HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC DI SẢN VĂN HOÁ TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK NĂM 2022
Giáo dục tại bảo tàng là hoạt động quan trọng, hướng đến mục tiêu thu hút công chúng tham gia trải nghiệm nhằm kích thích sự tò mò và hứng thú đối với hiện vật và các bộ sưu tập của bảo tàng. Môi trường giáo dục trong bảo tàng thúc đẩy việc học tập đa phương diện, nâng cao năng lực tư duy và phát triển khả năng học tập của mỗi cá nhân.
Năm 2022, Bảo tàng Đắk Lắk đã đa dạng hoá các hoạt động giáo dục, xây dựng các chương trình thiết thực, ý nghĩa, đưa bảo tàng đến gần với công chúng, với các đơn vị trường học, từ đó nâng hiệu quả và chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục di sản văn hoá, lịch sử của địa phương.
Chương trình Giáo dục di sản văn hoá tại trường tiểu học Nguyễn Văn Bé, xã Hoà Đông, huyện Krông Pắc
Trong quá trình thực hiện, Bảo tàng Đắk Lắk luôn bám sát các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương và của tỉnh để tham mưu và triển khai thực hiện, đặc biệt là Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 27/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ"; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Kế hoạch số 13078/KH-UBND, ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch phối hợp số 1788/KHPH-SVHTTDL-SGĐT, ngày 26/9/2018 giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc “Tuyên truyền giáo dục các giá trị di sản văn hóa cho học sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018- 2021, định hướng đến năm 2025”.
1. Phối hợp với các trường học tổ chức cho 6.011 học sinh và 2.943 sinh viên trong và ngoài tỉnh đến Bảo tàng Đắk Lắk tham quan, học tập.
Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng tham quan và trải nghiệm tại phòng trưng bày Đa dạng sinh học
2. Đa dạng hoá các chương trình giáo dục di sản văn hoá thông qua hình thức trực tuyến:
Thực hiện Công văn số 3809/BVHTTDL-DSVH, ngày 14/10/2021 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong hoạt động bảo tàng; Kế hoạch số 23/KH-UBND, ngày 28/1/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị thông minh năm 2022; Kế hoạch số 536/KH-SVHTTDL, ngày 25/3/2022 của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch về chuyển đổi số Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch năm 2022.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số đối với hoạt động của bảo tàng cũng như tăng cường ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị. Công tác tuyên truyền và giáo dục di sản văn hóa tại Bảo tàng Đắk Lắk đã triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động thiết thực:
Phối hợp với các bảo tàng trên toàn quốc như: Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Nam Định, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cần Thơ,… tham gia chương trình Giáo dục Di sản Văn hóa ba miền; Tìm hiểu nhân vật lịch sử Việt Nam do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chủ trì tổ chức, thông qua hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom Meeting.
Trên cơ sở số hóa tài liệu giáo dục tại Bảo tàng thành những bài giảng điện tử chất lượng cao, các tiết học trực tuyến hấp dẫn với nhiều hoạt động thú vị và bổ ích như: Khám phá văn hóa, tìm hiểu lịch sử, địa lý vùng đất Đắk Lắk qua hiện vật, tư liệu tại Bảo tàng Đắk Lắk kết hợp với những thước phim dân tộc học, lịch sử; lắng nghe bài hát và tìm hiểu di tích danh lam thắng cảnh ở Đắk Lắk; tổng kết nội dung bài học là các trò chơi vui nhộn, phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học.
Kết quả: Từ tháng 02/2022 đến tháng 11/2022 đã thực hiện 38 tiết học cho 1.125 lượt học sinh với 05 chủ đề: Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột; Nhà dài Êđê; Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của người Mnông ở Buôn Đôn; Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên; Hoàng Minh Thảo và Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Chương trình đã nhận được sự yêu thích, phản hồi tích cực của học sinh, phụ huynh và trường học, góp phần lan toả, giới thiệu hình ảnh và hiện vật của Bảo tàng Đắk Lắk nói riêng và văn hoá, lịch sử của tỉnh Đắk Lắk nói chung đến các em học sinh đến từ mọi miền đất nước.
Tháng 04/2022, tổ chức chương trình giáo dục trực tuyến tại địa phương với chủ đề: “Bác Hồ với di sản" cho 220 học sinh khối lớp 4, lớp 5 trường Tiểu học Phan Chu Trinh và Phan Đăng Lưu, thành phố Buôn Ma Thuột.
Một buổi học trực tuyến của Bảo tàng Đắk Lắk
Trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với tình hình mới mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, việc Bảo tàng Đắk Lắk áp dụng hình thức giáo dục trực tuyến đã giúp nhà trường, phụ huynh và học sinh có nhiều sự lựa chọn trong các chương trình ngoại khoá, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu và học tập của các đối tượng học sinh. Bên cạnh đó, chương trình đã triển khai theo đúng định hướng của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường xây dựng các chương trình phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo với Bảo tàng.
3. Nghiên cứu, học hỏi tìm ra các giải pháp mới, mô hình mới để xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa đặc sắc, đáp ứng nhu cầu và tâm lý của học sinh.
Trên cơ sở tài liệu giáo dục địa phương đối với từng cấp học, Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ giáo án điện tử có nội dung đa dạng, phong phú, kết hợp với các trưng bày lưu động, giúp học sinh tìm hiểu lịch sử, địa lý, văn hoá, di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, tổ chức các chương trình tuyên truyền giáo dục di sản văn hóa tại các trường học như: “Các di tích đã được xếp hạng của tỉnh Đắk Lắk” cho 1.270 học sinh tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Bé và Trường trung học cơ sở Hoà Đông, xã Hoà Đông, huyện Krông Pắc; “Bác Hồ với di sản” cho 450 học sinh tại trường Tiểu học Phan Đăng Lưu và Tiểu học Phan Chu Trinh, thành phố Buôn Ma Thuột.
Niềm vui của các em học sinh sau mỗi chương trình giáo dục di sản
Hoạt động giáo dục của Bảo tàng Đắk Lắk khá đa dạng với nhiều hình thức như: Tổ chức các buổi tham quan trưng bày; các hoạt động trải nghiệm; các chương trình tuyên truyên giáo dục di sản văn hóa tại bảo tàng và tại các trường học; các chương trình đố vui nhân các dịp lễ, tết và sự kiện quan trọng; các chương trình trắc nghiệm kiến thức trực tuyến; trưng bày lưu động với nhiều chủ đề khác nhau, ….
4. Song song với hoạt động giáo dục là các chương trình trải nghiệm thú vị: Năm 2022, Bảo tàng Đắk Lắk đã tổ chức 03 chương trình giáo dục kết hợp trải nghiệm cho 500 học sinh tham gia với các chủ đề: “Một thời để nhớ” nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, “Vui hội Trăng rằm năm 2022” nhân dịp Tết trung thu năm 2022 và “Hà Giang - điểm hẹn nơi cực Bắc” nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2022). Với phương châm “học mà chơi, chơi mà học”, các chương trình thực hiện theo tiêu chí lấy học sinh làm trung tâm, hình thức đa dạng hấp dẫn và mang tính giáo dục cao, gắn liền nội dung trưng bày của Bảo tàng với mục tiêu giáo dục của các trường học. Qua đó, tạo không gian trải nghiệm, giao lưu, học tập và khám phá những điều thú vị về văn hoá của dân tộc, đồng thời kích thích niềm đam mê trong học tập, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc đối với các em học sinh.
Trải nghiệm ẩm thực tại Chương trình giáo dục trải nghiệm “Hà Giang – Điểm hẹn nơi cực Bắc”
5. Trong thời đại số hiện nay, việc kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với truyền thông là một trong những yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định thành công của các chương trình giáo dục di sản văn hóa, lan tỏa và tạo dấu ấn sâu rộng trong cộng đồng. Nhận thức được điều đó, Bảo tàng Đắk Lắk luôn chú trọng việc tuyên truyền các hoạt động giáo dục một cách thường xuyên, liên tục trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, tạo mối quan hệ và tăng cường tương tác với công chúng, khảo sát, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của công chúng để đổi mới các hoạt động giáo dục ngày càng phù hợp hơn.
6. Bảo tàng Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch số 21/KH-BT, ngày 02/6/2022 về Ứng dụng phần mềm Spotify và Vbee vào công tác giáo dục và truyền thông của Bảo tàng. Kết quả: Sử dụng có hiệu quả ứng dụng Vbee-Text to speech – Nền tảng chuyển văn bản thành giọng nói vào mục đích tuyên truyền cho các trưng bày, giới thiệu câu chuyện hiện vật, câu chuyện di tích trên các kênh truyền thông của đơn vị: Trang thông tin điện tử (website), trang facebook, kênh youtube;
Xây dựng kênh DakLak Museum Radio trên nền tảng Podcast Spotify với các chủ đề về di tích. Kênh DakLak Museum Radio bước đầu đã có những phản hồi tích cực từ phía công chúng, góp phần quảng bá hình ảnh, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh đặc biệt hướng đến giới trẻ - nhóm đối tượng phổ biến sử dụng nền tảng Podcast Spotify.
Một chủ đề trên kênh DakLak Museum Radio
Để có những kết quả như trên, các cán bộ, viên chức tại Bảo tàng Đắk Lắk đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tích cực, chủ động, tăng cường kết nối với các đơn vị, trường học, hướng đến các mục tiêu tuyên truyền, giáo dục di sản văn hoá một cách sâu rộng, thiết thực và đạt hiệu quả cao thông qua các kế hoạch cụ thể, gắn liền với bảo tàng và di tích; kết hợp giữa hoạt động giáo dục tại bảo tàng với các môn học Địa lý, Lịch sử địa phương để tạo ra các chương trình chất lượng, từ cơ bản đến chuyên sâu.
Trên cơ sở các kết quả đạt được của năm 2022, Bảo tàng Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát huy những mặt mạnh, tích cực, khắc phục những hạn chế, đầu tư xây dựng các chương trình dài hạn, để công tác tuyên truyền và giáo dục di sản văn hoá đạt được hiệu quả cao nhất trong những năm tiếp theo; Thông qua các hoạt động tích cực của đơn vị, góp phần để Bảo tàng Đắk Lắk thực sự là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách, một địa chỉ giáo dục tin cậy đối với các trường học, các em học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.
GDTT