ĐỒI ČƯ H’LĂM
Đồi Čư H’lăm thuộc địa bàn xã Ea Pôk, huyện Cư M’gar, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 14 km về hướng Bắc.
Toàn bộ ngọn đồi có diện tích 18,96 ha, trong đó 15,65 ha là rừng nguyên sinh, được chia làm 5 tầng: ba tầng trên là tầng cây gỗ rồi đến tầng cây bụi tái sinh và cuối cùng là tầng thảm cỏ. Nhìn từ hướng Bắc, ngọn đồi Čư H’lăm giống như một chiếc “bát úp khổng lồ” thấp dần về phía Đông. Từ trên cao nhìn xuống ngọn đồi có hình dạng như một chiếc “nón cụt”, ở giữa là một thung lũng lòng chảo cây cối rậm rạp, những người dân ở trong vùng cho rằng đây từng là miệng của ngọn núi lửa còn sót lại cho đến ngày nay. Vào những ngày nắng, trời oi bức xung quanh vùng đồi không khí vẫn mát mẻ trong lành, chính vì vậy Čư H’lăm được ví như “chiếc máy điều hoà không khí” mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
Đồi Čư H’lăm được coi là một ngọn đồi thiêng, xung quanh nó là những câu chuyện, truyền thuyết nhằm lý giải cho tên gọi Čư H’lăm.
Chuyện kể rằng: Từ rất xưa, ở phía Đông của ngọn đồi có một buôn người Êđê sinh sống. Trong buôn có hai anh em họ Niê tên là Y Đin và H’Hoan yêu nhau. Theo luật tục của người Êđê, anh em cùng họ không được lấy nhau, bởi đó là sự loạn luân, là tội lỗi không thể tha thứ, ai vi phạm thì sẽ bị làng bắt tội. Hai người phải chịu sự trừng phạt của buôn làng, phải ăn cơm trong máng heo, làm lễ cúng Yang (trời) một con heo trắng… Nhưng kỳ lạ thay, khi già làng đang làm lễ cúng thì bỗng nhiên con heo đặt trên bàn cúng vùng dậy chạy. Con heo chạy đến đâu buôn làng sụp dần đến đó, trở thành vùng đầm lầy nằm ở phía đông dưới chân đồi hiện nay. Để nhắc nhở giáo dục cho con cháu mai sau không phạm phải sai lầm, dẫn đến tai họa cho buôn làng, những người dân mới đến định cư đã đặt tên cho buôn và ngọn đồi là Čư H’lăm (có nghĩa ngọn đồi và buôn có cô gái mắc tội loạn luân). Cũng từ đó mỗi khi đang đi trên đồi, ai vô tình nhắc đến tên hai anh em Y Đin và H’Hoan thì tự nhiên không biết đường về, cây cối trên núi cũng không ai dám chặt, vì cứ chặt về làm nhà thì tự nhiên nhà sẽ bốc cháy. Đặc biệt là dưới thung lũng ở giữa đồi thỉnh thoảng có người “may mắn” thấy có dòng nước chảy ra như suối, xung quanh mọc những cây môn ăn được … Cứ như thế câu chuyện được truyền miệng mãi, khu rừng nhờ thế vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Lại có chuyện kể rằng: Ở một buôn nằm ở phía Đông của đồi Čư H’lăm hiện nay, có hai anh em cùng họ Niê yêu nhau. Theo luật tục của người Êđê thì những người có cùng họ (họ mẹ) lấy nhau sẽ bị coi là tội loạn luân, chẳng những trái với đạo đức là còn gây ra tai hoạ như hạn hán, mất mùa, dịch bệnh... Người phạm tội sẽ bị xét xử theo phong tục và chịu nhiều hình phạt nặng như: nộp cho làng một con trâu trắng, hai chiếc bát đồng để cúng đất (Tuh lăn). Sau khi cúng, người chủ lễ (Pô lăn) chích máu ở đầu ngón tay trỏ người phạm tội, cho họ uống, rồi buộc hai người phải xuống suối tắm và ăn cơm trong máng lợn để xoá tội lỗi của mình.
Hai anh em không thực hiện việc phạt tội, họ mong muốn xóa bỏ luật tục trái ngang đó. Chàng trai đã bỏ làng ra đi, còn cô gái ngày ngày lên trên ngọn đồi than khóc, nguyện cầu, chờ mong chàng trai trở về. Ngày lại ngày, nước mắt của cô thấm xuống đất làm trũng cả một vùng của ngọn đồi tạo nên thung lũng như ngày nay, toàn thân cô cũng hoà tan vào dòng nước và bị chôn vùi trong lòng đất. Còn buôn làng nơi cô và người yêu từng sinh sống cũng bị sụp sâu xuống đất tạo nên một vùng đầm hồ. Sau một thời gian, chàng trai trở về chốn cũ thì không thấy buôn làng và người thương đâu. Chàng bèn thả một quả bầu khô và khấn nguyện nơi nào quả bầu dạt vào sẽ là nơi cô gái ở, rồi chàng lần theo quả bầu trôi, đến đồi tự nhiên quả bầu dừng lại. Chàng lên đồi tìm mà chẳng thấy cô gái đâu mà chỉ thấy một thung lũng sâu, phía dưới có một dòng suối trong chảy róc rách, thoang thoảng mùi hương, tiếng suối chảy như tiếng khóc nỉ non của cô gái. Từ đó, chàng trai ngày qua ngày vì thương nhớ người yêu nên đã chết tự lúc nào. Người đời về sau đã đặt tên cho ngọn đồi là Čư H’lăm (đồi có cô gái bị vùi chôn, hay đồi của sự loạn luân) và cho rằng chính dòng suối thỉnh thoảng xuất hiện trên đồi đã minh chứng cho lòng thuỷ chung, trong trắng của cô gái. Từ đó, họ cũng không chặt phá cây rừng ở đây nữa vì hồn cô gái đã ngự ở trên đồi, trở thành nữ chúa rừng xanh, mỗi khi ai có uẩn khúc gì thì lên đồi mà khấn nguyện, họ sẽ cảm thấy như được giải toả, thanh thản hơn. Chính vì thế, khu rừng nguyên sinh trên ngọn đồi được bảo tồn nguyên vẹn và truyền thuyết vẫn được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.
Cách đồi Čư H’lăm khoảng 02 km là buôn Ea Sut - buôn của đồng chí Y Ngông Niê Kdăm, một người con ưu tú của đồng bào dân tộc Êđê. Suốt cuộc đời theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, từ những ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đến cuộc trường chinh suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, với bất cứ nhiệm vụ nào đồng chí cũng đem hết nhiệt tình, trách nhiệm để làm tròn nhiệm vụ: từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đến Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk; Ủy viên Ban thường trực Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Giám đốc Trường cán bộ dân tộc Trung ương, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên, dù ở cương vị nào đồng chí đều tận tâm, tận lực, hết mình phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, xứng đáng là người con ưu tú của mảnh đất Tây Nguyên anh hùng.
Ngày 23/9/2009, Đồi Čư H’lăm đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk xếp hạng là Di tích Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Một số hình ảnh về Di tích
GD&TT