DI TÍCH LỊCH SỬ SỞ CHỈ HUY - NƠI CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP QUÂN ĐOÀN 3 THUỘC ĐỊA PHẬN XÃ EA TIR, HUYỆN EA H’LEO, TỈNH ĐẮK LẮK
Hòa chung không khí chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Bảo tàng Đắk Lắk trân trọng giới thiệu đến công chúng Di tích lịch sử Sở chỉ huy - Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần kiên cường, bất khuất của quân và dân các dân tộc Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ.
Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Với nghệ thuật quân sự tài tình, ta đã có trận đánh mở màn, then chốt, quyết định, giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, đây chính là “đòn điểm huyệt” tạo ra đột biến về mặt chiến lược, đẩy nhanh tiến trình của cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Sau trận đánh Buôn Ma Thuột, quân ta nhanh chóng giải phóng Kon Tum, Pleiku, khiến địch phải tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, giải phóng địa bàn rộng lớn gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Bổn, Quảng Đức, sau đó quân ta đánh xuống giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với khoảng 1.600.000 dân.
Ngày 26/3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 54/QP-QĐ thành lập Quân đoàn 3 trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đội hình Quân đoàn 3 chính là khối chủ lực Mặt trận Tây Nguyên chuyển gọn thành. Cơ cấu tổ chức ban đầu bao gồm: Bộ Tư lệnh Quân đoàn; ba cơ quan: Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần và các đơn vị: Sư đoàn bộ binh 10, Sư đoàn bộ binh 320, Sư đoàn bộ binh 316, Trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn pháo binh 40, Trung đoàn pháo binh 675, Trung đoàn phòng không 234, Trung đoàn phòng không 232, Trung đoàn phòng không 593, Trung đoàn xe tăng 273, Trung đoàn công binh 7, Trung đoàn thông tin 29, Trường Quân chính và các đoàn sản xuất, thu mua.
Ngày 27/3/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Sở chỉ huy tiền phương của Bộ đến Sở chỉ huy cơ bản của Sư đoàn 320 (trong chiến dịch Tây Nguyên) tại khu rừng phía Tây Thuần Mẫn (nay thuộc xã Ea Tir, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk). Tại đây, Đại tướng đã thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương công bố quyết định thành lập Quân đoàn 3. Việc Quân đoàn 3 được thành lập, có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu sự ra đời của quân đoàn chủ lực cơ động thứ 4 của Quân đội nhân dân Việt Nam, với thành phần là các đơn vị chủ lực Mặt trận Tây Nguyên chuyển gọn thành. Quân đoàn 3 là một binh đoàn chủ lực binh chủng hợp thành hoàn chỉnh, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, ổn định, sức cơ động cao, hỏa lực mạnh, có trình độ và kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng binh chủng; có thể độc lập tiến hành một chiến dịch hoặc đảm nhiệm hướng chủ yếu trong đội hình chiến dịch lớn của cấp trên, làm lực lượng quyết định trong các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược.
Sau khi công bố Quyết định, Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ thị: “Các đơn vị, các hướng nhanh chóng kết thúc chiến dịch, nhanh chóng thu quân, chấn chỉnh lực lượng, bổ sung quân số và trang bị, vũ khí đã tiêu hao trong chiến dịch, bằng mọi phương tiện nhanh chóng thu quân cơ động về tập kết tại khu vực Dầu Tiếng (Tây Ninh) tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Chậm nhất đơn vị cuối cùng phải có mặt ở khu vực tập kết trước ngày 24/4/1975”.
Sở chỉ huy - Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 là nơi khắc ghi sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực Tây Nguyên, được hình thành từ các đơn vị chủ lực, đã lập được nhiều chiến công vang dội. Sự ra đời của Quân đoàn 3 – Binh đoàn Tây Nguyên là một tất yếu, đánh dấu sự ra đời của quân đoàn chủ lực cơ động thứ tư của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đánh dấu bước phát triển của Quân đội ta, gắn liền với thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong cuốn hồi ký “Buôn Ma Thuột những trận đánh lịch sử”, Trung tướng Hoàng Minh Thảo đã có những dòng hồi ức: “Ngày 26 tháng ba, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Quân đoàn 3, mang tên Binh đoàn Tây Nguyên. Quân đoàn 3 được thành lập, trên cơ sở các lực lượng chủ lực Mặt trận Tây Nguyên, Thiếu tướng Vũ Lăng làm tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm chính ủy; Quân đoàn 3 sinh thành trên đất Tây Nguyên, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên anh hùng đã sản sinh ra đứa con anh hùng. Ngày nay, Tây Nguyên vừa giải phóng, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Nhân dân Tây Nguyên lại tiễn đưa Quân đoàn 3 lên đường tiến về tham gia giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa năm 1975…”.
Như vậy, nhiệm vụ của Quân đoàn 3 được cấp trên giao rất nặng nề, cấp bách, thời gian vỏn vẹn chỉ có 26 ngày, muôn vàn khó khăn chồng chất, nhưng với khí thế “dời non lấp bể” “cơ động thần tốc”, được khích lệ với nhiệm vụ trọng đại sắp tới, chỉ huy các cấp đã phát huy mọi sáng kiến, với quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đến ngày 24/4/1975, Sư đoàn 10 là đơn vị cuối cùng đã vào đến khu vực Bến Tranh, Bến Củi.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 3 đảm nhiệm hướng tiến công đập tan tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn - Gia Định. Tổ chức lực lượng đột kích mạnh, đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là sân bay Tân Sơn Nhất, phát triển hiệp đồng binh chủng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy,... Với phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Quân đoàn là: “Mạnh bạo, chắc thắng, đánh mạnh, đánh liên tục, nắm chắc thời cơ thọc sâu phát triển nhanh”, Quân đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trên các hướng, lần lượt đánh chiếm và làm chủ: Gò Dầu Hạ, Trảng Bàng, Đồng Dù, Hóc Môn, Trung tâm huấn luyện Quang Trung, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Ngụy,… Hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, góp phần cùng toàn quân, toàn dân kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 7/1975), Đại tướng Văn Tiến Dũng đã nhận xét: “Quân đoàn 3 tham gia từ đầu đến cuối cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975,... đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, có thể nói là hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc…”.
Sau khi cùng quân và dân ta hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ tiếp quản và tham gia xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, khắc phục hậu quả sau chiến tranh ở các địa phương: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phú Khánh, Thuận Hải; truy quét Fulrô bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế đối với nước bạn Campuchia; cơ động ra bảo vệ biên giới phía Bắc và trở lại bảo vệ địa bàn chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 15/12/2024, Quân đoàn 3 cùng với Quân đoàn 4 hợp thành Quân đoàn 34 theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới.
Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 luôn trân trọng, tự hào và phát huy truyền thống “Quyết thắng, Sáng tạo, Đoàn kết, Thống nhất, Nghiêm túc, Tự lực” được xây đắp nên bằng sức lực, trí tuệ và máu xương của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Nhớ về một thời oanh liệt đã qua, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 bồi hồi kể lại:
“…. Trên cuộc hành quân mang tầm thời đại ấy, tôi vẫn nhớ như in nhiều hộ dân dỡ nhà mình để giúp bộ đội làm cầu, huy động xe bò, xe trâu, thậm chí là mang vác giúp bộ đội. Sau này, tôi thường nói với đồng chí, đồng đội rằng cuộc hành quân ấy đã kết hợp được sức mạnh của một Tây Nguyên bất khuất, kiên trung và sức mạnh của một binh đoàn chủ lực được sinh ra từ mảnh đất này”.
Trải qua 50 năm thăng trầm lịch sử với những tác động từ thiên nhiên, con người, nên tất cả hạng mục công trình mang yếu tố gốc của Di tích Sở chỉ huy - Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 và Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh tại Tây Nguyên đã thay đổi rất nhiều. Các dấu tích hầm hào đã bị sạt lở, bào mòn; có hầm bị bồi lấp, có hầm bị cây cối mọc lên che khuất, những cánh rừng nguyên sinh từng có trước đây giờ đã khác, đất được giao cho công ty tư nhân thực hiện dự án trồng cây công nghiệp, làm cho diện mạo di tích thay đổi.
Tuy nhiên, hiện nay Sở chỉ huy - Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 vẫn còn dấu tích của 17 vị trí hầm, trong đó gồm: 14 hầm Sở chỉ huy cơ bản của Sư 320 được đại diện Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tại Tây Nguyên làm Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 ngày 27/3/1975; 03 hầm Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh tại Tây Nguyên - nơi Đại tướng Văn Tiến Dũng đã ở và làm việc trong những ngày cuối tháng 3/1975.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cùng Đoàn cán bộ khảo sát đi vào khu vực SCH e198 - nơi Đại tướng Văn Tiến Dũng đã ở và làm việc (tháng 7.2017)
Hầm số 1, Sở chỉ huy Trung đoàn đặc công 198, nơi Đại tướng Văn Tiến Dũng đã ở, làm việc những ngày cuối tháng 3/1975
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 giới thiệu về khu vực di tích tại Hầm số 1
Đặc biệt, Sở chỉ huy - Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 nằm cách Sở chỉ huy tiền phương của Bộ khoảng 1,5 km về hướng Đông. Đây chính là nơi Đại tướng Văn Tiến Dũng đã ở, làm việc trước và sau khi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3.
Theo lời kể của đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Dũng, nguyên Thư ký quân sự của Đại tướng Văn Tiến Dũng: “Nơi đây từng là căn cứ đóng quân của đơn vị đặc công B3 và đã được sử dụng làm Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh tại Tây Nguyên (hay còn gọi là Sở Chỉ huy cơ quan đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng (A75) tháng 3/1975). Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng được Trung ương cử vào chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên và công bố quyết định thành lập Quân đoàn 3. Đại tướng đã ở và làm việc tại khu vực này trong những ngày cuối tháng 3/1975. Tại đây, đồng chí Văn Tiến Dũng đã gặp các đồng chí Bùi San – Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy Khu V, đồng chí Huỳnh Văn Cần - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk để quán triệt và triển khai chỉ thị của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương thực hiện tốt công tác tiếp quản, chú trọng chính sách dân tộc nhằm tăng cường đoàn kết các dân tộc, giữ vững vùng giải phóng để Quân đoàn 3 cùng với các cánh quân chủ lực khác tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Cũng tại đây, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã làm mọi công tác chuẩn bị để đón đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, đại diện Bộ Chính trị vào để biểu dương tinh thần và chiến công của quân và dân Tây Nguyên trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 3 cùng với các cánh quân chủ lực tham gia giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, do diễn biến chiến trường lúc bấy giờ diễn ra rất nhanh chóng, chỉ trong vòng một tháng, quân ta đã áp sát Sài Gòn; để kịp thời chỉ đạo nhiệm vụ tiếp theo nên đồng chí Lê Đức Thọ đã không ghé qua Tây Nguyên mà vào thẳng căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh) để trực tiếp tham gia chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngày 13/9/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 2037/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án Khu di tích lịch sử Sở chỉ huy – Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 (xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo).
Phối cảnh công trình dự kiến xây dựng khu di tích
Dự án có diện tích đất sử dụng khoảng 199.184 m2, quy mô đầu tư xây dựng gồm: Phục hồi hầm Sở chỉ huy H2.7, Khu nhà bia (Nhà bia số 1, Nhà bia số 2, Nhà bia số 3), Nhà đón tiếp, lưu niệm, Nhà để máy phát điện,… Sau khi dự án hoàn thiện và đưa vào hoạt động, Khu di tích lịch sử Sở chỉ huy – Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 sẽ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, góp phần phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk.
Hà Phương