NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT

Tọa lạc tại số 27 Phạm Hồng Thái, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột. Nhà đày Buôn Ma Thuột không chỉ là nơi chứng tích tội ác của thực dân, đế quốc mà còn là nơi rèn luyện ý chí kiên cường của các chiến sỹ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Được xây dựng từ những năm 1930-1931, Nhà đày Buôn Ma Thuột là một hệ thống khép kín có diện tích gần 2ha với tường dày 40cm, cao 4m bao bọc xung quanh, 4 góc cửa đều có vọng gác. Bên trong có xà lim, nhà xưởng, nhà kho, bếp ăn và 06 dãy lao tập thể, mỗi dãy lao có diện tích khoảng 180m2 có thể giam khoảng hơn 100 tù nhân, cổng chính quay về phía Nam.



Nhà đày xuất hiện như một công cụ đàn áp, khủng bố của thực dân đối với cách mạng Việt Nam, đây là nơi giam giữ và đày ải những người yêu nước, Đảng viên Cộng sản bị bắt và bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ. Mặt khác, Nhà đày còn là sản phẩm độc ác của chính quyền thực dân phong kiến: Chúng lợi dụng khí hậu khắc nghiệt của vùng Tây Nguyên, kết hợp với các biện pháp tra tấn dã man, tàn bạo để giết dần, giết mòn ý chí cách mạng của những người con yêu nước.



Trước những âm mưu, thủ đoạn của nhà cầm quyền, những chiến sỹ cách mạng đã không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân về lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh không khuất phục. Trong số gần 4.000 lượt tù nhân chuyển đến Nhà đày, đã có không ít những chiến sỹ cộng sản được “tôi luyện” để trở thành lãnh đạo cốt cán của Đảng và Chính phủ như: đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Đoàn Khuê, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu…..


Năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Đắk Lắk được thành lập và đã giác ngộ được những người con ưu tú cho Đảng, cho quân đội như đồng chí Y Blốc Êban, Y Bih Alêo, Y Som Êban, Y Bun Knong, Y Jonh (Minh Sơn)….., chính nơi đây ngọn lửa, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam được nhen nhóm, làm nòng cốt lan rộng khắp nơi, đóng vai trò hết sức to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc ở Đắk Lắk.


Khi cách mạng tháng Tám thành công, Nhà đày Buôn Ma Thuột được giải vây, tù nhân được giải phóng. Đến năm 1954 khi Mỹ xâm lược nước ta, chúng tiếp tục sử dụng nơi đây để giam giữ tù nhân và chia Nhà đày làm hai phần: một bên phục vụ quân nhu, một bên là Trung tâm cải huấn và xây dựng một số công trình khác nhà Nguyện, nhà Quốc thái dân an, nhà tra tấn, dãy xà lim….


Sau năm 1975, Nhà đày Buôn Ma Thuột được giao lại cho Ty Công an quản lý, năm 1979 Nhà đày được chuyển lại cho Sở Văn hóa và Thông tin quản lý (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).


Năm 1980 Nhà đày Buôn Ma Thuột được Bộ Văn hóa và Thông tin đặc cách xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia. Đến ngày 24/12/2018 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

GD&TT