ĐỒNG CHÍ CHU HUỆ - CỰU TÙ CHÍNH TRỊ NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT - NGƯỜI CHIẾN SĨ BẤT KHUẤT, KIÊN TRUNG
Nhà đày Buôn Ma Thuột, trường học cách mạng đặc biệt, nơi những người tù chính trị bị giam cầm, đày ải đã vượt lên sự khắc nghiệt của chốn lao tù, rèn luyện ý chí, học tập, trau dồi chủ nghĩa Mác – Lê nin và tổ chức những cuộc vượt ngục. Một trong số đó là đồng chí Chu Huệ, người con ưu tú của vùng đất Nghệ An, người đã tổ chức ba cuộc vượt ngục thành công để trở về hoạt động cách mạng, với phong trào của quần chúng Nhân dân.
Đồng chí Chu Huệ (1903-1956), cựu tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột
Đồng chí Chu Huệ sinh năm 1903, tại làng Cẩm Bào, tổng Hoàng Trường nay là xã Diễm Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, ngay từ nhỏ đồng chí Chu Huệ học rất giỏi và từng bước theo cha tham gia hoạt động cách mạng.
Năm 1931, cơ sở cách mạng bị khủng bố, cả hai cha con đồng chí Chu Huệ đều bị bắt giam tại nhà lao Phủ Diễn. Không chấp nhận số phận tù đày, đồng chí Chu Huệ tìm mọi cách trốn khỏi nhà giam, với sự táo bạo và dũng cảm, đồng chí đã vượt ngục thành công. Tri Phủ Diễn Châu và bọn thực dân vô cùng tức tối, chúng đã hèn hạ đem người cha kính yêu của đồng chí là cụ Chu Văn Đôn ra xử bắn.
Chu Huệ bị đưa vào danh sách những đối tượng “cực kỳ nguy hiểm” mà thực dân Pháp truy lùng khắp nơi và treo thưởng lớn để bắt. Lần thứ hai rơi vào tay giặc, đồng chí bị tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án 20 năm tù và đày đi Lao Bảo. Năm 1935, đồng chí Chu Huệ bị đưa lên Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Trong chốn lao tù, đồng chí Chu Huệ luôn đấu tranh chống lại chế độ hà khắc, tàn bạo của nhà tù thực dân, đồng thời tìm cơ hội để vượt ngục trở về hoạt động cách mạng. Năm 1936, chớp lấy thời cơ, đồng chí tổ chức cuộc vượt ngục thành công, thoát khỏi Nhà đày Buôn Ma Thuột. Vượt qua sự nguy hiểm trong những cánh rừng của Tây Nguyên đại ngàn để tìm đường ra Bắc trở về quê hương, vừa bị địch truy lùng, vừa bị sự đe dọa của thú dữ và đói rét, nhưng với sức mạnh tinh thần, nghị lực, mưu trí và sự chịu đựng dẻo dai của một người cộng sản dày dạn kinh nghiệm, đồng chí đã trở về, bắt liên lạc, tìm địa điểm để lập cơ sở in tài liệu bí mật. Hoạt động của đồng chí chưa được bao lâu thì bị bắt lần thứ ba và tiếp tục bị đày lên Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Năm 1938, không khuất phục cảnh tù đày, đồng chí Chu Huệ lại tổ chức vượt ngục lần thứ hai tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, nhưng không may, kế hoạch bị bại lộ, đồng chí đã bị tra tấn và giam vào xà lim trong suốt một năm ròng rã.
Xà lim – nơi giam giữ những người tù bị xếp vào danh sách đặc biệt nguy hiểm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột
Dù bị giam ở xà lim, bị cùm chân, xích tay nhưng đồng chí vẫn hăng say học tập ngày đêm. Không kiếm được giấy mực thì cũng nhắm mắt ôn lại những bài học chính trị, văn hóa, điạ dư… Đối với anh em tù chính trị, đồng chí rất chân thành, thân mật, luôn đi tiên phong trong các cuộc đấu tranh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Năm 1941, thực dân Pháp đày 120 tù nhân, trong đó có đồng chị Chu Huệ đi giam giữ tại Ngục Đắk Mil, lấy đói rét, bệnh tật, đánh đập để tiêu diệt ý chí cách mạng của những người tù cộng sản trong rừng sâu hoang vắng. Nhưng với quyết tâm trở về với Đảng, với cách mạng, năm 1942 đồng chí Chu Huệ cùng với ba đồng chí: Trương Vân Lĩnh, Nguyễn Tạo, Trần Hữu Doánh tổ chức vượt ngục thành công.
Ngục Đắk Mil, nơi giam giữ đồng chí Chu Huệ
Thoát khỏi nhà tù thực dân, đồng chí Chu Huệ như chim sổ lồng hoạt động không mệt mỏi cho phong trào cách mạng. Tháng 8/1943, đồng chí Chu Huệ lại bị mật thám đón đường và bắt tại Hà Tĩnh và đây là lần thứ tư đồng chí rơi vào tay giặc. Lần này, thực dân Pháp tiếp tục đưa đồng chí lên giam giữ tại Nhà đày Buôn Ma Thuột (lần thứ ba).
Ngày 09 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp và tiếp quản Nhà đày Buôn Ma Thuột, không chờ đến ngày mở cửa, đồng chí Chu Huệ đã cùng các đồng chí đảng viên kiên trung trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chớp lấy thời cơ vượt ngục.
Sau ngày cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được giao nhiều trọng trách quan trọng tại Nghệ An. Năm 1946, đồng chí Chu Huệ cùng đồng chí Nguyễn Tạo được giao nhiệm vụ phá thành công vụ án Ôn Như Hầu và bắt nhiều phần tử chống phá cách mạng.
Do những năm tháng dài hoạt động cách mạng gian khổ và bị tra tấn cực hình, đồng chí Chu Huệ không may mắc bệnh hiểm nghèo và từ trần vào ngày 30/9/1956, hưởng dương 54 tuổi. Sự ra đi của đồng chí là niềm tiếc thương vô hạn, là một mất mát to lớn của cách mạng Việt Nam.
Như vậy, trong suốt 14 năm (từ 1931-1945), đồng chí Chu Huệ đã bốn lần rơi vào tay giặc, trải qua những trận đòn roi tra khảo, bị giam giữ hết nhà tù này đến nhà tù khác, nhưng với tinh thần yêu nước, đồng chí đã cùng những người đồng đội nhiều lần phá gông cùm, vượt khỏi ngục tù tăm tối về với Đảng, với cách mạng, với phong trào giải phóng dân tộc. Mưu trí, kiên cường, dũng cảm, đồng chí Chu Huệ mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo.
Thu Hương