâm phạm của công (nói ở điều 5) và những hình thức kỷ luật bồi thường (nói ở điều 10), kỷ luật khai trừ (nói ở điều 11, 12, 13 và 14) thì nhất thiết phải do tập thể chung và ban thương lượng chung của toàn thể Nhà đày xem xét và tuyên bố.


Điều 21: Việc xem xét, xử lý kỷ luật, nếu gặp những vụ việc phức tạp thì tập thể chung toàn Nhà đày cử ra ban điều tra để tiến hành xem xét, xử lý và trình ra tập thể chung toàn Nhà đày quyết định.


Với những quy định về kỷ luật trong Nhà đày Buôn Ma Thuột, tù chính trị đã tự mình rèn luyện, đoàn kết, thống nhất. Các chiến sĩ cách mạng vừa tổ chức đấu tranh trực diện bằng các hình thức khác nhau, như thành lập Ban thương lượng, Ban điều tra xét xử đặc biệt, Ban lãnh đạo tù nhân, đây là các tổ chức công khai đại diện cho tù nhân, tổ chức đấu tranh chống lại sự tra tấn, đánh đập; đòi hỏi những quyền lợi trong khuôn khổ tù chính trị; cùng với đó là các tổ chức bí mật vừa đẩy mạnh tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tổ chức vượt ngục và nhen nhóm gây dựng cơ sở cách mạng.



Bên trong một phòng giam tại Nhà đày Buôn Ma Thuột



Không khí học tập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột (Tranh sơn dầu)

 

Cuối năm 1940, một số chiến sĩ cộng sản trong Nhà đày (khoảng 10 đồng chí) đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản. Với các ký hiệu và tên gọi khác nhau, Chi bộ được tổ chức hoạt động và phát triển đội ngũ đảng viên của mình theo Chính cương, Điều lệ Đảng và xác định phải thực hiện các nhiệm vụ:


- Là hạt nhân tổ chức và lãnh đạo toàn thể tù nhân đấu tranh bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của tù chính trị, là lực lượng nòng cốt duy trì, củng cố các tổ chức của tù nhân.

- Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho đảng, chuẩn bị lực lượng cán bộ lãnh đạo phong trào quần chúng khi thoát khỏi lao tù.

- Tìm cách liên lạc để tổ chức vận động cách mạng ở thị xã Buôn Ma Thuột.

- Tổ chức các cuộc vượt ngục, đưa cán bộ về cho Đảng. Bồi dưỡng lý luận cách mạng và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cho những người sắp hết hạn tù để trở ra hoạt động cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, các chiến sĩ cộng sản đã kế thừa, phát triển về tổ chức, hình thức đấu tranh của các thời kỳ trước đó trên một quy mô rộng lớn và quyết liệt hơn, mục tiêu đấu tranh cũng cụ thể và cao hơn, đem lại kết quả lớn hơn.

Chi bộ Đảng Cộng sản đã gieo mầm, tạo ra những hạt giống đỏ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk. Nhiều nhân sĩ, tri thức, công chức là người dân tộc thiểu số làm việc cho chính quyền thực dân đã được những người cộng sản giáo dục, cảm hóa thành những cán bộ cách mạng theo Đảng, theo Bác Hồ.

Sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk là nhân tố quyết định đến thắng lợi của cuộc vận động giải phóng dân tộc, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám – năm 1945 tới thành công ở Đắk Lắk.


Như vậy, nhờ quá trình học tập, rèn luyện và “kỷ luật thép” được các chiến sĩ cộng sản thống nhất đặt ra trong Nhà đày đã đem lại những kết quả tuyệt vời. Nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành biểu tượng của ý chí, khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc của tù chính trị - những chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất, không run sợ trước kẻ thù. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cách mạng được tôi rèn ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã góp phần to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.


Thu Hương