HÁT THEN TRÊN CAO NGUYÊN ĐẮK LẮK
Hát then là một loại hình nghệ thuật, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân tộc Tày, Nùng. Đến với Cao nguyên Đắk Lắk, nghệ thuật hát Then đóng góp thêm hương sắc vào bức tranh văn hóa đa sắc màu của 49 dân tộc anh em, tạo nên một không gian văn hóa đa dạng và đặc sắc.
Di sản thực hành Then của người dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Then gắn với đời sống tâm linh và tín ngưỡng, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của cộng đồng. Hát Then là linh hồn cho các lễ nghi, lễ hội như: Then giải hạn, Then khai rượu, Then kỳ yên, Then cứu bệnh, Then thượng thọ, Then hợp hôn,…
Về cơ bản, hát Then ở mỗi vùng miền đều có cung, quãng giống nhau, nhưng về lời hát thì khác nhau để phù hợp với đặc điểm, phong tục của từng địa phương. Hát Then luôn luôn được đệm bằng đàn tính (tính tẩu - tên gọi có nguồn gốc từ người dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng) kết hợp cùng chùm xóc nhạc.
Đàn tính là nhạc cụ được sử dụng trong các sinh hoạt nghi lễ Then. Qua tìm hiểu số lượng đàn tính trong các Lễ hội dân gian Việt Bắc và số lượng đàn tính của dân tộc Nùng, vùng Ea Siên (Buôn Hồ), đàn tính có nhiều kích cỡ khác nhau. Những cái có bầu đàn to và cần đàn dài thường có âm thanh vang to, khỏe. Loại có kích cỡ bầu đàn nhỏ, cần đàn ngắn, thường có âm thanh cao, sáng. Chất liệu chính làm nên đàn tính thường có sẵn ở địa phương như quả bầu nậm làm bầu đàn, gỗ vông, lõi cây dâu rừng,… làm thân đàn.
Cách chế tác thường bằng phương pháp thủ công. Chùm xóc nhạc là các vòng tròn đồng nhỏ, cùng các quả chuông nhỏ, khi rung hoặc lắc, chúng tác động vào nhau phát ra âm thanh.
Đàn tính hiện vật tại Bảo tàng Đắk Lắk
Lối hát trong Then là lối hát đọc thơ, lối hát ngâm. Lời ca trong hát Then được biểu đạt chủ yếu bằng ngôn ngữ Tày – Nùng, được truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác nên không giữ được nguyên bản. Trong mỗi đoạn hát đều có cốt truyện, nhiều câu chuyện mang tính thần thoại, yếu tố tâm linh. Nhìn chung, nội dung lời ca trong hát Then mang tính ước lệ, phóng đại sự việc nhưng qua đó chứa đựng hàm ý, nó phản ánh tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng, ước mơ của con người.
Trên Cao nguyên Đắk Lắk, hát Then có nhiều biến đổi so với trước kia, ngoài các làn điệu Then cổ thường được trình diễn ở các buổi lễ tín ngưỡng, với các nghi thức nhất định, xuất hiện nhiều làn điệu cải biên để thích ứng trong các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng. Như vậy, hát Then không chỉ là một loại hình nghệ thuật dân gian quen thuộc của dân tộc Tày, Nùng ở vùng núi phía Bắc mà đã theo chân những người con nơi đây vào vùng đất Đắk Lắk và trở nên quen thuộc đối với các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn.
Hát Then trong Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc (xã Ea Tam, huyện Krông Năng)
Hát Then trong Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin)
Khách tham quan chụp hình với Đội nghệ nhân hát Then tại Bảo tàng Đắk Lắk
Thiết thực chào mừng Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 01/5, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức chương trình trải nghiệm, chủ đề “Hát Then - điệu hát thần tiên”.
Chương trình gồm các hoạt động: Biểu diễn hát Then – đàn tính, múa bát, nhảy sạp và trình diễn chế tác đàn Tính do Đội nghệ nhân đến từ huyện Krông Pắc biểu diễn.
Thời gian tổ chức từ ngày 27/4 đến ngày 28/4/2024. Đến tham quan và tìm hiểu Di sản thực hành Then của người dân tộc Tày, Nùng tại Bảo tàng Đắk Lắk trong dịp lễ 30/4 và 01/5, du khách sẽ có những trải nghiệm thật sự tuyệt vời.
Hoài My